Bức tranh sơn dầu hiếm hoi, có thể nói là duy nhất của họa sỹ Công huân người Nga Alexei Petrovich Kuznetsov vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Phủ Chủ tịch vào những năm 60 của thế kỷ XX.
Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Nguyễn Văn Công chia sẻ: Các cán bộ Khu di tích vừa hoàn tất công tác đưa bức tranh sơn dầu về Việt Nam và đang bảo quản hiện vật giá trị này. Hiện vật rất xứng đáng sưu tầm bổ sung cho khối tài liệu hiện vật của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, nhất là trong bối cảnh các hiện vật gốc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về không gian lịch sử của Khu di tích quốc gia đặc biệt ngày càng khan hiếm, khó gặp và rất dễ bị thất thoát ra nước ngoài.
Họa sĩ Vi Kiến Thành, ông Nguyễn Văn Công và vợ, con gái họa sĩ bên bức tranh sơn dầu chân dung Bác Hồ. Ảnh: Báo Văn hoá
Họa sỹ Công huân Nga, nhà sư phạm nổi tiếng Aleksei Petrovich Kuznetsov (1916-1993) đã lao động sáng tạo nghệ thuật không mệt mỏi trong suốt 45 năm. Ông đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ họa sỹ mới, rất nhiều người trong số này đã để lại dấu ấn trong lịch sử hội họa Nga. Ông giữ chức Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Quốc gia Leningrad (nay là St. Petersburg) trong hơn 30 năm.
Năm 1960, Bộ Văn hóa Liên Xô đã cử ông sang Việt Nam công tác 2 năm để thành lập Trường Mỹ thuật Quốc gia và phát triển trường phái hội họa tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Nhiều họa sỹ Việt Nam là học trò của thầy A.Kuznetsov đã thành danh và được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Trong đó phải kể đến nhà điêu khắc Nguyễn Hải, Giải thưởng Hồ Chí Minh; các họa sỹ Nguyễn Thụ, Giáng Hương, Phạm Công Thành, Đỗ Hữu Huề; Trọng Cát, Thế Hùng, Ngọc Thọ, Văn Đa, Quang Thọ…
Trong thời gian 2 năm ở Việt Nam, họa sỹ Aleksei Petrovich Kuznetsov, không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sư phạm mà còn sáng tác không mệt mỏi. Ông đã vẽ gần 100 bức tranh sơn dầu và hơn 200 bức phác họa phong cảnh thiên nhiên, con người Việt Nam.
Ông đã chuyển tải thành công không chỉ vẻ đẹp đất nước Việt Nam, mà cả vẻ đẹp nữ tính của phụ nữ Việt Nam trong các bức tranh như: “Chân dung cô gái dân tộc Thái”, “Cô gái dân tộc Mèo” sáng tác năm 1960; “Chân dung cô gái trong áo dài xanh”, “Chân dung cô gái với quạt” sáng tác năm 1961…Ông cũng vẽ nhiều bức tranh phong cảnh ở Việt Nam, trong đó có “Phong cảnh trên Vịnh Hạ Long” – 1961, “Trên sông” – 1960, “Hoàng hôn trên Vịnh Hạ Long”, “Chiến sỹ Điện Biên Phủ” – 1961, “Chợ hoa ở Hà Nội” – 1960, “Góc phố Hà Nội” – 1960…
Ông còn được mời tới Phủ Chủ tịch để vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là điều rất đặc biệt bởi Bác Hồ rất bận rộn, không có thời gian dành cho các họa sỹ, nhất là với họa sỹ nước ngoài lại càng khó khăn hơn. Theo Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Nguyễn Văn Công: Lúc sinh thời, Bác Hồ chỉ duy nhất đồng ý cho dựng tượng Người ở huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh vào năm 1961, đáp ứng mong mỏi của người dân nơi đây là được ngày ngày ở bên Bác. Số lần Bác Hồ ngồi làm mẫu trực tiếp cho các họa sỹ trong nước vẽ cũng rất hiếm hoi, chỉ tính trên đầu ngón tay…
Đánh giá về tác phẩm sơn dầu vẽ chân dung Bác Hồ, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đồng thời là Chủ tịch Hội đồng thẩm định mua hiện vật tại Liên bang Nga khẳng định: Bức tranh sơn dầu vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi làm việc trong khu vườn năm 1960 của họa sỹ Alexei Petrovich Kuznetsov là nguyên gốc. Bức tranh có kích thước 47cm x 67cm, vẽ Bác Hồ ngồi trên ghế trúc. Bác mặc quần áo đại cán quen thuộc, tay cầm cuốn sách đang đọc dở giữa không gian cây xanh và thảm cỏ trong vườn hoa Phủ Chủ tịch. Họa sĩ đã trực họa chân dung Bác bằng chất liệu sơn dầu…
Thông tin về bức tranh này đến với cán bộ sưu tầm của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cũng hết sức tình cờ. Tháng 5/2017, Đoàn công tác của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đi sưu tầm tài liệu hiện vật tại Liên bang Nga đã nhận được thông tin tại nhà của họa sỹ Alexei Petrovich Kuznetsov còn lưu giữ một số bức tranh vẽ về Việt Nam, trong đó có bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay lập tức, Đoàn công tác đã đến tận nhà họa sỹ đặt vấn đề mua lại bức chân dung, các ký họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, thời điểm đó gia đình không bán tranh.
Sau đó, để sưu tầm được bức tranh gốc có giá trị này, cán bộ sưu tầm của Khu di tích đã theo sát gia đình để nắm bắt thông tin, xây dựng mối quan hệ để có thể sưu tầm được bức tranh. Đến tận ngày 30/5/2018, gia đình họa sỹ Alexei Petrovich Kuznetsov đã rao bán các tác phẩm của cố họa sỹ, trong đó có bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Gallery Art tại St.Petersburg với mức giá khởi điểm là 750.000 Rub/bức.
Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Nguyễn Văn Công nhấn mạnh: Đây thực sự là yếu tố rất bất lợi cho công tác sưu tầm của Khu di tích. Bởi lẽ, theo đánh giá của một số chuyên gia từ Gallery Art St. Petersburg, mức giá bán hiện vật này không hề đắt nên sẽ có khả năng một nhà sưu tầm cá nhân hoặc phòng tranh nào đó có thể mua được ngay. Nếu chậm trễ có thể sẽ không mua được hiện vật này, hoặc phải mua lại từ một nhà sưu tầm cá nhân với mức giá cao hơn nhiều lần giá ban đầu. Đó sẽ là sự lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước, và hơn cả là thất thoát di vật quốc gia - di sản Hồ Chí Minh.
Chính vì thế, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã nhờ chị Nguyễn Thị Minh Hạnh (Khoa Phương đông, Đại học Tổng hợp quốc gia St.Petersburg, Liên bang Nga) làm việc với gia đình họa sỹ xin rút 2 bức tranh vẽ chân dung Bác Hồ và Khu Di tích sẽ mua. Đã có lúc bức tranh được trả giá gấp đôi giá khởi điểm ban đầu. Điều đáng lo ngại nhất đã xảy ra khi gia đình họa sỹ A.Kuznetsov bán 1 bức và chỉ còn lại một bức Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi làm việc trong Khu vườn Phủ Chủ tịch vào năm 1960.
Được sự đồng ý của các cơ quan chức năng, đoàn công tác gồm cả hội đồng thẩm định từ ngày 24-31/7/2018 đã tiến hành các thủ tục mua tranh, thẩm định giá trị hiện vật, kiểm định tính nguyên gốc… để đưa bức tranh về Việt Nam. Đây là bức tranh duy nhất của một họa sỹ nước ngoài mà Khu di tích sưu tập được đến thời điểm này.
Theo Chinhphu.vn