Cập nhật: 06/08/2018 10:34:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đầu quý III - 2018 là thời điểm các định chế tài chính, tổ chức nghiên cứu trong nước và ngoài nước đồng loạt đưa ra các dự báo cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam sáu tháng cuối năm và cả năm 2018. Cùng với đó là những khuyến nghị chính sách về công tác điều hành.

Nhiều gam màu sáng

Ðiểm nổi bật tại các dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 là cùng có chung nhận định lạc quan hơn, hoặc giữ nguyên về triển vọng tăng trưởng. Cụ thể, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 là 6,6%, lạm phát khoảng dưới mức mục tiêu 4% do tiếp tục duy trì được động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ nhờ vào quá trình cải cách, cam kết ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng 7,1% như đã đưa ra từ đầu năm nay. Ðây là đánh giá tích cực trong bối cảnh cập nhật biến số mới của tình hình thế giới là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đã nổ ra.

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định: Kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,8%, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với mức dự báo WB đưa ra sau khi kết thúc quý I-2018.

Tương tự, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lạc quan cho rằng, mức tăng trưởng Việt Nam có thể đạt được trong năm nay là 6,71% thay vì con số dự báo tăng trưởng 6,67% đưa ra hồi tháng 4 vừa qua. Các chỉ số kinh tế vĩ mô đều sáng: Tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 12,11%; thặng dư thương mại 1,2 tỷ USD; lạm phát bình quân 3,93%. Ðà tăng trưởng kinh tế được duy trì, không dựa vào mở rộng tiền tệ mà gắn với chuyển biến về môi trường kinh doanh. Con số đáng ghi nhận, tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2011 sẽ tác động giảm áp lực điều hành về cuối năm.

Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp được củng cố. Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam (VBF) giữa kỳ vừa diễn ra ở Hà Nội, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital, Trưởng Nhóm công tác Thị trường vốn VBF nhận định: Sáu tháng đầu năm, thị trường tài chính toàn cầu có một số diễn biến lo ngại. Tranh chấp thương mại Mỹ - Trung Quốc ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ, cùng với lãi suất đồng đô-la tăng khiến cho sức hấp dẫn của các thị trường tài chính ở những nền kinh tế mới nổi giảm đi nhưng thị trường Việt Nam vẫn thu hút 1,5 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp chứng tỏ vẫn được nhà đầu tư tin tưởng. Ðiều này cho thấy nền tảng và chính sách quản lý của nền kinh tế Việt Nam đã chắc chắn hơn rất nhiều.

Không chủ quan với lạm phát

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội còn không ít hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức, cần tập trung giải quyết; thảo luận, bàn kỹ để đưa ra biện pháp, đối sách cụ thể, kịp thời, chủ động. Chính phủ nhận định: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 mặc dù đã giảm 0,09% sau ba tháng tăng liên tiếp, nhưng sức ép tăng giá tiêu dùng vẫn còn rất lớn, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường và có nhiều thách thức.

Theo các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng năm 2018 không đáng lo bằng lạm phát. Các kịch bản tăng trưởng cũng dự báo lạm phát có thể dừng ở mức 4% hoặc thấp hơn trong năm 2018. Tuy nhiên, thực tế bắt đầu xuất hiện những yếu tố bất lợi với diễn biến lạm phát tăng cao trong tháng 5 và 6 do sự tăng giá của mặt hàng thực phẩm trong nước và giá dầu thế giới. Nhất là lạm phát trong tháng 6 đã bật tăng cao nhất so với cùng kỳ bảy năm trở lại đây. Bộ Kế hoạch và Ðầu tư lo ngại, nếu tiếp tục diễn biến đà tăng này, sẽ khó đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm dưới 4%. "Ẩn số lạm phát cuối năm đặt vào hai mặt hàng xăng dầu và thịt lợn. Nếu giá hai mặt hàng này dừng ở mức như hiện nay, lạm phát trung bình cả năm chỉ từ 3,4% đến 3,5%. Nhưng nếu tiếp tục tăng giá thì lạm phát trung bình sẽ tiệm cận mức 4%", chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định.

Bên cạnh đó, rủi ro từ thiên tai, bão lũ, việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước định giá cũng là những yếu tố khiến lạm phát tăng. Việc Mỹ nâng lãi suất đồng USD sẽ ảnh hưởng nhất định đến lãi suất và tỷ giá trong nước; tác động từ việc điều tiết ra thị trường nguồn ngoại tệ thu được từ nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô CIEM Nguyễn Anh Dương kiến nghị, việc điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý cần được thực hiện minh bạch, thận trọng và linh hoạt trên cơ sở cải thiện cạnh tranh, giám sát cơ cấu chi phí và không điều chỉnh tăng giá dồn dập vào cuối năm. Bên cạnh đó, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, thận trọng và linh hoạt kết hợp với định hướng hỗ trợ lạm phát, duy trì thanh khoản hợp lý, kiểm soát tín dụng vào bất động sản.

Tại phiên họp Chính phủ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chúng ta không thay đổi các chính sách kinh tế, tài chính trong năm 2018, kể cả thuế môi trường xăng dầu, thuế giá trị gia tăng. Không điều chỉnh giá một số loại hàng hóa, dịch vụ công, như giá điện, kiểm soát chặt chẽ giá dịch vụ, y tế. Không thay đổi chính sách tiền tệ đã đề ra từ đầu năm. Không chạy trước đón đầu biến động thị trường tài chính quốc tế như nhiều người khuyến nghị khi chưa có yếu tố tác động cụ thể.

Theo TÔ HÀ/nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm