Không chỉ nhạc cụ truyền thống như đàn môi, khèn lá, sáo pí-thiu, trống, mõ trâu… được đưa lên sân khấu, mà ngay cả vật dụng sinh hoạt hằng ngày của đồng bào dân tộc Mông như chảo thắng cố, dao thớt, cối giã gạo, ống bương nước… cũng trở thành đạo cụ biểu diễn. Cả một vùng văn hóa Mông được tái hiện sống động trong Mỵ - vở diễn tham dự Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018 vừa diễn ra tại Cao Bằng đã khiến khán giả không khỏi trầm trồ ấn tượng.
Một cảnh trong vở diễn Mỵ.
Dấu ấn độc đáo
Lấy cảm hứng từ Vợ chồng A Phủ - tác phẩm văn học của nhà văn Tô Hoài, Mỵ của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc lại được hồi sinh đầy mới mẻ bằng thứ ngôn ngữ tổng hợp của nghệ thuật ca - múa - nhạc. Vở diễn do thạc sĩ, biên đạo múa Tuyết Minh viết kịch bản và đạo diễn, gồm 12 tiết mục được liên kết chặt chẽ với nhau về cả nội dung và cách thể hiện. Người xem không có cảm giác nặng nề, bởi vở diễn không tập trung khai thác quá sâu những bất hạnh trong bi kịch cuộc đời của nhân vật chính, mà muốn thông qua nhân vật để khắc họa những nét đặc sắc trong văn hóa đồng bào dân tộc Mông. Đó là những phiên chợ tình lãng mạn, những trò chơi dân gian độc đáo như đánh cù, ném pao, những cảnh sinh hoạt hằng ngày như nấu rượu ngô, quay tơ, nhuộm vải… Qua đó, vở diễn cũng lên tiếng phê phán những hủ tục như cướp vợ hay thói quen hút thuốc phiện…
Biên đạo múa Tuyết Minh chia sẻ: Trong nhịp sống hiện đại, nghệ thuật đương đại càng có xu hướng muốn trở về với những giá trị mang tính bản sắc, gần gũi và tự nhiên. Đó là lý do ngay từ đầu, chị và ê-kíp sáng tạo xác định sẽ không dùng âm nhạc điện tử mà phải là nhạc sống được thể hiện bởi chính những con người, đồ vật hiện hữu nơi đây. Nghệ sĩ Tuyết Minh cho biết, để mang hơi thở sinh động của văn hóa Mông vào vở diễn, chị và các đồng nghiệp đã mất nhiều ngày lên núi, tìm đến những nghệ nhân người Mông, thuyết phục họ tới hướng dẫn các diễn viên cách chơi những làn điệu dân gian bằng nhạc cụ truyền thống… Phải mất gần 5 tháng vừa tập luyện, vừa sáng tạo và điều chỉnh, những thanh âm từ nhiều loại vật dụng mới có thể kết hợp nhuần nhụy. Phần thể hiện âm nhạc theo phong cách a-ca-pe-la cùng bốn sáng tác mới mang âm hưởng dân gian của các nhạc sĩ: Lê Minh Sơn (Chạy đi), Mạnh Tiến (Con ma nhà Thống Lý), Minh Đức (Chuyện tình trên đỉnh núi), NSND Nông Xuân Ái (Xuống chợ) đã mang đến nhiều xúc cảm đậm nét cho người xem.
Bên cạnh đó, Mỵ cũng ghi được nhiều điểm nhờ thiết kế trang phục thổ cẩm bắt mắt, giàu sáng tạo. Nhằm chuyển tải sinh động và chân thực nhất màu sắc văn hóa Tây Bắc vào phục trang diễn viên, nhà thiết kế Hoàng Tùng đã phải tỉ mẩn in lại từng loại hoa văn trên vải của đồng bào dân tộc Mông, rồi vẽ lại bằng tay, sau đó mới in lên vải và thiết kế. Đó là những dấu ấn nổi bật đã giúp Mỵ gây tiếng vang lớn tại liên hoan với hai Huy chương vàng, ba Huy chương bạc cho năm tiết mục trong toàn bộ vở. Vở diễn đã được tôn vinh là Chương trình ấn tượng nhất và biên đạo múa Tuyết Minh được trao giải Biên đạo múa xuất sắc nhất liên hoan.
Đưa Mỵ đến với khách du lịch
Đây là vở diễn đặt hàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tổng chi phí dàn dựng (huy động thêm từ nguồn xã hội hóa) lên tới ba tỷ đồng, một con số không nhỏ, nhất là trong bối cảnh sân khấu đang hoạt động khó khăn. Theo nghệ sĩ Tuyết Minh, sự đầu tư này không phải để giành huy chương thực hiện dự định xa hơn là tiếp cận công chúng. Thực hiện một vở diễn công phu đã khó, nhưng làm thế nào để chương trình tiếp tục đến được với khán giả càng khó hơn. Đó là lý do khiến ngay từ đầu, vở diễn đã được chị và các cộng sự xác định “đầu ra” với hy vọng Mỵ sẽ trở thành vở diễn độc đáo phục vụ khách du lịch gắn với thương hiệu Nhà hát Lớn, Hà Nội. Và rất may, ý tưởng này đã được ban lãnh đạo Nhà hát Lớn đặc biệt ủng hộ cũng như được Công ty Nam Hưng Media chịu trách nhiệm quảng bá, kết nối các hãng lữ hành.
Biên đạo múa Tuyết Minh khẳng định: “Ý tưởng này không hề viển vông. Sẽ rất thú vị với tua tham quan Nhà hát Lớn, sau đó thưởng thức vở diễn để hiểu hơn về văn hóa Việt. Nhìn ra thế giới và khu vực, những nhà hát danh tiếng như Opera de Paris ở Pháp hay Bolshoi ở Nga cũng có những vở diễn đóng khung trong lòng khán giả”.
Để phù hợp thời lượng tua tham quan, vở diễn sẽ được chắt lọc, điều chỉnh, thu gọn trong khoảng 30 phút. Thay vì hát quá nhiều, ngôn ngữ múa và âm nhạc sẽ được huy động để du khách, nhất là khách quốc tế dễ tiếp nhận, các bài hát độc lập sẽ được lồng vào nội dung. Lượng diễn viên tham gia sẽ được chia thành hai kíp diễn để bảo đảm tính liên tục của các suất diễn. Từ giữa tháng 8, chương trình chính thức được đưa vào biểu diễn ở Nhà hát Lớn phục vụ khách du lịch và sang năm 2019 sẽ có lịch diễn cố định với tần suất một tuần ba buổi. Cũng đi theo phương thức này, với mục đích làm phong phú hơn những sản phẩm nghệ thuật chất lượng cao phục vụ du khách gắn liền thương hiệu Nhà hát Lớn, sau Mỵ, biên đạo múa Tuyết Minh và ê-kíp sẽ tiếp tục bắt tay chuyển thể Truyện Kiều bằng ngôn ngữ ca - múa - nhạc kết hợp công nghệ máy chiếu hiện đại…
TRANG ANH
Theo nhandan.com.vn