Cập nhật: 17/09/2018 15:13:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cùng với những nỗ lực trùng tu Quần thể di tích triều Nguyễn, công cuộc bảo tồn những giá trị văn hoá phi vật thể tại Cố đô Huế cũng được triển khai và liên tục gặt hái thành công lớn.

Âm nhạc cung đình Huế “sống lại” sau nhiều năm bị lãng quên. Ảnh: VGP/Thế Phong

Bên cạnh Quần thể di tích, Huế còn là một tụ điểm về di sản văn hóa tinh thần phong phú, một vùng văn hoá Phú Xuân đặc sắc “Huế đẹp và thơ” nổi tiếng. Di sản văn hoá tinh thần ở Huế bao gồm văn hoá dân gian và văn hoá cung đình, để ngày nay đã tạo nên những giá trị văn hoá phi vật thể và truyền khẩu được cả nhân loại thừa nhận.

Trong kho tàng di sản văn hoá tinh thần còn có sinh hoạt cung đình, lễ hội cung đình (Tế Giao, Tế Xã Tắc, Tế Miếu, Thiết triều, Đăng quang, Truyền lô, Tịch điền...) và các ngành nghề truyền thống đã được hình thành, phát triển trong quá trình xây dựng kinh đô, hiện nay cần phải được bảo tồn, phát triển để phục vụ cho công cuộc tu bổ, trùng tu, tôn tạo di tích, đó là các nghề mộc, nề, ngõa, pháp lam, sơn thếp, thêu ren, khảm chạm...

Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, tính từ năm 1996 đến nay, Thừa Thiên-Huế đã triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức biên soạn và xuất bản, tổ chức đào tạo nhân lực, tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị quốc gia và quốc tế về chủ đề nghiên cứu, bảo tồn các tài sản văn hóa phi vật thể. Tổ chức sưu tầm, nghiên cứu ứng dụng và bảo tồn được nhiều tác phẩm âm nhạc cung đình quan trọng như 10 nhạc khúc trong lễ Tế Giao, 9 nhạc khúc trong lễ Tế Miếu, 5 nhạc khúc trong lễ Đoan dương, Vạn thọ và Tết Nguyên đán, 37 nhạc khúc diễn tấu với dàn Tiểu nhạc, 10 nhạc khúc diễn tấu trong các đợt vua ngự, 14 nhạc khúc kèn dùng trong Đại nhạc… Sưu tầm nghiên cứu và dàn dựng thành công 15 điệu múa Cung đình tiêu biểu, 2 vở tuồng cung đình cổ và 25 trích đoạn tuồng phục vụ cho lễ hội và giao lưu văn hóa nghệ thuật…

Chính nhờ những nỗ lực trên mà ngày 7/11/2013, Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam tiếp tục được UNESCO ghi tên vào Danh mục Kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (đến năm 2008 được gọi là Di sản Phi vật thể đại diện của nhân loại). Đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện tầm vóc và sự phong phú, toàn diện của Di sản văn hóa Huế trên cả 2 lĩnh vực văn hóa vật thể và phi vật thể. Đây cũng là loại hình di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được công nhận là Di sản thế giới.

Với kho tàng di sản văn hoá đồ sộ, Thừa Thiên-Huế đã tổ chức thành công nhiều kỳ Festival Huế trong thời gian qua. Ảnh: VGP/Thế Phong

Từ khi Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có nhiều nỗ lực để góp phần làm cho loại hình âm nhạc đặc biệt này tiếp tục khẳng định giá trị và lan toả. Nhiều nội dung công việc đã được chú trọng như: Sưu tầm, lưu trữ tài liệu; nghiên cứu và phục hồi hệ thống bài bản, nhạc cụ, y phục; tập huấn, đào tạo và truyền dạy qua các phương thức; tổ chức trình tấu tại không gian diễn xướng nguyên thuỷ; biểu diễn giới thiệu ở trong và ngoài nước; truyền thông, phổ biến cộng đồng… Đó là những nỗ lực nhằm có thể bảo tồn và phát huy giá trị Nhã nhạc theo hướng tổng thể với nhiều địa hạt khác nhau.

Hiện nay, Nhã nhạc cung đình không chỉ để lại dấu ấn trong hệ thống bài bản, mà còn góp mặt trong tuồng cung đình, múa cung đình và ca Huế. Do đó, bảo tồn và phát huy Nhã nhạc, thực chất còn bao hàm cả bảo tồn và phát huy âm nhạc cung đình trong hệ thống bài bản, âm nhạc trong tuồng cung đình, âm nhạc trong múa cung đình.

Những thành công lớn của công cuộc bảo tồn các giá trị di sản Huế đã mở ra tiền đề thúc đẩy công cuộc phục hưng di sản Huế bước sang một tầm cao mới, đi vào chiều sâu và mang tính toàn diện hơn. Năm 2009, Mộc bản triều Nguyễn được công nhận là Di sản Tư liệu thế giới và tiếp sau đó, 2 di sản tư liệu khác của triều Nguyễn cũng đã được Uỷ ban Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO công nhận Di sản Tư liệu đó là: Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016), đến năm 2017 Châu bản triều Nguyễn cũng đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới. Như vậy, Cố đô Huế đã có 5 di sản thế giới ở tất cả 3 loại hình: Di sản Văn hóa vật thể, Di sản Phi vật thể, Di sản Tư liệu và 3 trong số đó đều là các di sản đầu tiên của Việt Nam được vinh danh ở 3 loại hình.

Bên cạnh đó, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế còn nghiên cứu phục hồi thành công một số lễ hội cung đình quan trọng nhất của triều Nguyễn như lễ Tế Giao, lễ Tế Xã Tắc, lễ Truyền lô-Vinh quy bái tổ (lễ vinh danh Tiến sĩ dưới thời Nguyễn), lễ hội thi Tiến sĩ Võ; những lễ hội mang màu sắc văn hóa cung đình như Huyền thoại sông Hương, Đêm Hoàng cung, Hành trình mở cõi, Thiên hạ thái bình, Văn hiến Kinh kỳ...

Đặc biệt là trong các dịp lễ hội Festival Huế, các loại hình nghệ thuật Cung đình, bao gồm cả lễ hội, âm nhạc, nghệ thuật thư pháp, nghệ thuật ẩm thực, trò chơi… đã thực sự đóng vai trò trung tâm trong các hoạt động của Thừa Thiên-Huế, trở thành đại diện tiêu biểu của văn hóa Huế trong sự đối thoại, giao lưu với bạn bè quốc tế.

Đến Đại Nội Huế ngày nay, du khách sẽ được “sống” trong không gian Hoàng cung xưa. Ảnh: VGP/Thế Phong

Ngày nay, Di sản văn hóa Huế đã trở thành hạt nhân cho các hoạt động và sự kiện văn hóa, du lịch của vùng đất Cố đô. Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế được tổ chức vào các năm chẵn, cùng với Festival Nghề truyền thống tổ chức vào các năm lẻ đã tạo nên một thương hiệu đặc biệt, có tiếng vang và sức thu hút to lớn không chỉ trong nước mà còn trên bình diện quốc tế. Từ những thành tựu về bảo tồn và phát triển văn hóa, du lịch, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có những sự điều chỉnh kịp thời trong cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhờ những thành tựu của công tác bảo tồn mà Di sản văn hóa Huế đã được quảng bá hình ảnh rộng rãi trên toàn thế giới, tạo nên sức hút to lớn của Huế đối với du khách thập phương và góp phần làm cho ngành du lịch, dịch vụ của Thừa Thiên- Huế trong đã có những bước phát triển nhanh chóng, thực sự đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Riêng tại khu di tích Huế, doanh thu trực tiếp từ năm 1996 đến năm 2017 đã đạt hơn 1.800 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 100 tỷ đồng. Chính nguồn thu này đã góp phần rất quan trọng trong việc tái đầu tư cho hoạt động bảo tồn di sản và cải thiện đời sống của những người làm công tác bảo tồn.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải cho rằng: Công cuộc bảo tồn và phục hưng Di sản văn hóa Huế đã để lại nhiều kinh nghiệm và bài học quý giá. Đó là bài học về sự nhận thức vai trò đặc biệt của di sản trong đời sống hiện tại, về sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp các ngành từ Trung ương đến cơ sở, là bài học về việc phát huy nội lực vốn có, về việc huy động rộng rãi sự ủng hộ giúp đỡ của cộng đồng quốc tế với vai trò nổi bật của UNESCO, về việc kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của nhà nước và cộng đồng các tầng lớp xã hội.

Có thể khẳng định, để có được một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình khôi phục Di sản văn hoá Huế, giới thiệu di sản với quốc tế là kết quả của những nỗ lực to lớn của Chính phủ Việt Nam, của chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế và đội ngũ những người làm công tác bảo tồn đối với di sản văn hóa, là sự quan tâm, ủng hộ ngày càng sâu rộng, hiệu quả của cộng đồng quốc tế đối với Di sản văn hóa Huế. Đây cũng là nền tảng để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng đất Cố đô bền vững trong tương lai.

Theo Thế Phong/Chinhphu.vn

 

Tệp đính kèm