Cập nhật: 02/09/2018 10:57:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

73 năm trước, ngày 11-3-1945, cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ đã giành thắng lợi, giải phóng hoàn toàn huyện lỵ Ba Tơ (Quảng Ngãi). Đội du kích Ba Tơ được thành lập và nhanh chóng trở thành trung tâm của cao trào chống Nhật cứu nước ở miền Nam Trung Bộ và là hạt nhân của các lực lượng vũ trang Liên khu 5 sau này, góp phần làm nên sự thành công của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Quảng Ngãi cũng như khu vực Nam Trung Bộ.

Tượng đài Khởi nghĩa Ba Tơ (Quảng Ngãi). Ảnh: THANH PHƯƠNG

Khoát một vòng tay về phía núi Cao Muôn sừng sững trước thị trấn Ba Tơ, nguyên Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Phạm Viết Nho tự hào nói: núi Cao Muôn là biểu tượng cho sự quật khởi, không chịu xiềng xích của người Ba Tơ. Sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ chống Pháp-Nhật (11-3-1945), Đội du kích Ba Tơ anh hùng tạm thời lui về núi Cao Muôn, lập căn cứ chiến đấu và phát triển lực lượng, chờ thời cơ, để giữa Tháng Tám lịch sử, kéo quân về thị xã Quảng Ngãi tiến hành khởi nghĩa. Ngày 16-8-1945, Đội du kích Ba Tơ cùng quần chúng nhân dân chiếm Dinh tỉnh trưởng và làm chủ các công sở ở thị xã, giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất toàn quốc... Trải qua hai cuộc kháng chiến, cùng với cả nước, quân và dân Ba Tơ lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Ba Tơ là huyện vùng cao của tỉnh Quảng Ngãi, cách TP Quảng Ngãi 60 km về phía tây nam. Đây là địa bàn rất phức tạp, giáp với ba huyện miền núi của ba tỉnh: Bình Định, Kon Tum và Gia Lai cùng năm huyện của tỉnh Quảng Ngãi. Diện tích tự nhiên toàn huyện khoảng 1.136 km2, dân số hơn 57 nghìn người, trong đó, đồng bào dân tộc Hơ Rê chiếm 84%. Ba Tơ là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, được hưởng chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, với tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc trong huyện, những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội của huyện chuyển động theo hướng tích cực, khởi sắc. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được xây dựng đều khắp 20 xã, thị trấn, trong đó huyện lỵ Ba Tơ đạt 40/49 tiêu chí đô thị loại 5. Các thôn, xã đều có điện lưới, với 98% hộ dân được dùng điện. Từ nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới, từ năm 2015 đến nay đã xây dựng mới 116 công trình giao thông nông thôn, thủy lợi, trường học, trạm xá, nhà sinh hoạt cộng đồng... Những tập quán, phong tục lạc hậu như: tảo hôn, cúng bái khi đau ốm... từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo thế ổn định bền vững của căn cứ địa cách mạng.

Khái quát tình hình kinh tế - xã hội của huyện Ba Tơ những năm gần đây, đồng chí Võ Thanh An, Bí thư Huyện ủy cho biết: Ba Tơ đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lâm nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng và phát triển bền vững, gắn chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Sản xuất trồng trọt dựa vào điều kiện tự nhiên của từng vùng, gắn nhu cầu thị trường. Trong đó, huyện tập trung phát triển cây keo, cây mía nguyên liệu, đây là những cây trồng mũi nhọn, góp phần quan trọng trong giảm nghèo; giữ số lượng, nâng cao chất lượng đàn trâu với khoảng 30 nghìn con, phát triển đàn bò, ổn định đàn lợn và gia cầm; chuyển đổi diện tích lúa một vụ sang trồng hoa màu như: ngô, sắn, lạc, mía. Già làng Phạm Văn Tượng, ở thôn Bùi Hui, xã Ba Trang vui mừng nói: Nằm trên núi cao, biệt lập, thôn chỉ có 83 hộ dân, nên Bùi Hui đã nghèo lại thêm khó, vì đường đi rất khó khăn, thiếu nước sinh hoạt. Nhờ Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, con đường bê-tông chạy xuyên qua đồi núi, nối hai thôn Bùi Hui và Làng Leo, giúp đi lại dễ dàng hơn. Đường nối từ tuyến liên xã về thôn cũng đang được xây dựng, nhờ đó, việc giao thương buôn bán thuận lợi, đời sống nhân dân khá hẳn lên. Người dân Bùi Hui còn được hỗ trợ vốn để khoanh nuôi, bảo vệ 40 ha đồi sim, vừa bán quả về xuôi, vừa làm rượu và phục vụ khách tham quan, chụp ảnh, hái sim trên thảo nguyên Bùi Hui thắm tươi hoa ngũ sắc…

Trở lại mảnh đất Ba Tơ anh hùng trong những ngày cả nước tưng bừng kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, toàn huyện đang tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao như: triển lãm sách, ảnh chủ đề “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, với 4.000 bản sách về Đảng, Bác Hồ, về các vị tướng lĩnh, về quê hương Quảng Ngãi, cùng 70 bức ảnh đẹp về Đảng, Bác Hồ, về hoạt động của Đảng bộ và chính quyền địa phương, về hoạt động sản xuất, đời sống của nhân dân Ba Tơ thời kỳ đổi mới. Chị Trần Thị Thanh Thúy, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Tơ cho biết: Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, những năm gần đây Ba Tơ chú trọng công tác phát triển du lịch. UBND huyện đã phê duyệt đề án phát triển du lịch, thành lập ban chỉ đạo, ban hành quy chế, phân công cụ thể cho từng thành viên thực hiện nhiệm vụ. Huyện Ba Tơ có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, nhiều cảnh quan thiên nhiên cùng bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của dân tộc Hơ Rê là tiềm năng phát triển du lịch. Trong đó, nổi bật như cụm di tích khởi nghĩa Ba Tơ, Bệnh xá Đặng Thùy Trâm ở Ba Trang, Trường Lũy Quảng Ngãi; các điểm du lịch sinh thái như: thảo nguyên Bùi Hui, hồ Núi Ngang, hồ Tôn Dung, thác Lũng Ồ, thác Lệ Trinh, thác Tà Manh, núi, thác Cao Muôn... Huyện phấn đấu đến năm 2020, du lịch Ba Tơ sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện. Trước mắt, tập trung giới thiệu, phát huy giá trị lịch sử các chiến tích hào hùng của Đội du kích Ba Tơ Anh hùng và quần thể di tích khởi nghĩa Ba Tơ; tổ chức những chương trình giao lưu biểu diễn cồng chiêng, hát dân ca Hơ Rê, tìm hiểu làng nghề dệt thổ cẩm, thưởng thức món ăn truyền thống của người Hơ Rê; xây dựng sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của địa phương, tăng cường các tua, tuyến du lịch trên địa bàn huyện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Bùi Nam Giang khẳng định: Nhờ các chương trình, dự án của T.Ư, của tỉnh, năm 2017, tổng giá trị sản xuất toàn huyện đạt 1.177 tỷ đồng, tăng 7,29% so với năm 2016; ngành nông - lâm - thủy sản chiếm tỷ trọng 59,7% trong cơ cấu kinh tế; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm 25,98%, thương mại dịch vụ chiếm 14,32%. Toàn huyện có 10 trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia; 20 xã, thị trấn đều có trạm y tế, có bác sĩ, 17/20 trạm y tế xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Nhờ thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, công tác giảm nghèo được đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2017 còn 32,5%, giảm 5% so năm 2016; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 26,78 triệu đồng/người/năm; lương thực bình quân đầu người đạt gần 500 kg/người/năm. Riêng cây lúa nước, trong năm 2017 toàn huyện gieo cấy hơn 5.500 ha, năng suất đạt 51 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 28 nghìn tấn, là huyện miền núi trong tỉnh có năng suất lúa cao nhất. Huyện Ba Tơ đã có hàng trăm mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình như: hồ tiêu, ngô, lạc, trồng sa nhân, trồng mây dưới tán rừng; chăn nuôi trâu, bò, dê; trồng các loại cây nguyên liệu thu nhập hằng năm từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.

Bí thư Đảng ủy xã Ba Tơ Thành Minh Thuận chia sẻ: Nhờ thực hiện tốt công tác hỗ trợ nhân dân giảm nghèo bền vững, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, nên hiện Ba Tơ có hàng trăm hộ làm ăn khá giả, nhiều hộ đã giàu có, xây nhà tầng, mua ô-tô, con em được đi học, khám, chữa bệnh bằng dịch vụ y tế chất lượng cao… nhờ vào trồng rừng, chăn nuôi trâu bò... Các chính sách xã hội, chính sách cho người có công với cách mạng luôn được quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời, đúng đối tượng, góp phần ổn định và cải thiện đời sống của những đối tượng chính sách, gia đình có công với nước.

Tháng Chín, người dân Ba Tơ náo nức cùng cả nước đón chào ngày lễ trọng đại của dân tộc. Tuy còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng như núi Cao Muôn lộng gió ngàn, Ba Tơ vẫn đang nỗ lực từng ngày để viết tiếp trang sử vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân vùng căn cứ cách mạng kiên trung.

THANH TÙNG và MINH TRÍ

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm