Cập nhật: 06/10/2018 10:57:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

   

Nhà khoa học James P. Allison (ảnh bên trái) và nhà khoa học Tasuku Honjo (ảnh bên phải) đã được trao Giải thưởng Nobel Y học năm 2018. Ảnh: Fredrik Sandberg/EPA

Ngày 1-10, hai nhà khoa học James P.Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) đã giành Giải Nobel Y học và Sinh lý học 2018 với “phát hiện phương pháp điều trị ung thư bằng cơ chế ức chế điều hòa miễn dịch âm tính”. Tại Việt Nam, từ cuối năm 2017, Bộ Y tế đã chính thức cho lưu hành thuốc điều trị ung thư theo liệu pháp miễn dịch.

Năm 2017, Việt Nam áp dụng liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư

Theo BS Phạm Tuấn Anh, Bệnh viện K, có nhiều phương thức điều trị miễn dịch trong ung thư với nguyên lý chung là kích hoạt hệ miễn dịch để nhận diện và tấn công, tiêu diệt tế bào ung thư. Tuy nhiên liệu pháp thành công và được thừa nhận, ứng dụng rộng rãi nhất, trở thành công cụ quan trọng trong điều trị ung thư là các kháng thể đơn dòng ức chế điểm kiểm soát (checkpoint inhibitor) với các thuốc phổ biến là Pembrolizumab, Nivolumab, Atezolizumab và Durvalumab… Hai giáo sư Honjo và Allison mới được trao giải Nobel cũng về công trình nghiên cứu liên quan đến cơ chế sinh học kháng ung thư của các kháng thể đơn dòng này.

GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho hay, liệu pháp miễn dịch mới được giải Nobel mới đây về bản chất là dùng các loại thuốc nhằm hóa giải, ức chế các chốt kiểm để trị ung thư.

Theo đó, các tế bào T của hệ miễn dịch có sẵn trong cơ thể chúng ta có nhiệm vụ tuần tra liên tục trong cơ thể tìm dấu hiệu bệnh tật hoặc nhiễm trùng để tấn công tiêu diệt. Khi tế bào T bắt đầu tấn công, hệ miễn dịch tăng cường sản xuất một loạt phân tử nhằm tránh làm hại các mô bình thường.

Hiện đề tài khoa học này đã được Bộ Y tế phê duyệt và đang thử nghiệm lâm sàng tại các bệnh viện như Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện K Hà Nội, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bình Dân TP Hồ Chí Minh..., bước đầu đã mang lại những kết quả khả quan.

Tại Bệnh viện K Trung ương, TS.BS Đào Văn Tú, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, Phó Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K cho hay, từ năm 2016, một số bệnh nhân từ nước ngoài trở về Việt Nam đã sử dụng thuốc miễn dịch. Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối năm 2017, được sự cho phép của Bộ Y tế, cơ sở này mới chính thức áp dụng phương pháp điều trị ung thư này. Đến nay, Bệnh viện K đã điều trị cho hàng chục bệnh nhân với phương pháp miễn dịch.

Đối tượng nào được chỉ định điều trị bằng liệu pháp miễn dịch

Giám đốc Bệnh viện K cho biết, cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt thuốc ức chế các điểm kiểm soát miễn dịch đầu tiên điều trị u hắc tố ác tính giai đoạn muộn vào năm 2011. Trước đó tuổi thọ của bệnh nhân mắc bệnh này giai đoạn muộn thường được đo lường bằng tháng, tuy nhiên, liệu pháp miễn dịch mới đã giúp kéo dài thời gian sống thêm theo năm.

Chỉ ba tháng sau FDA đã mở rộng chỉ định cho ung thư phổi giai đoạn muộn. Sau đó các nghiên cứu chứng minh hiệu quả trong ung thư bàng quang, thận, gan, đầu và cổ vào năm 2015. Gần đây nhất đã có báo cáo thành công trong điều trị ung thư máu, u lympho ác tính và một số ung thư đường tiêu hoá, phụ khoa.

“Không phải bệnh nhân ung thư nào cũng có chỉ định điều trị phương thức này. Cùng một loại ung thư, không phải bệnh cảnh nào cũng có chỉ định mà tuỳ thuộc chủ yếu vào giai đoạn và đặc điểm khối u. Thông thường, liệu pháp này được dùng cho giai đoạn di căn và mức độ biểu hiện của thể PD-L1 trên khối u càng cao thì khả năng đạt đáp ứng với liệu pháp miễn dịch càng cao. Ở Bệnh viện K, thuốc được xem có hiệu quả ưu việt đối với bệnh nhân ung thư phổi và đang được mở rộng nghiên cứu với các loại bệnh khác. Hiện tại chúng tôi đã điều trị cho hàng chục bệnh nhân và cần thời gian theo dõi thêm đủ dài để tổng kết, đánh giá hiệu quả”, BS Phạm Tuấn Anh nói.

Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cũng lưu ý phương pháp này không thể sử dụng cho tất cả bệnh nhân ung thư. Liệu pháp này thường áp dụng cho bệnh nhân mắc bệnh ung thư không thể điều trị, giai đoạn cuối, di căn. Bởi những bệnh ở giai đoạn sớm, các biện pháp như phẫu thuật, hóa trị liệu đã có thể phát huy tác dụng rất cao. Ngoài ra, thuốc chỉ sử dụng được đối với bệnh nhân có chốt kiểm dịch, không phải ai cũng có thể dùng. Thực tế, khoảng 20% bệnh nhân dùng thuốc ức chế miễn dịch có kết quả tốt.

Hiện nay, Pembrolizumab là thuốc tiêu biểu và quan trọng trong điều trị miễn dịch đã có ở Việt Nam, tuy nhiên chưa được thanh toán bảo hiểm. Chi phí cho một chu kỳ điều trị khoảng 60 triệu. Mỗi bệnh nhân phải sử dụng 1-2 lọ trong một lần với liệu trình 3 tuần/lần.

Miễn dịch hiện chỉ là một trong 5 phương pháp điều trị ung thư hiện nay gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa chất, miễn dịch và nội tiết. Biện pháp này có hiệu quả hỗ trợ các biện pháp khác song khá tốn kém, hiệu quả đôi khi còn hạn chế so với những biện pháp còn lại. "Liệu pháp miễn dịch không phải là phương thức chữa khỏi ung thư giai đoạn di căn mà chỉ tiêu diệt phần nào và ức chế, kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư. Hơn nữa ung thư tuyệt đại đa số các trường hợp để điều trị hiệu quả cần phối hợp đa mô thức và toàn diện, không một phương thức đơn lẻ nào có thể mang lại thành công", BS Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh. 

Theo THIÊN LAM (nhandan.com.vn)

http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/item/37825102-viet-nam-su-dung-lieu-phap-dieu-tri-ung-thu-dat-giai-nobel-tu-nam-2017.html

Tệp đính kèm