Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP), từ tháng 11-2015 đến tháng 5-2018, cả nước xảy ra 868 vụ mua bán người với 1.140 đối tượng lừa bán 2.355 nạn nhân. Như vậy, trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 900 người bị mua bán (trong đó, chiếm 92% là phụ nữ, trẻ em). Nhằm hạn chế tình trạng này, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự phối hợp giữa các cấp, ngành bằng những hành động cụ thể.
Mít-tinh hưởng ứng “Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người (30-7)” tại Sơn La, do Bộ Công an phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.
Nhận diện thủ đoạn
Dù mới 15 tuổi, nhưng P.T.T.T. quê ở Hải Phòng đã trải qua những ngày tháng đau khổ, đẫm nước mắt. T. kể: 14 tuổi, T. đã bị bạn bè rủ rê, lôi kéo chơi bời, bỏ ngoài tai mọi lời khuyên ngăn của bố mẹ. Một hôm, bị bố đuổi khỏi nhà, T. đến ở nhà trọ cùng hai người bạn quen trên mạng. Không ngờ T. bị lừa bán sang Trung Quốc. Người chủ bắt T. lựa chọn, một là vào nhà chứa hai là đi lấy chồng. T. kháng cự, bị chủ gí thanh sắt nóng vào người, đánh đập. Quá đau đớn, sợ hãi T. đồng ý lấy chồng. Gia đình chồng T. toàn người điên, bệnh tật. T. sống trong cảnh địa ngục cho tới khi được công an Trung Quốc giải cứu.
Đ.T.T., 19 tuổi, quê ở Bắc Giang gặp một người mới quen rủ đi mua máy sấy quả vải. Đang gặp chuyện gia đình buồn chán, cô đồng ý không chút đắn đo. T kể: Tôi bị bạn lừa sang biên giới bán vào nhà chứa. Không còn sự lựa chọn nào khác, tôi đành chấp nhận bán mình. Quãng thời gian đó, nhiều lúc nhục nhã ê chề, tôi đã tìm đến cái chết, nhưng nghĩ tới bố mẹ đang mong ngóng, tôi đã gắng gượng sống tiếp. Nhóm chúng tôi có 12 chị em được công an Quảng Châu (Trung Quốc) giải cứu, bước chân về tới cửa khẩu, chúng tôi vừa mừng vừa sợ. Mừng vì được trở về quê hương, sợ vì không biết sẽ đi đâu, về đâu. Đó chỉ là hai câu chuyện điển hình trong hàng nghìn câu chuyện đau lòng khác vẫn đang xuất hiện ở những miền quê xa xôi, nhất là những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Tuy nhiên, họ cũng vẫn còn may mắn khi được lực lượng chức năng giải cứu. Còn biết bao thân phận khác bị lừa bán vẫn đang phải chịu đựng những tháng ngày cơ cực, tủi nhục nơi xứ người.
Theo báo cáo từ các cơ quan chức năng, các nước tiểu vùng sông Mê Công, trong đó có Việt Nam, bị đánh giá là điểm nóng mua bán người, di cư bất hợp pháp. Ước tính lợi nhuận từ hoạt động mua bán người tại khu vực này lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm. Do lợi nhuận cao, loại tội phạm này ngày càng có những diễn biến phức tạp, ẩn dưới nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, núp dưới nhiều danh nghĩa khác nhau (xuất khẩu lao động, thăm thân, kết hôn giả…), mang tính xuyên quốc gia, với sự cấu kết giữa các đối tượng tổ chức ở trong và ngoài nước. Các nạn nhân thường được tổ chức xuất cảnh hợp pháp bằng hộ chiếu, giấy tờ hợp lệ, hoặc xuất cảnh trái phép qua đường tiểu ngạch, không có hộ chiếu, giấy tờ tùy thân. Tại nước đến, nạn nhân được đưa vào làm việc bất hợp pháp trong các nhà máy, nhà hàng, cơ sở giải trí, công trường, xưởng may “đen”, cơ sở trồng cần sa… có nguy cơ cao bị cưỡng bức, bóc lột lao động, lạm dụng tình dục, thậm chí bị ép buộc phạm tội, hoặc làm nô lệ tình dục…
Đại tá Lê Văn Chương, Phó Chánh văn phòng thường trực 130 phòng, chống tội phạm và ma túy (Bộ Công an) cho biết: Quá trình điều tra các vụ án cho thấy, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm hết sức tinh vi, xảo quyệt. Hầu hết các vụ án xảy ra đều có sự cấu kết giữa các đối tượng trong và ngoài nước. Đáng chú ý, tội phạm đã lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội như Zalo, Facebook, Wechat, Viber… tiếp cận, làm quen với một số phụ nữ, trẻ em gái. Một số nạn nhân ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số thường bị tội phạm lợi dụng phong tục, tập quán như phong tục cướp vợ của người Mông để dụ dỗ. Đối tượng chúng hướng tới thường là những phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, có mâu thuẫn trong quan hệ gia đình, ít hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin, hoặc những trẻ em gái mới lớn, hiểu biết hạn chế, ham chơi, đua đòi, thiếu sự quản lý của gia đình. Trong hầu hết các vụ án, địa bàn xảy ra tội phạm thường ở khu vực giáp biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Tại các tỉnh biên giới phía bắc, nổi lên hiện tượng kết hôn thông qua môi giới. Các đối tượng phạm tội thường sang Việt Nam núp dưới hình thức du lịch, móc nối qua đội ngũ chân rết ở các địa phương môi giới, dụ dỗ, lừa gạt chị em sang biên giới kiếm việc làm, lấy chồng… Gần đây, nổi lên các đường dây môi giới lập tài khoản với tên giả trên mạng xã hội, hoặc thông qua mạng lưới cò mồi đến các huyện, bản làng miền núi, vùng sâu, vùng xa tuyên truyền, lừa phỉnh, dụ dỗ, lôi kéo những người có nhu cầu xuất khẩu lao động (học sinh, sinh viên, thanh, thiếu niên), kể cả lao động thời vụ, với chi phí thấp, mức lương cao, thủ tục đơn giản để tổ chức xuất cảnh ra nước ngoài, sau đó bán nhằm cưỡng bức lao động. Tại địa bàn biên giới Việt Nam - Lào; Việt Nam - Cam-pu-chia, xuất hiện các tụ điểm vui chơi giải trí trá hình (ca-si-nô, đá gà, mại dâm, cà-phê, mát-xa, ka-ra-ô-kê…). Đây là những yếu tố tác động trực tiếp đến việc gia tăng các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy và mua bán người.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 138/CP, từ năm 2017 đến quý I-2018, các cơ quan đại diện tại Trung Quốc tiếp nhận, xử lý và hỗ trợ hồi hương hàng trăm nạn nhân bị mua bán. Trong đó, cơ quan chức năng hai bên phối hợp giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ chi phí ban đầu, đưa về nước an toàn 52 trường hợp, trong đó có năm trường hợp vị thành niên. Trong năm 2017, xuất hiện tình trạng phụ nữ ở sáu tỉnh miền Tây Nam Bộ nhận tiền kết hôn với công dân Trung Quốc, với số tiền từ 30 đến 60 triệu đồng, sau đó được đối tượng môi giới dẫn qua đường mòn sang bên kia biên giới. Sau một thời gian sinh sống, nhiều trường hợp gọi điện đến Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cầu cứu. Nhìn chung, các cơ quan chức năng phía bạn đã phối hợp, trao đổi kịp thời thông tin về những trường hợp liên quan đến mua bán người. Bên cạnh đó, Đại sứ quán Việt Nam tại hai nước Lào, Cam-pu-chia cũng đã chủ động thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, nhất là nạn nhân bị mua bán. Tăng cường hỗ trợ các cơ quan chức năng trong nước hợp tác với các cơ quan chức năng nước bạn nhằm kịp thời điều tra các vụ án, triệt phá các đường dây mua bán người; phát hiện, giải cứu, hồi hương nạn nhân bị mua bán. Trong năm 2017, Đại sứ quán Việt Nam tại Cam-pu-chia đã tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ và đưa về nước an toàn ba nạn nhân của nạn mua bán người.
Cần sự chung tay
Thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguyên nhân phát sinh như: Lợi dụng tình trạng đưa người di cư trái phép, thiếu lao động phổ thông, mất cân bằng giới tính; lợi dụng công nghệ thông tin tuyển dụng lao động xuất khẩu trái phép; thiếu việc làm, đói nghèo; lợi dụng sơ hở trong quản lý nhà nước..., dẫn tới sự gia tăng tội phạm mua bán người. Bên cạnh đó, sự nhẹ dạ, cả tin của người dân, trong đó phần lớn là phụ nữ, trẻ em là cơ sở chính để bọn tội phạm mua bán người lợi dụng. Do vậy, thời gian tới, cần đẩy mạnh vai trò của truyền thông nhằm lật tẩy các chiêu thức, thủ đoạn của loại tội phạm này trên các phương tiện thông tin đại chúng, để người dân tự trang bị kiến thức phòng tránh. Việc kết nối chặt chẽ, thông suốt giữa các cơ quan chức năng, tổ chức liên quan với báo chí thường xuyên sẽ có một bức tranh tổng thể mọi mặt về vấn nạn mua bán người, góp phần đưa tiếng nói đến Chính phủ, các cơ quan hữu quan, cộng đồng. Từ đó kêu gọi cả hệ thống chính trị chung tay nhằm ngăn ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này.
Các cơ quan chức năng cần kịp thời đề ra các kế hoạch, biện pháp chỉ đạo nghiệp vụ, tập trung lực lượng điều tra khám phá, triệt xóa các đường dây tội phạm mua bán người hoạt động xuyên quốc gia. Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, chú trọng trao đổi thông tin để đấu tranh với tội phạm mua bán người, giải cứu và hồi hương nạn nhân bị mua bán. Để công tác xác minh, xác định và tiếp nhận nạn nhân được nhanh chóng và hiệu quả, cần xây dựng, thống nhất với các nước có nhiều nạn nhân bị mua bán về tiêu chí xác định nạn nhân, cơ chế phối hợp trong việc trao đổi thông tin, hồi hương nạn nhân. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã ký, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của các nước đối tác. Tăng cường nâng cao năng lực, tổ chức tập huấn, đào tạo về pháp luật, kỹ năng phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người cho các lực lượng trực tiếp làm trong lĩnh vực này. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người, lựa chọn các vụ án điểm tập trung đưa ra xét xử lưu động để phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng phòng, chống và răn đe tội phạm.
Một vấn đề cần quan tâm hiện nay đó là việc nạn nhân mua bán trở về với gia đình sẽ được quan tâm như thế nào để vượt qua sự mặc cảm, kỳ thị của cộng đồng. Đề cập vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Văn Thanh, Phó Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp, Cục Phòng, chống ma túy (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) cho rằng, các chính sách hỗ trợ phụ nữ bị mua bán trở về chưa được quan tâm đúng mức. Việc tuyên truyền xóa bỏ định kiến, sự kỳ thị của cộng đồng còn hạn chế, khiến nạn nhân trở về địa phương bị xa lánh. Chính sự kỳ thị này dễ làm nạn nhân bị tổn thương, dễ bị mua bán trở lại. Do vậy, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền xóa bỏ định kiến, tạo cơ chế chính sách giúp đỡ nạn nhân, tạo công ăn việc làm tái hòa nhập bền vững.
Thực tế cho thấy, việc phòng, chống mua bán người không chỉ trông chờ vào Chính phủ, các tổ chức, cá nhân cần nhận thức vai trò, trách nhiệm của mình, trong đó các tổ chức hội phụ nữ, đoàn thanh niên là then chốt. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ: Do đặc điểm phần lớn nạn nhân bị mua bán là phụ nữ và trẻ em gái, vì vậy trong nhiều năm qua, các cấp Hội Phụ nữ đã triển khai nhiều hoạt động, mô hình truyền thông về phòng, chống mua bán người tại cộng đồng như: truyền thông phiên chợ, sinh hoạt câu lạc bộ, tổ nhóm... Từ những mô hình này, Hội Phụ nữ các cấp đã nhân rộng tại nhiều địa bàn, tạo hiệu quả thiết thực và sâu rộng trên khắp địa bàn trọng điểm. Đồng thời, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cam kết và mong muốn thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành, phối hợp của các ngành chức năng trong các hoạt động: Hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các thủ tục đi lao động ở nước ngoài, các thủ tục và điều kiện vay hỗ trợ lao động nước ngoài, các thủ tục pháp lý khi kết hôn với người nước ngoài, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, những rủi ro trong và sau quá trình đi lao động, những biện pháp để bảo vệ bản thân khỏi bị mua bán khi đi lao động.
Theo Phúc Quân/ nhandan.com.vn