Cập nhật: 27/08/2018 10:48:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ô-pê-ra (nhạc kịch) có nguồn gốc từ phương Tây, là hình thức nghệ thuật tổng thể kết hợp âm nhạc, ca hát, kịch, thơ, nghệ thuật tạo hình…, thuộc thể loại hàn lâm, ít người học, kén người nghe. Thế nhưng những năm gần đây, một tín hiệu vui là nhiều đại diện trẻ tuổi của Việt Nam liên tiếp giành giải thưởng cao ở các cuộc thi âm nhạc quốc tế về dòng nhạc này.

Đào Diễm Quỳnh với tiết mục đoạt giải vàng.

Nghệ sĩ trẻ liên tiếp giành giải thưởng quốc tế

Tại Liên hoan Nghệ thuật châu Á - Thái Bình Dương lần thứ sáu vừa diễn ra tháng 7-2018, Việt Nam có ba đại diện thuộc độ tuổi từ 14 đến 17 tuổi giành giải thưởng cao, gồm: Đặng Khánh Linh (giải vàng), Phạm Yến Nhi (giải bạc) và Đào Diễm Quỳnh (giải vàng). Trong đó, Đào Diễm Quỳnh đang là học sinh lớp 9 chuyên tiếng Anh, Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Hà Nội). Cô bé được coi là hạt giống ô-pê-ra này là con gái của hai nghệ sĩ Phương Nga và Đào Nguyên Vũ. Dù mới luyện tập cùng mẹ trước khi đi thi nhưng giải vàng của Diễm Quỳnh hoàn toàn không phải sự “ăn may”. Ngoài thừa hưởng gien nghệ thuật từ gia đình, được thường xuyên tiếp xúc với âm nhạc, từ năm lên sáu tuổi, cô bé đã học và chơi đàn pi-a-nô thành thạo... Học chuyên tiếng Anh, Diễm Quỳnh còn tự học thêm tiếng I-ta-li-a, tiếng Nhật Bản. Khả năng ngoại ngữ góp phần giúp cô bé chinh phục được giải vàng âm nhạc năm nay.

Khác với Đào Diễm Quỳnh, Ninh Đức Hoàng Long - người từng giành giải nhất cuộc thi tài năng âm nhạc cổ điển Virtuozok 2018 trên sóng truyền hình quốc gia Hung-ga-ri và nhiều giải thưởng ở các cuộc thi thanh nhạc quốc tế trước đó lại không phải “con nhà nòi”. Hoàng Long sinh năm 1991 tại Ninh Bình, gia đình không có ai theo con đường âm nhạc. Khi đang học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Hoàng Long nhận học bổng đại học theo hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hung-ga-ri. Năm 2017, anh tốt nghiệp xuất sắc hệ đại học, hiện là một trong ba sinh viên cao học ngành biểu diễn ô-pê-ra của Học viện Âm nhạc Liszt Ferenc.

Trước câu hỏi về sự xuất hiện, tỏa sáng của các giọng hát ô-pê-ra đến từ Việt Nam tại các cuộc thi quốc tế những năm gần đây, tiến sĩ-nghệ sĩ Phương Nga, Phó Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam nhận định: “Thực tế, lâu nay Việt Nam vẫn đào tạo được các giọng hát ô-pê-ra nhưng các diễn viên ít có cơ hội thi đấu quốc tế. Những năm gần đây, họ có nhiều cơ hội hơn. Tuy nhiên, để một đại diện ra nước ngoài đi thi, bên cạnh tinh thần cố gắng của bản thân thì gia đình, nhà trường, thầy cô trực tiếp giảng dạy phải mất rất nhiều thời gian, công sức để chăm lo. Có đầu tư thì mới có giải thưởng. Ninh Đức Hoàng Long cũng là một trường hợp được phát hiện, đầu tư sớm và chuẩn mực”.

Cần sự đầu tư bài bản, đồng bộ

Trao đổi cùng chúng tôi, các giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cho biết, năng khiếu âm nhạc là bẩm sinh nhưng nếu không khổ công học tập, rèn luyện sẽ không trở thành tài năng được. Riêng với thể loại ô-pê-ra, không phải học ngày một ngày hai mà phải học cả đời. Hầu hết những người theo đuổi ô-pê-ra đều khởi đầu gian nan, phải tập luyện bền bỉ, không dễ vụt sáng như các dòng nhạc khác. Tất cả chương trình từ học tập đến thi cử của ô-pê-ra đều đòi hỏi các thí sinh phải tập trung, kiên trì rèn giũa tới một độ chín nhất định mới có thể tham gia các cuộc thi ở tầm quốc tế.

NSƯT Hà Phạm Thăng Long-một trong những giọng ca ô-pê-ra xuất sắc của Việt Nam cho biết: “Sở dĩ cơ sở vật chất phục vụ cho nghệ thuật ô-pê-ra chưa được đầu tư nhiều, chưa đồng bộ cũng xuất phát từ việc dòng nhạc này ở Việt Nam còn kém phát triển. Chúng ta mới chỉ có Nhà hát Lớn là có thể biểu diễn được nghệ thuật ô-pê-ra và hoạt động với quy mô như hiện nay thì việc xây dựng thêm nhà hát cũng chưa cần thiết. Vấn đề quan trọng thúc đẩy sự phát triển ô-pê-ra là môn âm nhạc này phải được đầu tư đồng bộ, từ đào tạo, biểu diễn đến định hướng”.

Dù vẫn thuộc bộ môn nghệ thuật ít người học, kén người nghe ở Việt Nam nhưng trong tiến trình phát triển của văn minh nhân loại, ô-pê-ra có vị trí đặc biệt, tác động đến cảm xúc, sáng tạo và hình thành giá trị tinh hoa. Tất cả những gì thuộc hệ thống ô-pê-ra, từ nhà hát đến nghệ sĩ, khán giả… đều tạo hiệu ứng tích cực đến tinh thần, vẻ đẹp cao cả, thiêng liêng trong đời sống con người. Vở ô-pê-ra đầu tiên của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam được trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội năm 1961 mang tên “Ép-ghê-nhi Ô-nhe-gin” do nghệ sĩ Nhân dân Liên Xô Đa-vít Ba-rít-giê đạo diễn. Lớp diễn viên tham gia vở diễn là các nghệ sĩ gạo cội như: Quý Dương, Trần Hiếu, Ngọc Dậu, Trần Chất... Trải qua các giai đoạn phát triển, ô-pê-ra Việt Nam đang xuất hiện một thế hệ nghệ sĩ mới được học tập, đào tạo cả trong và ngoài nước. Điều đặc biệt ở những người trẻ này không chỉ ở tài năng mà chính là sự điềm đạm, chín chắn, yêu nghề, gắn bó với đất nước. Thực tế này tiếp thêm hy vọng cho những người làm nghề và công chúng yêu âm nhạc về một tương lai nhiều tín hiệu đáng mừng gắn với nghệ thuật ô-pê-ra tại Việt Nam”. 

Theo MAI LỮ/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm