Cập nhật: 23/09/2018 10:06:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau nhiều lần "lỗi hẹn" do vướng mắc về mặt bằng, năng lực nhà thầu và nguồn vốn giải ngân, đến thời điểm này, tuyến đường huyết mạch Hòa Lạc - Hòa Bình kết nối hành lang vận tải Hà Nội đi các tỉnh Tây Bắc đang ở giai đoạn thi công nước rút. Nhà đầu tư đang đốc thúc nhà thầu chạy đua với thời gian để hoàn thiện các hạng mục cuối cùng, dự kiến khánh thành, thông xe đúng dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô (10-10) tới đây.

Ðơn vị thi công gia cố mái ta-luy, chống sạt trượt trên tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình.

Hoàn thiện những hạng mục cuối cùng

Thời điểm giữa tháng 9, khi đi tìm hiểu thực tế công trường, chúng tôi thấy nhiều phương tiện đã có thể lưu thông thuận tiện trên toàn tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình mà không gặp bất cứ trở ngại gì. Trên tuyến, nhà đầu tư Tổng công ty 36 (Bộ Quốc phòng) đã thay thế nhà thầu năng lực kém, huy động các nhà thầu mạnh, tập trung đầy đủ nhân lực, thiết bị, tranh thủ thời tiết thuận lợi khẩn trương thảm bê-tông nhựa. Tại công trường, Tổng Giám đốc Tổng công ty 36 Nguyễn Ðăng Giáp chỉ đạo các đơn vị thi công khẩn trương hoàn thiện những hạng mục cuối cùng, nhằm đáp ứng mốc tiến độ chỉ còn rất ngắn. "Ðây là công trình tâm huyết, mang dấu ấn của Tổng công ty 36, toàn bộ nguồn tài chính, nhân lực và thiết bị đều được tập trung để hoàn thành dự án, bảo đảm chất lượng tốt" - ông Giáp khẳng định. Giám đốc Công ty TNHH BOT quốc lộ 6 Hòa Lạc - Hòa Bình (doanh nghiệp dự án) Bùi Quang Bát cho biết, những vướng mắc về mặt bằng đã được giải tỏa hết, các đơn vị có điều kiện thi công đồng loạt, khối lượng tiến độ đã đạt khoảng 98%. Ðoạn tuyến qua địa phận tỉnh Hòa Bình có hai điểm vướng mắc hiện đã được xử lý khắc phục xong, gồm hang cát-xtơ ở Ðèo Bụt, nhà thầu tiến hành đóng cọc, đổ bê-tông thành bè, bảo đảm ổn định nền, sau đó thảm bê-tông nhựa. Ðối với đoạn đường ống nước sông Ðà (xã Yên Quang, huyện Kỳ Sơn) chậm di chuyển thời gian dài, gây đình trệ tiến độ, nay cũng đã hoàn thành. Dự kiến, trong tháng 9 này, các nhà thầu sẽ hoàn thành toàn bộ việc thảm bê-tông nhựa hai lớp trên chiều dài gần 26 km toàn tuyến, lắp đặt hệ thống an toàn giao thông, biển báo, vạch sơn, hộ lan để bảo đảm khai thác đạt vận tốc 80 km/giờ theo thiết kế. Sau khi dự án thông xe, đường đi từ Hà Nội lên Hòa Bình sẽ rút ngắn được 20 km.

Nhiều lần trực tiếp đi thị sát công trường đốc thúc tiến độ dự án, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đánh giá, đây là công trình quy mô lớn, nhà đầu tư cần đặc biệt lưu tâm chất lượng công trình, nhất là việc thi công thảm bê-tông nhựa, công tác gia cố mái ta-luy để tránh sụt trượt. Tiến độ công trình rất cần đẩy nhanh, nhưng chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Nhà đầu tư cần phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu giải pháp chống thấm lớp kết cấu mặt đường, phương án gia cố mái ta-luy dọc tuyến, có giải pháp bảo đảm an toàn giao thông trong suốt quá trình thi công. Ðồng thời, chính quyền TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình sớm cắm mốc mặt bằng để quản lý hành lang dọc tuyến phục vụ quá trình mở rộng quy mô dự án đạt chuẩn đường cao tốc sau này. Bộ trưởng cũng yêu cầu nhà đầu tư hoàn thiện toàn bộ các hạng mục an toàn giao thông, vạch sơn, biển báo, gia cố mái ta-luy, rãnh dọc,... hoàn thành trước ngày 10-10 tới để khánh thành, đưa vào khai thác chính thức. Khu vực trạm thu phí đang được triển khai xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành lắp đặt cuối tháng 10 tới, bắt đầu thực hiện thu phí từ ngày 1-11 theo kế hoạch.

Khơi thông vướng mắc

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) Lưu Việt Khoa, đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại dự án cho biết, Ban và nhà đầu tư thường xuyên duy trì nhân lực có mặt trên công trường trực tiếp theo dõi, đôn đốc, xử lý các vấn đề phát sinh. Hằng tuần, đại diện các đơn vị họp giao ban tại công trường, tranh thủ thời tiết thuận lợi gấp rút hoàn thành các công đoạn cuối cùng (hệ thống thoát nước, hộ lan, sơn kẻ mặt đường, lắp đặt biển báo...); đồng thời, kiểm soát chặt chẽ chất lượng thi công công trình, tiến hành nghiệm thu, hoàn thiện thủ tục, thanh toán kịp thời. Với sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT, nhà đầu tư, nhà thầu cùng với nguồn vốn tín dụng được giải ngân, chắc chắn tuyến đường BOT Hòa Lạc - Hòa Bình sẽ hoàn thành trước hạn để ngày 10-10 tới thông xe theo đúng chỉ đạo.

Trong quá trình triển khai, công trình đường Hòa Lạc - Hòa Bình gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, bị "lỗi hẹn" nhiều lần. Dự án được khởi công vào tháng 5-2014, tổng mức đầu tư hơn 2.989 tỷ đồng, do liên danh Tổng công ty 36 - Công ty cổ phần Ðầu tư và Thương mại Hà Nội - Công ty cổ phần Xây lắp và Thương mại Trường Lộc là nhà đầu tư theo hình thức BOT. Theo kế hoạch ban đầu, công trình hoàn thành sau 28 tháng thi công (cuối tháng 8-2016), tuy nhiên do gặp nhiều vướng mắc, dự án đã phải gia hạn thời gian thông xe kỹ thuật tới ba lần, "chốt" mốc cuối cùng hoàn thành toàn tuyến vào ngày 10-10 tới. Ðến cuối tháng 4 vừa qua, địa phương mới bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà thầu, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tài trợ vốn cho công trình đã dừng giải ngân trong thời gian dài, khiến dự án chậm tới hai năm so hợp đồng BOT. Ðại diện Ban Quản lý dự án 2 lý giải, theo kế hoạch, SHB cung cấp vốn vay tín dụng cho dự án với hạn mức 1.999 tỷ đồng. Tuy nhiên, do dự án không được tăng giá vé theo quy định tại hợp đồng từ ngày 1-11-2017, việc giải ngân vốn vay đã bị tạm dừng. Theo tính toán dòng tiền vào năm thứ 16, dư nợ vay tối đa có thể đạt 4.355 tỷ đồng, vượt mức 15% vốn tự có. Do vậy, Ngân hàng SHB chỉ chấp thuận giải ngân tiếp cho dự án này khi có sự đồng ý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định, vì thế, đến ngày 11-7 vừa qua, SHB mới nối lại giải ngân.

Tổng Giám đốc Tổng công ty 36 Nguyễn Ðăng Giáp cho rằng, việc phải giảm phí cho nhiều phương tiện, đồng thời lại không được tăng phí theo lộ trình như hợp đồng BOT ký trước đó, đã ảnh hưởng tới thời gian hoàn vốn dự án, phá vỡ phương án tài chính ban đầu của nhà đầu tư. Theo phương án tài chính, dự kiến sẽ tăng phí từ ngày 1-1-2016, lộ trình sau ba năm tăng phí một lần, mỗi lần tăng 18%. Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, Bộ GTVT và nhà đầu tư đã giảm phí cho các phương tiện nhóm 2, 4, 5 và miễn giảm phí cho người dân sống chung quanh trạm thu phí. Phương án tài chính cập nhật tháng 6 vừa qua, thời gian hoàn vốn dự kiến lên hơn 27 năm 6 tháng (đến ngày 10-3-2046), dài hơn dự kiến ban đầu 2 năm 9 tháng. Những thể chế, chính sách nhà nước, hành lang pháp lý Luật PPP chưa hoàn thiện, sẽ khiến nhà đầu tư "nhụt chí", nhất là những tuyến có lưu lượng phương tiện thấp. Ðể tháo gỡ khó khăn, Bộ GTVT chấp thuận trường hợp dự án đưa vào khai thác doanh thu thực tế thấp hơn phương án tài chính, cho phép điều chỉnh mức phí theo lộ trình tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng đã ký; trường hợp cao hơn dự báo, sẽ chủ động phối hợp nhà đầu tư tính toán giảm phí để bảo đảm hiệu quả dự án, hài hòa lợi ích của người dân, nhà đầu tư và Nhà nước.

Theo Bài và ảnh: MINH TRANG/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm