Cập nhật: 05/10/2018 09:08:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trước tình trạng quá tải trẻ nhập viện do các bệnh truyền nhiễm, trong đó nhiều nhất là bệnh tay chân miệng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) đã phải “biến” căng-tin của bệnh viện để làm nơi điều trị, cũng như giảm tải áp lực tại các giường bệnh hiện hữu.

Có ngày Bệnh viện Nhi Đồng 1 phải điều trị cho gần 200 ca mắc các bệnh truyền nhiễm.

Đây là giải pháp tạm thời để bệnh viện đáp ứng nhu cầu điều trị số trẻ nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng đang trong giai đoạn cao điểm của dịch năm nay. Ngoài ra, 50 giường bệnh khác cũng được tăng cường từ các khoa khác. Giải pháp tình thế này đáp ứng nhu cầu điều trị cho 80-100 bệnh nhân mỗi ngày.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, bình thường khoa chỉ tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhi, trong đợt cao điểm, có ngày lên tới gần 200 ca phải điều trị nội trú. Hiện tại, khoa đang điều trị cho 180 trường hợp tay chân miệng nhập viện tại đây. Trung bình, mỗi bác sĩ, điều dưỡng phải điều trị cho 20 trẻ.

Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh - PGS Phan Trọng Lân nhận định: Nếu chính quyền, ngành y tế các cấp và cộng đồng không kiên trì thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng bệnh thì nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng rất dễ xảy ra. Tính đến đầu tháng 10, các tỉnh, thành phía nam có hơn 47 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó hơn 18 nghìn trường hợp cần nhập viện.

Đáng lo ngại, đã có sáu trường hợp trẻ tử vong do mắc bệnh tay chân miệng. Các trường hợp này đều do phụ huynh chủ quan, tự mua thuốc điều trị cho trẻ tại nhà, đến khi nhập viện thì trẻ đã trong tình trạng bệnh chuyển nặng…

Theo QUANG QUÝ/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm