Di tích lịch sử thành Tam Vạn (còn có tên gọi thành Sam Mứn) nằm trên địa bàn hai xã Pom Lót và Noong Luống (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 2009 đang bị sạt lở nghiêm trọng.
Sạt lở bức tường thành ở phía Tây di tích lịch sử Thành Tam Vạn. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Thành Tam Vạn do người Lự xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XI, là căn cứ chống lại các thế lực xâm lược bên ngoài và cũng là trung tâm kinh tế của các đời chúa Lự tại Mường Thanh. Thành được đắp bằng đất, có hào, lũy bao bọc, thế dựa vào núi và sông Nậm Rốm để tạo thành một căn cứ quân sự vững chắc. Tuy nhiên, nhiều năm qua, do hoạt động khai thác cát bừa bãi trên địa bàn dẫn đến tình trạng sạt lở nghiêm trọng bức tường thành phía Tây, ảnh hưởng xấu đến cảnh quan và môi trường sinh thái của di tích có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, khảo cổ, kiến trúc và khoa học quân sự này.
Di tích sạt lở, cảnh quan thiên nhiên bị phá vỡ nghiêm trọng
Để đến được khu vực phía Tây bức tường thành Tam Vạn, chúng tôi phải nhờ đến sự chỉ đường của ông Nguyễn Viết Thỏa (thôn 4, xã Pom Lót, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Xuất phát từ nhà ông Thỏa, chúng tôi đi bộ trên những bờ ao, qua hai ngôi nhà và những công trình chăn nuôi bị bỏ hoang, xuống cấp xập xệ cùng nhiều diện tích cỏ dại, bụi rậm. Điều làm chúng tôi bất ngờ là khi đến bờ sông Nậm Rốm lịch sử, âm thanh của tiếng máy hút cát như bủa vây chúng tôi, náo động cả một vùng rộng lớn.
Theo ông Nguyễn Văn Thỏa, khu vực này trước đây có người dân sinh sống, họ đã đào ao nuôi cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm rất quy mô, hiện đại. Nhưng nhiều năm nay, do hoạt động khai thác cát tràn lan dẫn đến sạt lở đất, nguồn nước ngầm khan hiếm, không thể chăn nuôi, sản xuất nên người dân đã nhượng bán lại toàn bộ mặt bằng cho bên khai thác hút cát.
Tiếp cận đoạn tường thành phía Tây (khu vực bãi Sậy), đập vào mắt chúng tôi là hàng chục mét chiều dài tường thành bị sạt lở với khối lượng lớn đất, cây cối. Đất và cây cối đổ xuống đường hào của di tích. Dọc chiều dài hệ thống đường hào chạy song song tường thành di tích cũng xuất hiện nhiều vết sạt lở lớn kéo dài hàng chục mét. Ông Nguyễn Viết Thỏa cho biết, tình trạng sạt lở đường hào, tường thành của di tích xảy ra cách đây khoảng 3 tháng.
Đáng quan tâm, phía Tây của di tích thành Tam Vạn trước đây là một bãi bồi ven sông Nậm Rốm, nơi dân trồng ngô, màu trù phú đã biến mất và trở thành một hồ nước rộng lớn, rất sâu. Diện tích hồ “liếm” sâu ngay sát chân thành của di tích, tạo nên những “hàm ếch” dài gần chục mét, cao gần 2m, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở mỗi khi xảy ra mưa, đe dọa nghiêm trọng đến chân di tích thành Tam Vạn.
Ông Nguyễn Viết Thỏa bức xúc nói: “Trước đây thành và hào của di tích không sạt lở, giờ thì sạt lở đã đến đỉnh của tường thành rồi, sụt sạt đất kéo dài dọc tường thành và hào. Nguyên nhân là do người ta hút cát tại khu vực này”. Cũng theo ông Thỏa, ngoài việc làm ảnh hưởng, xâm hại đến di tích, hoạt động khai thác cát tại khu vực này còn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương; tiếng động cơ hoạt động ngày đêm cũng gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của bà con. Người dân ở đây đã nhiều lần chứng kiến các đoàn cán bộ của xã đến kiểm tra nhưng sau đó, mọi hoạt động khai thác cát của doanh nghiệp vẫn diễn ra bình thường.
Sạt lở tường thành của di tích Thành Tam Vạn ngày càng nghiêm trọng. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Ngày 4/10, trong buổi làm việc với phóng viên TTXVN tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Pom Lót Lò Văn Việt cho biết trước đây, thành Tam Vạn thuộc địa bàn hai xã Sam Mứn và Noong Luống (huyện Điện Biên). Năm 2012, xã Pom Lót được chia tách và thành lập với diện tích tự nhiên hơn 4.220ha, hơn 5.100 nhân khẩu. Từ đó, di tích thành Tam Vạn nằm trên địa bàn Pom Lót và Noong Luống.
Khi phóng viên đề cập đến vấn đề sạt lở tường thành Tam Vạn ở phía Tây, ông Lò Văn Việt khẳng định: “Nói chung, về hiện trạng sạt lở đất của bức tường thành di tích là không có bởi vì khu vực ấy đã được quy chủ, đất của người dân khai hoang làm ruộng, làm nương và đã được người dân tự ý kè đá dưới chân thành”.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Pom Lót Lò Văn Việt cũng cho biết các mỏ khai thác cát ở xa khu vực (di tích), chúng tôi đã từng lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính cả mỏ được cấp phép và khai thác “chui.” Hiện nay, trên địa bàn chỉ có hai doanh nghiệp khai thác cát. Hoạt động khai thác cát của hai doanh nghiệp không ảnh hưởng đến di tích, đến đất thành Tam Vạn.
Trước những thông tin, hình ảnh về tình trạng sạt lở bức tường thành của di tích cấp quốc gia thành Tam Vạn mà phóng viên đưa ra tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Pom Lót lý giải, tình trạng sạt lở là do sông Nậm Rốm đã “uốn” sát vào chân tường thành di tích. Ngoài ra, đường hào cũng được coi là cửa thoát nước nên vào mùa mưa lượng nước nhiều, chảy từ cao xuống thấp cũng gây sạt lở tường thành.
Trách nhiệm thuộc về ai, cần nghiêm minh xử lý
Qua quá trình điều tra, điền dã để tìm hiểu thông tin, chúng tôi được biết, dấu tích còn lại hiện nay của thành Tam Vạn là các đoạn tường thành dài khoảng 3km (gồm các đoạn đứt quãng, nằm dàn trải trong vùng rộng lớn), đồi Pom Lót, khu vực U Va và đài quan sát trên đỉnh núi Pú Chom Chảnh.
Khu vực bảo vệ I của di tích gồm tường thành, hào nước, đồi Pom Lót, khu vực U Va và bốn phía giáp với khu vực II của di tích với tổng diện tích hơn 41ha; khu vực bảo vệ II là khu vực bao quanh tường thành, hào nước gồm phía Tây cửa thành giáp xã Noong Luống, phía Bắc giáp xã Noong Hẹt, phía Đông Nam thuộc xã Pom Lót với tổng diện tích hơn 11ha. Các điểm được xác định cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích được đánh dấu từ mốc 1 đến mốc số 17 và được xác định bằng tọa độ trên bản đồ.
Chiều 4/10, tại buổi làm việc với phóng viên TTXVN, ông Đào Ngọc Lượng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết năm 2009, khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận thành Tam Vạn là Di tích cấp quốc gia, Sở đã làm thủ tục giao cho huyện Điện Biên quản lý và huyện Điện Biên cũng đã giao cho xã Pom Lót trực tiếp quản lý di tích này.
Mỏ khai thác cát của Doanh nghiệp tư nhân Nam Sơn cách di tích Thành Tam Vạn khoảng 30 mét, thuộc đội 6, xã Pom Lót, huyện Điện Biên. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Liên quan đến thông tin có hiện tượng khai thác cát gần với vị trí chân thành, theo ông Đào Ngọc Lượng, ngày 1/10, Sở đã giao Phòng Di sản xuống kiểm tra hiện trường; bước đầu xác định có vi phạm. Trong Luật Di sản văn hóa quy định “nếu như các công trình xây dựng hoặc sản xuất gần ranh giới di tích thì cơ quan quản lý di tích phải có trách nhiệm lập hồ sơ báo cáo lên cấp có thẩm quyền để thẩm định, xem xét mức độ ảnh hưởng tới cảnh quan di tích hay không”. Đối với Di tích cấp quốc gia như thành Tam Vạn, huyện Điện Biên phải có tờ trình và hồ sơ trình lên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Sau đó, Sở sẽ xem xét, thẩm định, trình Ủy ban Nhân dân tỉnh để Ủy ban Nhân dân tỉnh có văn bản trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền quản lý về di tích cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt.
Ông Đào Ngọc Lượng khẳng định, cho đến thời điểm này, Sở chưa nhận được bất kỳ một thủ tục, văn bản, hồ sơ nào của Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên cũng như báo cáo của Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Điện Biên về việc có doanh nghiệp khai thác cát gần khu vực di tích.
Ông Đào Ngọc Lượng cũng cho biết, hiện tại về thực trạng sụt, sạt lở tường thành của di tích chưa có con số cụ thể nhưng tình trạng khai thác cát quá gần các mốc di tích đã dẫn đến toàn bộ cảnh quan di tích bị phá vỡ, đó là một sự vi phạm. Đặc biệt, qua kiểm tra vị trí, tọa độ của các mốc và đối chiếu trên bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích được lập năm 2009, đồng thời đối chiếu với các mốc mà Giấy phép hoạt động khai thác cát số 04/GP-UBND ngày 9/3/2015 do Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên cấp cho Doanh nghiệp thương mại tư nhân Nam Sơn khai thác cát tại điểm mỏ (đội 6, xã Pom Lót) thì hiện nay doanh nghiệp này thực hiện việc khai thác không đúng với vị trí khai thác được cấp phép. Việc làm này đã ảnh hưởng, gây sụt, sạt ở tường thành gần các mốc số 2 và mốc số 6 của di tích.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cũng đã thông tin vụ việc đến huyện Điện Biên và yêu cầu địa phương tổ chức kiểm tra và có báo cáo kết quả để Sở có hướng dẫn và cùng huyện thực hiện phương án giải quyết. Nếu trong thời gian 5 ngày, huyện Điện Biên không có báo cáo gửi về Sở thì Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức thanh tra cấp ngành; làm rõ việc doanh nghiệp đã vi phạm đến mức độ nào trong vị trí cho phép khai thác và vị trí cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích.
Ông Đào Ngọc Lượng nhấn mạnh: “Cần có giải pháp ngừng ngay việc khai thác cát ở đây; không thể để tình trạng khai thác cát tiếp diễn như thế này bởi nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới di tích”./.
Theo XUÂN TIẾN-HẢI AN (TTXVN/VIETNAM+)
https://www.vietnamplus.vn/khai-thac-cat-tran-lan-mot-di-tich-quoc-gia-truoc-nguy-co-xoa-so/528467.vnp