Cập nhật: 10/10/2018 13:55:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tối 9-10, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, Hội gốm sứ Bát Tràng phối hợp với Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức trưng bày “Sắc gốm Bát Tràng trong lòng Hà Nội”, hội tụ các tác phẩm của 10 nghệ nhân với những phong cách gốm đa dạng, đặc sắc.

Sản phẩm gốm Bát Tràng.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cho biết: “Buổi trưng bày này được tổ chức với mong muốn công chúng có thể chiêm ngưỡng và cảm nhận tinh hoa của làng gốm Bát Tràng. Những sản phẩm ở đây đã ghi dấu ấn cả trong và ngoài nước, chuyển tải một hình ảnh Hà Nội giàu bản sắc đến với du khách thăm Văn Miếu”.

Mọi khâu sản xuất một sản phẩm gốm cao cấp đều đòi hỏi tài năng và sáng tạo: Chọn nguồn đất phù hợp với ý tưởng, tạo các loại men từ nhiều chất liệu, sáng tạo kiểu dáng và hoa văn, cải tiến lò và kỹ thuật nung… Gốm Bát Tràng với sự tinh mỹ được tạo ra từ kinh nghiệm lưu truyền nhiều đời, với phương pháp gia công tinh xảo, với kỹ năng điêu luyện và sự sáng tạo đầy tính nghệ thuật của các nghệ nhân đã kết tinh và kết nối các giá trị văn hóa Hà Nội, giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.

Trưng bày “Sắc gốm Bát Tràng trong lòng Hà Nội” giới thiệu 150 sản phẩm tinh hoa của 10 nghệ nhân, với những dòng sản phẩm đã nổi tiếng từ lâu: Nghệ nhân Trần Độ với dòng gốm men rạn hoa nâu, lục bảo và hoàng lưu ly; Nghệ nhân Vũ Cường với men rạn, đắp nổi; Nghệ nhân Lê Văn Khánh với dòng gốm men chàm lam; Nghệ nhân Trần Văn Khánh sở trường ở dòng men rạn và ám họa; Nghệ nhân Hà Văn Long với gốm men lam trắng; Nghệ nhân Phạm Đạt với dòng men rạn đàn; Nghệ nhân Đổ Tùng Mậu nổi tiếng với dòng gốm men son đỏ; Nghệ nhân Phạm Thế Anh với men gốm hồng sa; Nghệ nhân Trần Nam Tước với dòng men đa sắc; Nghệ nhân Nguyễn Danh Tú với dòng gốm thấu quang.

Trưng bày “Sắc gốm Bát Tràng trong lòng Hà Nội” không chỉ thể hiện tài năng sáng tạo của các nghệ nhân, mà còn thể hiện sự phát triển của làng nghề Bát Tràng, hướng tới xây dựng, phát triển làng nghề bền vững gắn với du lịch, mở ra những cơ hội mới cho nghề gốm sứ truyền thống đến với du khách thăm Hà Nội lịch sử và văn hiến. Trưng bày sẽ kéo dài từ ngày 9 đến 22-10, tại Nhà Thái học thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Một số sản phẩm tại buổi trưng bày:

NGỮ THIÊN

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm