Chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam đã và đang đạt tốc độ tăng trưởng khá cao nhưng khoảng cách tụt hậu so với các nước vẫn có nguy cơ tăng lên.
Theo ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong hơn 30 năm đổi mới, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được xem là tăng trưởng cao trên thế giới. Thời gian này có 12 năm kinh tế tăng trưởng từ 12% trở lên, trong đó 6 năm hơn 8%, 2 năm cao hơn 9%.
“Những nước đi sau như Việt Nam luôn có nhu cầu phát triển nhanh, tăng trưởng nhanh bởi chỉ có phát triển nhanh mới có thể đuổi kịp các nước đi trước”, ông Thắng cho hay.
Việt Nam đã và đang đạt tốc độ tăng trưởng khá cao nhưng khoảng cách tụt hậu so với các nước vẫn có nguy cơ tăng lên (Ảnh minh họa: KT)
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là “thế nào là nhanh? Nhanh so với các nước xung quanh hay nhanh so với chính Việt Nam?”
Theo ông Thắng, với mức tăng trưởng khoảng 7% có thể xếp vào nhóm tăng trưởng nhanh và dưới mức đó là trung bình, dưới nữa là thấp. Nhưng ông cũng lưu ý: "Thực tế, tăng trưởng 1% của nước phát triển có khi còn hơn 10% của nước kém phát triển hơn. Toàn bộ chính sách của quốc gia muốn tăng trưởng nhanh phụ thuộc vào việc dịch chuyển về đường tiềm năng sản xuất, thậm chí không chỉ phụ thuộc vào nguồn tài nguyên trong nước mà còn cả nguồn huy động được từ bên ngoài”.
Bên cạnh đó, ông Thắng cũng chỉ ra, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá cao trong gần suốt cả thời kỳ đổi mới vừa qua, nhưng việc định hình mô hình tăng trưởng kinh tế tiếp theo vẫn chưa thực sự rõ ràng, đặc biệt là xét từ góc độ phát triển bền vững.
“Mặc dù Việt Nam đã và đang đạt tốc độ tăng trưởng khá cao nhưng khoảng cách tụt hậu so với các nước vẫn có nguy cơ tăng lên”, ông Thắng nhận định.
Chọn phát triển nhanh hay bền vững?
Theo các chuyên gia kinh tế, phát triển nhanh, toàn diện và bền vững là xu hướng, mục tiêu và mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, liệu có phải hy sinh mục tiêu ngắn hạn để đạt mục tiêu dài hạn hay không, liệu có cần hy sinh tăng trưởng nhanh để giữ được sự bền vững hay không?
GS. TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, điểm khác biệt của Việt Nam là đặt mục tiêu phát triển không chỉ bền vững mà còn nhanh.
“Nội hàm của phát triển bền vững là phát triển hiện tại nhưng không gây trở ngại cho tương lai. Tiêu dùng hiện tại không làm tổn hại tiêu dùng tương lai. Và phát triển bền vững trên 3 trụ cột: kinh tế - xã hội và môi trường”, GS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.
Lâu nay, 3 trụ cột phát triển bền vững là kinh tế-xã hội và môi trường có sự giao thoa với nhau và được mô hình hóa bằng 3 vòng tròn có một phần chồng lên nhau. Song, TS. Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, quan niệm này là không hợp lý vì toàn bộ hoạt động kinh tế nằm trong xã hội, toàn bộ xã hội đều gắn với môi trường, nằm trong môi trường và bị ảnh hưởng bởi môi trường. Vì thế, mô hình ông đưa ra là vòng tròn hoạt động kinh tế nằm trong vòng tròn xã hội, cả hai nằm trong vòng tròn môi trường để cho thấy vai trò quan trọng của sự phát triển bền vững.
“Của cải của ta làm ra từ vốn. Vốn gồm vốn xã hội, vốn tự nhiên là tài nguyên, vốn là con người, phát triển chỉ bền vững khi 3 nguồn vốn này được sử dụng hiệu quả không làm tổn hại tương lai như tiêu tốn tài nguyên, ảnh hưởng môi trường. Tài nguyên là quỹ tiền tệ của các đời sau. Ở nhiều quốc gia OECD, thu từ tài nguyên khoáng sản không đưa vào NSNN mà đưa vào quỹ đầu tư quốc gia. NSNN chỉ được hưởng lợi nhuận từ quỹ này”, GS Nguyễn Hồng Sơn cho biết.
Ông Sơn cũng cho rằng, thị trường tài chính chưa ổn, chưa bền vững thì không thể có một nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Chính vì vậy, tái cấu trúc tài chính quốc gia nhằm hướng đến phát triển nhanh, bền vững là hết sức cấp thiết.
Theo TS. Lê Hải Mơ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách, mục tiêu cấp bách, xuyên suốt của tái cấu trúc là nâng cao căn bản hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính quốc gia. Đặc biệt, việc tái cấu trúc này phải kiên quyết, nhất quán theo lộ trình rõ ràng, tránh nguy cơ đổ vỡ và tối thiểu hóa chi phí tái cấu trúc nền tài chính.
“Trong tái cấu trúc một vài lĩnh vực của nền tài chính quốc gia, nhiều nước đã phải trả giá đắt, có nước chi phí lên tới 10% thậm chí 20% GDP. Phương châm cơ bản để thối thiểu hóa chi phí là giải pháp tái cấu trúc đúng, khả thi và phù hợp theo lộ trình”. TS. Lê Hải Mơ nhấn mạnh.
Theo Cẩm Tú/VOV.VN