Theo Tổng cục Hải quan, tính từ 16/6 đến 15/7/2018, Tổng cục Hải quan (TCHQ) đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng 979 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 26,527 tỷ đồng; số thu ngân sách đạt 59,863 tỷ đồng.
Tổng cục Hải quan cũng cho biết, cơ quan Hải quan khởi tố 1 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác khởi tố 9 vụ.
Các vụ việc điển hình là ngày 3/7, Đội Kiểm soát phòng chống ma túy - Cục Hải quan tỉnh Điện Biên phối hợp với Công an huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên sử dụng biện pháp nghiệp vụ, phát hiện 1 đối tượng có hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Tang vật vi phạm gồm: 1 bánh heroin, 808 viên ma túy tổng hợp.
Ngày 8/7/2018, Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy - Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa phối hợp với lực lượng Công an tỉnh Thanh Hóa bắt quả tang 2 đối tượng có hành vi vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý. Tang vật thu giữ gồm 2 túi ma túy đá có trọng lượng 1.827gram; 4.000 viên hồng phiến có trọng lượng 372 gram; 1 khẩu súng.
Ngày 11/7, Đội Kiểm soát chống buôn lậu ma túy khu vực Miền Nam (Đội 6) - Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Cục C47B – Bộ Công an và các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 1 đối tượng có hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy tại phường Tân Thành, quận Tân Phú, TPHCM. Tang vật thu giữ gồm: 179 bánh heroin.
Ngày 12/7, Đội kiểm soát phòng chống ma túy, Cục Hải quan Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh Lạng Sơn bắt quả tang 2 đối tượng có hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy tại thị trấn Chi Lăng, Lạng Sơn, thu giữ 10 bánh heroin.
Cùng ngày 12/7, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TPHCM) đã phát hiện 1 kiện hành lý ký gửi phát hiện 12 mẫu vật là sừng của loài tê giác 2 sừng Châu Phi, tổng trọng lượng là 7.260 gram.
Ngày 8/7, lực lượng chức năng tại Trạm Kiểm soát liên hợp Km15-Bến tàu Dân Tiến, khu vực cửa khẩu Móng Cái – Quảng Ninh, kiểm tra, phát hiện 4 đối tượng vận chuyển hàng hóa trái phép, gồm: 600 chiếc điện thoại các loại và 26 chiếc máy tính bảng – Ipad đã qua sử dụng, không có phụ kiện kèm theo, chưa kiểm tra chất lượng, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Trị giá ước tính là 1,8 tỷ đồng.
Ngày 9/7, Chi cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên - Cục Hải quan An Giang chủ trì, phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên qua kiểm tra phương tiện vận tải, phát hiện Công ty TNHH Mai Thảo có hành vi cất giấu hàng trái phép trong khoang chứa hàng của xe khách liên vận. Hàng hóa vi phạm, gồm: 396 hộp thuốc tây, 1000 viên/1 hộp, xuất xứ Thái Lan (296 hộp SALBUTAMOL, 100 hộp VIOLIN).
Về quản lý hàng phế liệu, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 5290/VPCP-KTTH ngày 5/6/2018 về việc xử lý hàng hóa nhập khẩu là phế liệu đang tồn đọng tại cảng biển, ngày 25/6/2018 Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ về tình hình, thực trạng và các biện pháp đã triển khai như: Ban hành kế hoạch 2116/KH-TCHQ về việc kiểm soát rủi ro đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu trên toàn quốc; ban hành các công văn yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu, hướng dẫn quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam (Công văn số 3428/TCHQ-GSQL ngày 18/6/2019, Công văn số 4202/TCHQ-PC ngày 17/7/2018), đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp có hành vi gian lận, nhập khẩu phế liệu không đáp ứng điền kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật.
Tại cuộc họp trực tuyến mới đây về công tác đấu tranh với tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, Tổng cục Hải quan cho biết, công tác đấu tranh đã đạt được nhiều kết quả khả quan hơn trước, nhưng vẫn chưa tương xứng với yêu cầu diễn biến thực tế.
Nêu một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cho biết, một vấn đề là thẩm quyền điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự của cơ quan Hải quan trong công tác đấu tranh chống buôn lậu còn bị hạn chế. Pháp luật hiện hành chỉ quy định cho cơ quan Hải quan có thẩm quyền điều tra theo tố tụng hình sự tại Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2015 đối với tội “buôn lậu” (Điều 188), tội “vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới” (Điều 188) và tội “sản xuất, buôn bán hàng cấm” (Điều 190).
Tuy nhiên, trong khi thực thi nhiệm vụ quản lý Nhà nước về Hải quan, có rất nhiều loại tội phạm xảy ra thuộc nhiệm vụ quản lý của ngành Hải quan như: Vận chuyển trái phép vũ khí, ma tuý qua biên giới; trốn thuế, rửa tiền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả… Trên thực tế, khi phát hiện những hành vi phạm tội này, cơ quan Hải quan phải chuyển cho cơ quan điều tra. Điều này mất rất nhiều thời gian về thủ tục hành chính, không bảo đảm được tính nhanh chóng, kịp thời trong phát hiện, điều tra tội phạm.
Mặt khác, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với hình thức “phạt tiền” và “tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính” còn thấp, dẫn đến nhiều vụ việc bị kéo dài thời gian xử lý./.
Theo Huy Thắng/Chinhphu.vn