Tôi năm nay 60 tuổi, thời gian gần đây nước tiểu hay són ra quần, đi khám bác sĩ chuyên khoa tiết niệu, chẩn đoán là tiểu không tự chủ. Vậy tôi xin hỏi bệnh trên là bệnh hiểu như thế nào, nguyên nhân và cách điều trị?
(T. C. - TP.HCM)
Ở điều kiện sinh lý bình thường, khi bàng quang chứa đầy nước tiểu từ 300 - 400ml, sẽ gửi tín hiệu lên hệ thần kinh trung ương kiểm soát bàng quang và lập tức cơ vòng bàng quang sẽ giãn ra để nước tiểu thoát ra ngoài; sau khi tiểu xong, bàng quang xẹp xuống và cơ vòng bàng quang sẽ co lại không cho nước tiểu thoát ra. Ngoài cơ vòng bàng quang tham gia bài tiết nước tiểu, còn có sự phối hợp của cơ bàng quang và sự hỗ trợ của các cơ sàn chậu, khi quá trình trên bị rối loạn như gặp trong bệnh lý nhiễm trùng, chấn thương, hay do tuổi tác… sẽ gây ra tình trạng són nước tiểu hay không kiểm soát tình trạng đi tiểu gọi là tiểu không tự chủ.
Tiểu không tự chủ không phải là một bệnh, đó là một triệu chứng, nó có thể được gây ra bởi những thói quen hàng ngày, đến các vấn đề về bệnh lý. Có nhiều nguyên nhân gây ra tiểu không tự chủ như: bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, u tiền liệt tuyến, bướu hay sỏi bàng quang…; do rối loạn hệ thần kinh trung ương kiểm soát bàng quang do tổn thương não hay tủy sống như bệnh Parkinson, Alzeimer, đột quỵ…; do stress tạo áp lực, căng thẳng lên bàng quang; do cơ vùng sàn chậu bị suy yếu bở tuổi tác, mang thai…; do bàng quang bị kích thích bởi bia, rượu, cà phê…; do thay đổi nội tiết tố trong giai đoạn mang thai hay sau khi sinh hoặc sau thời kỳ mãn kinh…
Điều trị tiểu không tự chủ phụ thuộc vào mức độ tiểu không tự chủ, mà điều trị phù hợp. Mức độ nhẹ chỉ cần thay đổi lối sống thay đổi cách sinh hoạt như: tập đi tiểu đúng giờ, thường sau mỗi 2 - 4 giờ, quản lý dịch và chế độ ăn uống, giảm hoặc tránh rượu, bia, cà phê… tập vật lý trị liệu như bài tập tăng cường cơ vòng niệu và cơ sàn chậu - các cơ bắp có thể giúp tự chủ tiểu tiện. Nếu không hiệu quả thì sử dụng thuốc. Các thuốc điều trị tiểu không tự chủ thường gây ra các tác dụng phụ, gây ra tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe, nên người bệnh phải được chỉ định và theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc, không được tự ý sử dụng, các thuốc thường được sử dụng để điều trị tiểu không tự chủ bao gồm như: oxybutynin (Ditropan), tolterodine (Detrol), darifenacin (Enablex) solifenacin (Vesicare) và trospium (Sanctura), Estrogen...
BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG
Theo suckhoedoisong.vn