Không phải ngẫu nhiên mà sau Ninh Bình, Đà Nẵng là địa phương thứ hai được Bộ VHTTDL lựa chọn để tổ chức các hoạt động hiệu ứng, nối dài sức lan tỏa của Công văn 2662 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Một số hình ảnh về linh vật nghê
200 hiện vật linh vật Nghê Việt được sưu tầm tại các di tích, hiện vật Bảo tàng sẽ hiện diện tại trưng bày “Triển lãm tư liệu Linh vật nghê Việt”, diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng từ hôm nay 15.8. Triển lãm do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phối hợp với Sở VHTT TP Đà Nẵng tổ chức.
Lần đầu tiên triển lãm chuyên đề về nghê Việt
Khác với các triển lãm trước đây giới thiệu nhiều loại linh vật khác nhau trong mỹ thuật truyền thống như rồng, phượng, voi, lân, hổ, sư tử…, đây là triển lãm chuyên đề đầu tiên về linh vật nghê Việt. Trên chính vùng đất vốn được mệnh danh là một trong hai “lò” sản xuất sư tử đá mấy năm trước đây, sự xuất hiện của những hình ảnh, hiện vật nghê Việt truyền thống là cách thức tuyên truyền, quảng bá về biểu tượng linh vật truyền thống của người Việt trước sự tràn lan của linh vật ngoại lai. Một lần nữa, đây là “đáp án” giúp cộng đồng, các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân biệt rõ giữa hình tượng linh vật nghê của Việt Nam với các linh vật của nước ngoài như sư tử, kỳ lân, tì hưu… Theo Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, triển lãm được tổ chức cũng nhằm nâng cao nhận thức của xã hội trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản mỹ thuật truyền thống, làm lành mạnh môi trường thẩm mỹ của cộng đồng, giữ gìn truyền thống văn hóa và tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành.
Là linh vật xuất hiện từ trong tiềm thức văn hóa của người Việt, được khắc trên bia đá, vẽ trên đồ thờ, chạm trên kiến trúc, tô, đắp chầu trước cổng..., Nghê Việt xuất hiện trong không gian tôn giáo, tín ngưỡng như chùa, đình, đền, miếu, trong các cung điện, lăng tẩm. Tuy nhiên trong thời gian qua, linh vật này dường như đã bị lãng quên và đáng lo lắng là đã bị thay thế bằng những linh vật mang biểu tượng không phù hợp với văn hóa Việt Nam. “Nguy hại hơn, những linh vật mang biểu tượng văn hóa nước ngoài lại được sao chép, nhân rộng, bày đặt khắp nơi từ công sở đến di tích, từ tư gia đến nơi công cộng. Chỉ trong vòng mấy chục năm qua, biểu tượng, linh vật của nước ngoài đã bị nhiều người trong chúng ta nhầm lẫm là linh vật của người Việt...”, họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết.
Trước thực trạng đó, nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL đã ban hành Công văn số 2662 về việc không sử dụng sản phẩm, biểu tượng, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Gần đây, Bộ VHTTDL tiếp tục ban hành một công văn khác nhằm quản lý các tượng, biểu tượng đặt tại cơ quan, đơn vị, khu du lịch, địa điểm công cộng có nội dung và hình thức không phù hợp với văn hóa Việt Nam.
“4 năm qua, bằng nhiều hình thức khác nhau, Bộ VHTTDL, UBND, Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố cùng các cơ quan truyền thông đã tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng, làm lành mạnh hóa môi trường thẩm mỹ, bảo tồn phát huy các giá trị di sản. Triển lãm tư liệu Linh vật nghê Việt tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng là một trong những hoạt động như vậy...”, họa sĩ Vi Kiến Thành nói.
Một số hình ảnh về linh vật nghê
Sự phong phú của Nghê Việt
Hai trăm hình ảnh, tư liệu linh vật nghê được trưng bày theo các nội dung: Nguồn gốc, đặc điểm tạo hình, phân loại linh vật nghê Việt, linh vật nghê của Việt Nam so sánh với linh vật một số quốc gia; nghê chốn chùa chiền; nghê chốn cung vua, phủ chúa; nghê chốn lăng tẩm, đền miếu; nghê chốn đình làng và các hiện vật bảo tàng; một số sản phẩm phiên bản tượng linh vật nghê…
Tại đây công chúng sẽ thấy được sự phong phú của linh vật nghê trong văn hóa Việt, sự tương đồng và khác biệt với linh vật của các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, sẽ thấy được sự tài hoa của cha ông trong sáng tạo các tác phẩm linh vật nghê phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Cùng với 200 tư liệu hình ảnh, bản vẽ giới thiệu về linh vật nghê được sưu tầm từ các di tích, hiện vật bảo tàng, trưng bày có bày một số tư liệu ảnh, hình vẽ về các linh vật của Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ để so sánh. Các nội dung được chú giải chi tiết, khoa học về nguồn gốc, ý nghĩa, mục đích sử dụng, so sánh linh vật cùng loại ở một số quốc gia trong khu vực. Đây là những tư liệu đã được TS. Trần Hậu Yên Thế nghiên cứu, công bố năm 2017. Triển lãm cũng trưng bày một số sản phẩm tượng linh vật nghê là sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng do Công ty TNHH Vạn Bảo Ngọc, một doanh nghiệp tại Ninh Bình đang lấy mục tiêu sản xuất linh vật Việt làm định hướng sản xuất.
Những hình ảnh linh vật nghê trưng bày tại triển lãm chiếm số lượng nhỏ so với tượng, phù điêu về linh vật nghê trong kho tàng mỹ thuật truyền thống của Việt Nam. Ban tổ chức cũng đã sử dụng ảnh, hình vẽ nét, vẽ phác về linh vật nghê nhằm giúp người xem thấy được các góc độ của loại linh vật này, đặc điểm, đặc trưng của nó, giúp các nghệ nhân chế tác đá, gốm, gỗ, thêu… dễ dàng tham khảo để tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Dịp này, lãnh đạo Bộ VHTTDL sẽ tặng sách Phác họa Nghê – Gã linh vật bên rìa (Nhìn từ đền Vua Đinh, Vua Lê) cho các nghệ nhân Làng đá mỹ nghệ Non Nước, Đà Nẵng. Đây là tài liệu tham khảo giúp các nghệ nhân điêu khắc nghiên cứu chế tác, sáng tạo ra các sản phẩm mang bản sắc văn hóa Việt Nam.
Theo HOÀNG VY/baovanhoa.com.vn