Mưa to liên tục mấy ngày qua trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã gây ngập úng làm ảnh hưởng lớn đến tài sản và cuộc sống của người dân.
Các lực lượng cứu hộ giúp người dân tổ 9, phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) di chuyển đồ đạc. Ảnh: DUY ANH
Cụ thể, huyện Kỳ Sơn có 95 ha diện tích lúa và hoa màu bị ngập; huyện Mai Châu 90 ha; huyện Tân Lạc ngập úng, vùi lấp và cuốn trôi 270 ha; huyện Cao Phong ngập 40ha cam thuộc Công ty TNHH MTV Cao Phong... Nhiều công trình giao thông bị hư hỏng: Tuyến đường quốc lộ 6: Tại Km44+300 (khu vực ngã 3 Bãi Lạng, huyện Kỳ Sơn) đất đá tràn ra mặt đường. Nhiều tuyến đường bị sạt lở ta-luy âm và ta-luy dương gây ách tắc giao thông như đường tỉnh 432, 433, 444, 445, 450... Vào khoảng 13 giờ 30 phút ngày 30-8, tại khu vực tổ 9, phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) nước từ khu vực chung quanh núi Đúng dồn về nhanh đã gây ra tình trạng ngập úng cục bộ 37 hộ dân. Trước tình hình này, các cấp chính quyền thành phố cùng lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ đã kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
Sau khi nhận được tin báo, Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) TP Hòa Bình đã huy động hơn 50 cán bộ, chiến sĩ gồm lực lượng thường trực và lực lượng dân quân cơ động phường phối hợp cùng lực lượng Công an phường và nhân dân tổ chức di dời, sơ tán hơn 100 người dân và một số tài sản có giá trị của 37 hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi an toàn. Thượng tá Vũ Văn Cường, Chính trị viên Ban CHQS TP Hòa Bình cho biết: “Ngoài việc ứng cứu, di chuyển người và tài sản của các hộ dân bị ngập ở tổ 9, phường Hữu Nghị, chúng tôi còn huy động hàng chục cán bộ chiến sĩ cùng lực lượng dân quân cơ động và nhân dân xã Hòa Bình tham gia giúp đỡ di chuyển người và tài sản của hai hộ gia đình ở xóm Máy, xã Hòa Bình về nơi an toàn do bị đất đá sạt lở làm hai ngôi nhà bị đổ sập”.
Trước tình hình mưa lũ tiếp tục có diễn biến phức tạp, Ban CHQS thành phố Hòa Bình tiếp tục thực hiện việc trực bảo đảm quân số nhằm kịp thời hỗ trợ người dân trên địa bàn khi có tình huống xảy ra. Tại những nơi trọng điểm về ngập lụt, sạt lở đất, Ban CHQS thành phố phối hợp các lực lượng tổ chức ứng trực và di chuyển các hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng về nơi tránh trú bảo đảm an toàn.
Hiện nay, nước đã rút, nhưng các cấp chính quyền vẫn nỗ lực giúp người dân dọn dẹp, di chuyển đồ đạc sớm ổn định cuộc sống. Tỉnh Hòa Bình liên tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, chủ động huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục hậu quả mưa lũ đặc biệt tại các điểm sạt lở ảnh hưởng đến đời sống người dân và giao thông đi lại; cắm biển cảnh báo, chăng dây khu vực nguy hiểm, các điểm sạt lở; thường xuyên cử người xuống các xã để hướng dẫn, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, đồng thời tiếp tục phòng, chống mưa lũ có thể tiếp diễn xảy ra.
Ngày 30-8, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Thái Nguyên đi kiểm tra thực địa tại hồ Núi Cốc để có kế hoạch bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ.Ảnh: Vũ Sinh (TTXVN)
* Ba ngày sau cơn lũ đi qua, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) đã tăng cường nhân lực, máy móc phương tiện tập trung khắc phục hậu quả cơn lũ tại xã Chà Nưa. Để hỗ trợ các trường học, tỉnh đã huy động lực lượng gần 1.000 người tham gia dọn dẹp bùn đất, vệ sinh lại trường lớp, bàn ghế và đồ dùng học tập cho học sinh. Đến chiều ngày 30-8, các trường học đã khắc phục được khoảng 50% thiệt hại. Đến tối 30-8, theo Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Điện Biên, thiệt hại do mưa lũ (từ ngày 27 đến 30-8) trên địa bàn tỉnh khoảng 120 tỷ đồng. Mưa lũ làm hư hỏng hơn 70 nhà dân, năm hộ dân phải di dời khẩn cấp; hơn 274 ha lúa, hoa màu bị sạt lở vùi lấp; hơn 150 con gia súc, gia cầm và 40 ha ao cá bị ngập. Mưa lũ cũng làm ba trụ sở UBND xã, 14 điểm trường bị ngập lụt, hư hỏng; 25 tuyến đường bị sạt lở hơn 160.000m3 đất đá, gây ách tắc tại gần 700 điểm… Các địa bàn bị thiệt hại nhiều là Nậm Pồ, Tủa Chùa… Hiện nay, tại các điểm thiệt hại nặng, ban chỉ huy PCTT các cấp đã kết hợp chính quyền huy động lực lượng giúp người dân sửa chữa nhà cửa, làm vệ sinh đường giao thông và các điểm trường để ổn định cuộc sống.
* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, vùng áp thấp trên đất liền thuộc các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ đang có xu hướng dịch chuyển về phía tây bắc. Dự báo, từ ngày hôm nay 31-8, mưa lớn giảm dần ở khu vực nêu trên. Các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình còn mưa to đến rất to, lượng mưa từ 50 đến 100mm/24 giờ; từ chiều mai 1-9, mưa lớn giảm dần ở hai tỉnh này. Ngày 31-8 là cao điểm của đợt mưa lớn tập trung ở khu vực Tây Bắc, Đông Bắc. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn: cấp 1, tại các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La: cấp 2.
* Những ngày qua, mưa lớn đã gây nhiều thiệt hại cho tỉnh Thái Nguyên, gây sạt lở đất, ngập sâu một số tuyến đường ở huyện Phú Lương. Tại huyện Võ Nhai, mưa lớn kéo dài cũng khiến nước tại các khe, suối dâng cao, một số ngầm tràn trên các tuyến giao thông của hai xã Nghinh Tường, Sảng Mộc ngập sâu, chia cắt trong nhiều giờ... Chiều 30-8, trên khu vực tỉnh Hòa Bình đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Dự báo, hôm nay 31-8, toàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to với lượng mưa từ 30 đến 50mm. Cảnh báo, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại các huyện Tân Lạc, Đà Bắc, Mai Châu. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1. Mưa lớn cũng đã gây ra lũ quét ở Ngòi Thia, xã Thạch Lương, huyện Văn Chấn (Yên Bái) làm một người chết. Lũ cũng làm 7 ha lúa mùa đang thời kỳ chắc hạt bị đổ gãy, nhiều diện tích hoa màu khác bị vùi lấp. Ngày 30-8, huyện Văn Chấn đã huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ di dời 78 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Từ ngày 29 đến ngày 30-8, mưa lớn kéo dài đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng về người và tài sản tại huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn), làm một người chết, một người bị thương; hơn 100 ha lúa, hoa màu bị ngập úng, một số đoạn trên các tỉnh lộ: 242, 243, 244 bị ngập, nhiều hộ dân bị nước ngập vào nhà từ 30 đến 40 cm…
* Trưa 30-8, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) tỉnh Thanh Hóa có công điện phát lệnh BĐ 1 trên sông Mã, yêu cầu các huyện, thành phố ở lưu vực sông tăng cường tuần tra, canh gác đê; rà soát, có phương án xử lý bảo đảm an toàn các đoạn đê, kè xung yếu, cống dưới đê; sơ tán ngay những hộ dân sinh sống ở vùng bãi đến nơi an toàn.
* Ngày 30-8, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo (BCĐ) T.Ư về PCTT làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về công tác PCTT. Trong những tháng đầu năm 2018, tại tỉnh có năm đợt mưa lớn gây ngập úng, một đợt mưa đá, 17 đợt lốc xoáy và 3 đợt sạt lở đất, làm 150 căn nhà bị tốc mái; hàng trăm héc-ta lúa, rau màu bị hư hại, tổng thiệt hại khoảng 18,77 tỷ đồng.
* Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khoảng giữa tháng 9, khi lũ trên sông Cửu Long đạt đỉnh đến BĐ 3, toàn vùng có khoảng 165.200 ha lúa bị ảnh hưởng (chiếm gần 36% diện tích đã gieo cấy), tập trung chủ yếu ở các tỉnh như Đồng Tháp 78.100 ha, Kiên Giang 47.200 ha, Long An 26.900 ha, An Giang 12.900 ha.
* Đoàn công tác của BCĐ T.Ư về PCTT đã kiểm tra công tác chỉ đạo, ứng phó với lũ lớn tại tỉnh An Giang. Sau khi thăm thực tế một số vùng ngập lũ, làm việc với UBND tỉnh, lãnh đạo đoàn công tác đề nghị Ban Chỉ huy PCTT các tỉnh An Giang và Kiên Giang triển khai biện pháp bảo đảm an toàn về người, tài sản và các công trình ven sông, đê bao, bờ bao, cống dưới đê, khi đập tràn Trà Sư, Tha La xả lũ vào ngày 31-8.
* Do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước sông Cửu Long đang lên. Dự báo từ ngày 12 đến ngày 14-9, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng lên mức BĐ 3 (Tân Châu 4,5m, Châu Đốc 4,0m), tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long lên mức BĐ 2, có nơi vượt BĐ 3. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp và mất an toàn đê bao tại tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An.
* Từ đầu năm đến nay, tỉnh Đồng Tháp vẫn tiếp tục xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông Tiền và sạt lở tại 19 xã, phường, thị trấn của bảy huyện, thị xã, thành phố; tổng chiều dài sạt lở 24,7 km, diện tích sạt lở hơn 4 ha. Tỉnh kiến nghị T.Ư sớm hỗ trợ xây dựng 12 cụm, tuyến dân cư tại khu vực nêu trên để bố trí ổn định chỗ ở cho 2.440 hộ dân nằm trong vành đai sạt lở.
* TP Cần Thơ đã chỉ đạo các quận, huyện chủ động ứng phó lũ lớn có thể xảy ra vào đầu tháng 8 âm lịch tại Cần Thơ, sau khi tỉnh An Giang thông báo sẽ xả lũ tại hai đập Tha La và Trà Sư vào ngày 31-8. Hiện, Cần Thơ đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ 2.000 ha lúa thu đông ở khu vực đê bao thấp thuộc huyện Vĩnh Thạnh, đang bị nước lũ uy hiếp.
Ngày 30-8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công điện khẩn số 6742/CĐ-BNN-TY gửi các bộ, ngành, địa phương về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam. Theo đó, tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc qua biên giới, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới; phát hiện và kiên quyết xử lý tình trạng buôn lậu lợn, sản phẩm của lợn; giám sát chặt chẽ, tăng cường kiểm dịch động vật, theo dõi, giám sát đàn lợn tại địa phương. Nếu phát hiện lợn bị bệnh với các triệu chứng điển hình của bệnh dịch tả lợn châu Phi cần lấy mẫu gửi đến chi cục thú y vùng hoặc Trung tâm Chẩn đoán thú y T.Ư để xét nghiệm…
Theo nhandan.com.vn