Cập nhật: 02/09/2018 10:29:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Liên tục trong nhiều năm, sản xuất, tiêu thụ than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) gặp rất nhiều khó khăn. Đỉnh điểm vào năm 2016, lượng than tồn đọng lên tới 12 triệu tấn, sang năm 2017 vẫn tồn chín triệu tấn. Với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của TKV, năm 2018, hoạt động sản xuất, tiêu thụ than đã thoát đáy. Trên đà tăng tốc, TKV đã điều chỉnh tăng sản lượng tiêu thụ lên 39 triệu tấn trong năm 2018 (tăng ba triệu tấn so với kế hoạch).

Công nhân khai thác than trong hầm lò thuộc Công ty than Núi Béo.

Vượt khủng hoảng

Giai đoạn 2015 - 2017 là quãng thời gian khó khăn nhất đối với TKV do thị trường than bị giảm sút mạnh, thời tiết bất thường ảnh hưởng sản xuất của toàn ngành; thuế suất thuế tài nguyên tăng thêm 3% khiến giá thành than “đội” lên cao, lượng than tồn kho lớn, có thời điểm tới 12 triệu tấn,… Tuy gặp điều kiện bất lợi, song lãnh đạo TKV vẫn chỉ đạo, điều hành sản xuất phù hợp nhu cầu thị trường và sự điều hành của Chính phủ, với mục tiêu bảo đảm ổn định việc làm cho người lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. TKV đã tập trung đầu tư, kiểm soát chặt chẽ các công trình trọng điểm, hoàn thành các tuyến băng tải chở than với tổng công suất vận chuyển 24 triệu tấn than/năm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và hạn chế ô nhiễm môi trường. Sản lượng than khai thác bằng cơ giới hóa, tự động hóa tăng cao. Hai lò chợ công suất 600 nghìn tấn/năm và 1,2 triệu tấn/năm của Công ty than Hà Lầm được đưa vào hoạt động ổn định, đạt công suất thiết kế. Phương án liên thông các mỏ lộ thiên và hầm lò bước đầu triển khai đã đạt kết quả khả quan, mở ra triển vọng đầu tư các mỏ có công suất cao như ba mỏ Đèo Nai - Cọc Sáu - Cao Sơn, giảm hệ số bóc, cung độ vận chuyển; hoàn thành đường lò nối thông Hạ My - Đồng Vông - Uông Bí, giảm khoảng cách vận chuyển than bằng ô-tô trên mặt đất khoảng 21 km,... Ngoài ra, TKV và các đơn vị đã bám sát diễn biến thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ than bằng các giải pháp điều hòa chủng loại giữa các khu vực nhằm nâng cao chất lượng than; hoàn thiện hệ thống sàng tuyển, chế biến than tại các mỏ và nhà máy đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng hệ số thu hồi than, giảm chi phí vận chuyển,...

Trong tám tháng vừa qua, các chỉ tiêu chính của TKV đều đạt tiến độ hơn 60% so với kế hoạch năm, sản xuất gần 30 triệu tấn than. Đáng chú ý, tiêu thụ than có khởi sắc rõ nét, thời điểm này năm 2017 tồn khoảng chín triệu tấn, hiện tại chỉ còn hơn sáu triệu tấn, giảm gần ba triệu tấn. Trong sáu tháng đầu năm, TKV đạt lợi nhuận khoảng 2.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 8.500 tỷ đồng. Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV Lê Minh Chuẩn khẳng định: Để có được kết quả đó, TKV đã tập trung nhiều giải pháp quyết liệt trong chỉ đạo điều hành. Về tiêu thụ, tăng cường giải pháp tiêu thụ than cám 6b.4 bằng việc nhập khẩu than chất lượng cao về trộn lẫn than xấu nhằm giải phóng tồn kho; chỉ đạo các đơn vị kho vận tăng cường điều hòa chủng loại than giữa các khu vực nhằm nâng cao chất lượng than,…

Tạo đà tăng tốc

Tại các đơn vị sản xuất than vùng miền tây Uông Bí, Đông Triều thời điểm này, không khí sản xuất sôi động lên từng ngày. Theo Giám đốc Công ty Than Nam Mẫu Nguyễn Văn Thành, bảo đảm cung ứng đủ than cho các nhà máy nhiệt điện, giảm tồn kho theo chỉ đạo của TKV, kế hoạch sản xuất của Nam Mẫu đã điều chỉnh tăng hơn năm trước, trong quý III-2018, tranh thủ thời tiết thuận lợi, công ty đang tập trung đẩy nhanh sản xuất để sớm hoàn thành mục tiêu đề ra. Các công ty than khác như Vàng Danh, Mạo Khê, Uông Bí cũng đang tăng tốc, huy động tối đa nhân lực, thiết bị hiện có để triển khai công việc tăng thêm. Sản xuất tăng trưởng đã tạo điều kiện cho các đơn vị làm tốt hơn việc chăm lo đời sống người lao động. Nam Mẫu đã xây nhà chung cư đầy đủ tiện nghi cho công nhân, lắp đèn sưởi ấm tại nhà chờ, trang bị máy mát-xa tại phòng y tế chăm sóc sức khỏe cho công nhân sau giờ làm việc; cấp 156 sổ tiết kiệm, mỗi sổ 10 triệu đồng cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Mạo Khê duy trì thưởng về an toàn, đạt năng suất cao, xây dựng ca-bin chờ xe, phục vụ nước uống, hoa quả cho công nhân; Khe Chàm xây nhà ăn tự chọn với đầy đủ dưỡng chất cho công nhân,...

Ngay đầu tháng 7 vừa qua, lãnh đạo TKV đã quyết định tăng kinh phí để các đơn vị huy động tối đa năng lực, thiết bị hiện có, triển khai khối lượng công việc tăng thêm như bóc xúc đất đá, đào lò, chế biến, sàng tuyển thành các chủng loại than phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Bên cạnh việc tập trung tăng sản lượng theo kế hoạch điều chỉnh, TKV kiểm soát chặt chẽ về quản trị chi phí, quản lý vật tư; tiết giảm chi phí và đầu tư hợp lý; sắp xếp, tinh giản lao động, hoàn thành tái cơ cấu. Trong quý III, Tập đoàn điều hành cân đối giữa sản xuất, tiêu thụ than tại các vùng, chuẩn bị các điều kiện tăng sản lượng than, khoáng sản, phấn đấu tiêu thụ cả năm đạt 39 triệu tấn (sản lượng cao nhất từ trước đến nay của TKV),... Việc điều chỉnh sản xuất nhằm giúp TKV tận dụng thời cơ, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ tháng 5 vừa qua, TKV đã tăng mức lương tối thiểu của ngành lên 4,8 triệu đồng/tháng, khối sản xuất tăng từ 10 đến 17% tiền lương so năm 2017; trong đó, tập trung ưu tiên tăng lương cho thợ đào lò, khai thác than.

Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cho biết, lãnh đạo TKV đã yêu cầu các đơn vị chuẩn bị tốt mọi điều kiện cho sản xuất, kinh doanh; bảo đảm các chỉ tiêu chính như: sản lượng sản xuất, tiêu thụ than, đất bóc, mét đào lò; chế biến các chủng loại than phục vụ khách hàng; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp; phối hợp địa phương bảo vệ tài nguyên, ranh giới mỏ, chống thất thoát than. Các đơn vị sản xuất than vùng miền tây phải tăng sản lượng khai thác đạt công suất thiết kế, bảo đảm hiệu quả đầu tư; áp dụng công nghệ hiện đại phù hợp điều kiện từng đơn vị,...

Bài và ảnh: HỒNG MINH

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm