Thực hiện Đề án phát triển 15 nghìn hợp tác xã (HTX), liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp (LHHTX NN) hoạt động hiệu quả, tỉnh Đồng Tháp được giao chỉ tiêu đến năm 2020 có 219 HTX nông nghiệp (HTXNN). Đây là thách thức lớn đối với một địa phương nằm ở cửa ngõ sông Tiền.
Hợp tác xã Tân Bình (Thanh Bình, Đồng Tháp) trồng cà chua gốc ghép bằng công nghệ tưới nhỏ giọt. Ảnh: MỸ LÝ
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Ðồng Tháp, thực hiện Luật HTX năm 2012, từ năm 2013 đến nay, qua rà soát, sắp xếp lại, toàn tỉnh đã giải thể 90 HTX do ngưng hoạt động, hoạt động không hiệu quả. Với chủ trương "không đặt nặng vấn đề về phát triển số lượng, mà tập trung vào nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX", nhiều địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện củng cố, hợp nhất các HTX yếu kém; tổ chức bồi dưỡng kiến thức nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX. Vì vậy đến nay, toàn tỉnh Ðồng Tháp chỉ còn 136 HTXNN.
Ðể đạt mục tiêu đến năm 2020 có 219 HTXNN, cùng với số HTX hiện có, tỉnh Ðồng Tháp cần thành lập mới 83 HTXNN, tức là bình quân mỗi năm có thêm gần 28 HTXNN. Con số này có thể nói là quá sức so với thực tế phát triển HTXNN của địa phương, bởi xếp loại các HTXNN hiện có trên địa bàn theo Thông tư số 09/2017/TT-BNN-PTNT, ngày 17-4-2017 của Bộ NN và PTNT, toàn tỉnh chỉ có 15 HTX đạt loại tốt, chiếm 12,5%; loại khá 40 HTX, chiếm 33,4%; 58 HTX được xếp loại trung bình, chiếm 48,3%; có 7 HTX yếu kém, chiếm 5,8%, còn lại 16 HTX chưa xếp loại do mới thành lập, chưa đủ điều kiện phân loại.
Bên cạnh đó theo quy định của Thông tư 09: HTX mới thành lập và sản xuất kinh doanh chưa đủ 12 tháng trong năm không tự chấm điểm và xếp loại. Như vậy, những HTX được thành lập trong năm cuối của Ðề án sẽ không được xếp loại, đánh giá. Do đó, số lượng HTX trong tỉnh thời gian tới có thể không tăng, thậm chí giảm so với hiện tại.
Mặc dù vậy, để triển khai có hiệu quả Quyết định số 461/QÐ-TTg ngày 27-4-2018 của Thủ tướng Chính phủ, trước mắt, tỉnh Ðồng Tháp tổ chức rà soát lại các nghị quyết, đề án, kế hoạch đã được ban hành và điều chỉnh; bổ sung nội dung, giải pháp thực hiện phù hợp Ðề án 15 nghìn HTX, LHHTXNN, đồng thời tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện Quyết định số 445/QÐ-TTg và Kế hoạch số 208/QÐ-UBND ngày 11-8-2017 của UBND tỉnh về phát triển HTX kiểu mới, xây dựng các HTX này làm trung tâm và hỗ trợ các HTX khác phát triển. Trên cơ sở đó, tỉnh tập trung nguồn vốn theo Nghị định số 35/NÐ-CP và nguồn vốn thủy lợi phí năm 2018, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho các HTX tham gia thí điểm HTX kiểu mới và yêu cầu các ngành NN và PTNT, Kế hoạch và Ðầu tư, Liên minh HTX phối hợp với MTTQ cùng các tổ chức đoàn thể tập trung tuyên truyền trong tầng lớp nhân dân cũng như cán bộ địa phương để thấy rõ tầm quan trọng của việc hình thành và phát triển loại hình làm ăn hợp tác. Từ đó, vận động gia đình, người thân tham gia các HTX; phối hợp Trường Cán bộ quản lý NN và PTNT II, tổ chức tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ thành lập mới HTXNN.
Tỉnh cũng chủ động sử dụng nguồn vốn của Trung ương và địa phương năm 2018 để tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn cho đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành doanh nghiệp nhỏ và vừa cho các HTX. Ưu tiên hỗ trợ những cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học, có chuyên môn về quản trị kinh doanh, kinh tế nông nghiệp, kế toán, nông - lâm - ngư nghiệp, làm cán bộ HTX, nhất là các HTX yếu kém. Hỗ trợ các HTXNN ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Khuyến khích thành lập các hội quán nông dân nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cách thức làm ăn hiệu quả. Ðến nay, tại tỉnh Ðồng Tháp đã thành lập được 51 hội quán, đây chính là tiền đề quan trọng để thành lập các HTX bền vững trong thời gian tới.
Theo HOÀNG LONG/nhandan.com.vn