Cập nhật: 06/08/2018 10:44:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

6 tháng qua, lực lượng quản lý thị trường trong cả nước phát hiện, xử lý trên 52.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, thu nộp ngân sách 282 tỷ đồng.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, từ đầu năm đến nay, tình hình buôn lậu và gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp. Với nhiều thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, tội phạm buôn lậu, đặc biệt là trên các tuyến biên giới.

Chỉ trong 6 tháng, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý trên 52.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, thu nộp ngân sách 282 tỷ đồng. Dù không còn công khai nhưng tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại địa bàn các tỉnh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc.

Rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, đường ăn, xăng dầu, thuốc lá điếu, gia cầm, vải, quần áo may sẵn, mỹ phẩm, thực phẩm, hàng điện tử, pháo nổ, đồ chơi bạo lực… là các mặt hàng đang được các đối tượng buôn lậu tập trung vận chuyển, tàng trữ.

6 tháng đầu năm, tình hình buôn lậu và gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp. (Ảnh minh họa: KT)

Thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ rất đa dạng. Đối với hàng hoá đòi hỏi sử dụng công nghệ cao, khó sản xuất thì các đối tượng thường đặt sản xuất gia công ở các nước như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Lào sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ.

Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết: “Qua khám phá một số chuyên án, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại lợi dụng triệt để công nghệ thông tin để đặt hàng, có những hợp đồng thông qua mạng, chúng sử dụng những thủ đoạn để xóa thông tin trong việc gom hàng, sản xuất hàng từ nước ngoài”.

Riêng tại Hà Nội, các lực lượng chức năng thành phố đã xử lý trên 12.400 vụ, khởi tố 62 vụ đối với 70 bị can, thu nộp ngân sách trên 3.100 tỷ đồng... liên quan đến buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Trong đó, điển hình là vụ bắt giữ 460kg pháo nổ ở Yên Thường, huyện Gia Lâm; vụ hơn 5.300 bao thuốc lá và 200 điếu xì gà bị phát hiện tại khu vực kho bãi K88, đường Bạch Đằng, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng. Hàng hóa sau khi được vận chuyển từ các địa bàn về Hà Nội (chủ yếu bằng xe tải trọng tải lớn) sẽ được được tập kết tại nhiều kho, bến bãi nằm ở các quận, huyện như: Hoàng Mai, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, huyện Thanh Trì…

Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, hàng hóa tại các kho chứa hàng trên địa bàn hầu hết xuất xứ từ Trung Quốc như kim khí, đồ điện phụ tùng ô tô, các chất tẩy rửa.

“Ban chỉ đạo 389 quận Hoàng Mai đề xuất xem xét đưa ra các quy định về điều kiện kinh doanh kho bãi, điều kiện quy chuẩn về kho lưu trữ hàng hóa, phù hợp với các đối tượng hàng hóa khác nhau. Điều này nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa và phòng chống cháy nổ. Cũng kiến nghị với đoàn kiểm tra liên ngành thành phố hỗ trợ tăng cường phối hợp, kiểm tra kiểm soát chặt chẽ hơn nữa trong chống buôn lậu và gian lận thương mại đối với các kho bãi trên địa bàn quận”, bà Oanh cho hay.

Là một trong những lực lượng nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, từ đầu năm đến nay, Bộ đội Biên phòng trong cả nước đã đấu tranh, triệt phá thành công trên 1600 vụ, buôn lậu, gian lận thương mại, giá trị hàng hóa bị xử lý khoảng 120 tỷ đồng.

Điển hình là vụ bắt giữ 2 xe ô tô vận chuyển gần 20 tấn hàng hóa trái phép gồm, quần áo, bánh kẹo, mỹ phẩm... từ Campuchia về Việt Nam tại khu vực biên giới xã Tân Hà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh ngày 26/6 vừa qua.

Thiếu tướng Ngô Thái Dũng, Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho rằng, cần tăng cường hợp tác với các nước láng giềng, đặc biệt là Lào, Campuchia, Trung Quốc để đấu tranh, ngăn chặn hoạt động buôn lậu qua khu vực biên giới. Cùng với đó, phải làm tốt công tác phòng ngừa về mặt xã hội, đó là tạo công ăn việc làm cho người dân, để họ không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu, đồng thời ý thức được trách nhiệm giúp tố giác tội phạm.

Diễn biến từ đầu năm 2018 cho thấy, công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại vẫn còn nhiều cam go, phức tạp. Thực tế đó, đòi hỏi các ngành chức năng, trực tiếp là lực lượng công an, hải quan, biên phòng, quản lý thị trường và chính quyền địa phương cần tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử phạt, nhất là trên các địa bàn, tuyến biên giới trọng điểm./.

Theo Huy Nam/VOV.VN

Tệp đính kèm