"Bóng cười" đang được bán công khai, rầm rộ tại nhiều cơ sở kinh doanh, bất chấp việc gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và đời sống. Tình trạng này đòi hỏi cơ quan chức năng sớm có các biện pháp ngăn chặn triệt để.
Nhóm bạn trẻ chơi "bóng cười" tại một cơ sở kinh doanh nằm trên đường Xã Ðàn, quận Ðống Ða (Hà Nội).
Cách đây khoảng sáu đến bảy năm, tại một số quán bar trên địa bàn TP Hà Nội, bắt đầu xuất hiện một thú chơi mới, đó là "ôm bóng". Dân chơi thời điểm ấy cảm thấy bỡ ngỡ trước những quả bóng mầu trắng, chứa khí từ một bình kim loại có vòi bơm, khi hút vào cho cảm giác lâng lâng, vui vui. Chính vì cảm giác này mà sau đó, giới sành điệu gọi tên là "bóng cười". Chỉ mất một thời gian ngắn, "bóng cười" như cơn đại dịch, lây lan nhanh chóng trong một bộ phận giới trẻ ham vui, muốn thử cảm giác lạ. Ðến bây giờ, "bóng cười" xuất hiện tràn lan, thành một thú chơi được nhiều người coi thời thượng, bất chấp những nguy hại khôn lường cho sức khỏe và tính mạng của người dùng. Theo các chuyên gia y tế, tác động của khí N2O chứa trong "bóng cười" khi hít vào cơ thể có thể gây ra chứng mất cảm giác đau, mất nhận thức, hoa mắt, chóng mặt, trạng thái phấn khích, ảo giác, tùy theo mức độ sử dụng. Nhất là nếu dùng quá liều lượng sẽ gây ảnh hưởng tim, mạch, hệ thần kinh và có thể dẫn đến hậu quả trầm cảm, thậm chí chết người. Ðối với những người sử dụng "bóng cười", nếu điều khiển xe cộ có thể gây nguy hiểm cho chính mình và cộng đồng.
Hiện nay, Thủ đô Hà Nội có vô số quán kinh doanh dịch vụ giải trí và dễ dàng bắt gặp hoạt động kinh doanh "bóng cười" diễn ra công khai, tập trung rầm rộ tại các quận: Hoàn Kiếm, Ðống Ða, Ba Ðình. Nhiều chuỗi bar, pub còn cố tình đặt tên có chữ "Ball" - "trái bóng", nhằm ám chỉ chuyên phục vụ khách hàng chơi "bóng cười". Có mặt tại quán cà-phê có địa chỉ trên đường Nguyễn Hữu Huân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào một buổi tối, đập vào mắt là cảnh tượng khách hàng ngồi chật kín các băng ghế, nhiều cặp đôi và nhóm bạn lắc lư theo điệu nhạc, ánh đèn nhấp nháy, tay ôm khư khư quả bóng to, miệng ghim chặt vào cuống quả bóng và hít từ từ. Khách hàng mới đến ngay lập tức được nhân viên giới thiệu các dịch vụ giải trí và tất nhiên, trong đó có "bóng cười", với giá chỉ 50.000 đồng/quả. Với mức tiền này, dân chơi bình dân cũng có thể mua và sử dụng. Càng về khuya, lượng người vào quán càng đông. Một nhân viên phục vụ trên tay cầm sáu quả bóng mầu trắng vội vã chạy tới đưa cho một nhóm thanh niên còn rất trẻ đang hò reo vui sướng. Tại quán kinh doanh "bóng cười" khác, nằm trên phố Xã Ðàn (quận Ðống Ða, Hà Nội) cảnh tượng cũng không khác là mấy. Dưới ánh đèn xanh đỏ loang lổ các tia chớp nháy, hàng chục người đang ôm bóng, "thưởng thức" khí hóa học để tìm cảm giác lâng lâng, "phiêu" theo những điệu nhạc xập xình.
Em Q., một người chơi "bóng cười" chia sẻ: "Bóng cười" đã chơi rồi thì rất cuốn, chơi một lại muốn chơi hai, chơi ba chơi bốn lại đòi chơi năm... Bởi vậy, những cuộc chơi của Q. và nhóm bạn chi phí cho những quả bóng cười hết tiền triệu là điều bình thường. Cũng theo dân chơi này, phong cách của người trẻ bây giờ khi đi bar, pub, hay các quán cà-phê nhạc mạnh không chỉ uống bia, rượu mà phải thêm vài quả bóng cho đỡ "nhạt miệng", rượu uống mới dễ trôi, câu chuyện mới rôm rả... Và có bóng, cuộc chơi mới thăng hoa trọn vẹn. Chính từ món hời béo bở "bóng cười" mang lại, tại các quán kinh doanh dịch vụ đông khách bây giờ đều phục vụ "bóng cười", như một món không thể thiếu.
Nói rằng "bóng cười" đang "đại náo" đời sống của một bộ phận giới trẻ thành thị có lẽ không sai. Bởi lẽ, những quả bóng chứa khí N2O không chỉ nở rộ tại hàng quán, mà theo chân các dân chơi về từng ngõ ngách, vào tận nhà riêng, thậm chí, theo từng bước chân của họ. Chỉ cần lên in-tơ-nét, tìm kiếm nội dung "bán bình khí bóng cười", ngay lập tức sẽ xuất hiện hàng trăm kết quả có địa chỉ ngay gần nơi bạn sinh sống. Các dân chơi nếu lười đi ra quán, có thể gọi điện thoại và ngay lập tức có người mang bình khí và bóng tới. Thử liên hệ với một đầu mối bán "bóng cười" qua điện thoại được biết, một bình khí nặng 5 kg có giá 1,2 đến 1,5 triệu đồng. Ðây là loại thông dụng nhất, hay được các dân chơi gọi về dùng vì vừa tay, dễ mang. Hơn nữa, khi chơi bóng ở nhà, sẽ riêng tư hơn, không bị soi mói và nếu lỡ có phê "ngất người" có thể nằm luôn được.
Có những người nghiện chơi "bóng cười" đến mức, mang cả bình khí lên ô-tô để vừa đi xe, vừa thưởng thức "bóng cười". Công an phường Phương Mai, quận Ðống Ða (Hà Nội) từng xử lý một cô gái trẻ hít "bóng cười" ngay trên vỉa hè, gây mất an ninh trật tự. Tại hiện trường, cơ quan công an thu giữ nhiều bóng và một bình khí. Cô gái này khai nhận, do nghiện "khí cười" không kiềm chế được, nên đã mang cả bình chứa khí lên ô-tô đi từ Nghệ An ra Hà Nội, trên đường vừa đi vừa hút... Những người dùng "bóng cười" khi được hỏi đều cho rằng, bóng không gây nghiện mà chỉ gợi cảm giác hưng phấn tạm thời rồi qua đi rất nhanh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sử dụng "bóng cười" chính là tiền đề dẫn tới việc sử dụng các chất kích thích nguy hiểm hơn như: cần sa, ma túy đá, hê-rô-in…
Trước vấn nạn "bóng cười", Công an TP Hà Nội đã có nhiều đợt ra quân để xử lý. UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố chỉ đạo tăng cường kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, buôn bán khí N2O bơm vào bóng bay trên địa bàn; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng "bóng cười", nhất là trong giới trẻ và học sinh. Tuy nhiên, kết quả chưa được như mong đợi, tình trạng kinh doanh "bóng cười" đang có chiều hướng gia tăng.
Thượng tá Bùi Ðức Thiêm, Phó Trưởng phòng Phòng ngừa đấu tranh với tội phạm tiền chất và ma túy tổng hợp, Cục Cảnh sát Ðiều tra tội phạm về ma túy (C47, Bộ Công an) cho biết: "Bóng cười" du nhập về Việt Nam từ Trung Quốc và theo con đường bất hợp pháp. Ðáng báo động hiện nay, các đối tượng có thể lợi dụng để đưa ma túy vào trong các loại "bóng cười", tăng thêm phấn khích cho người sử dụng, rất khó kiểm soát. Cơ quan quản lý thị trường và chính quyền sở tại cần áp dụng cách thức xử lý về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, không được phép kinh doanh khí N2O và xử lý nghiêm việc kinh doanh bình khí nguy hiểm nhưng không có biện pháp phòng ngừa, trang bị an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định. Bên cạnh đó, cần coi trọng công tác tuyên truyền cho quần chúng nhân dân, nhất là đối tượng thanh, thiếu niên nhận biết về những nguy cơ từ sử dụng "bóng cười"; phân biệt các loại khí, chất kích thích có hại để không thử, không sa đà vào con đường nghiện hút. Thiết nghĩ, chính quyền, nhất là cơ quan chức năng các cấp cần có chế tài đủ mạnh để xử lý việc mua bán và sử dụng "bóng cười", nhằm tạo sức răn đe, tránh những hiểm họa khôn lường từ "bóng cười", ảnh hưởng tình hình an ninh - trật tự và sức khỏe người dân.
Theo Bài và ảnh: LÊ TÚ/nhandan.com.vn