Cập nhật: 10/10/2018 16:16:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo lời giới thiệu của ông Bùi Quang Sơn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lương (Thái Nguyên), chúng tôi đến thăm nghệ nhân ưu tú Hầu Văn Đạo người chuyên chế tác và trình diễn kèn Pó lè của đồng bào Sán Chay ở xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh (Phú Lương).

Nghệ nhân Hầu Văn Đạo và học trò Bế Văn Tiến bên chiếc kèn cổ của đồng bào Sán Chay.

1/ Ông Đạo trầm ngâm bên ấm nước chè cạnh ô cửa sổ nhỏ nhà sàn. Đã hơn hai năm nay, căn bệnh gút khiến nghệ nhân bị trói buộc trong căn nhà nhỏ. Đôi mắt ông đã đục mờ, đôi chân sưng tấy, mỗi lần bước đi run run như sắp ngã. Vậy nhưng, căn bệnh không trói buộc được tiếng kèn Pó lè đã gắn bó với ông hơn 70 năm qua.

Khi nói về tiếng kèn Pó lè, nghệ nhân Hầu Văn Đạo trở nên minh mẫn khác thường. Xoay chiếc kèn Pó lè trong tay, ông chỉ rõ cho chúng tôi về đặc điểm của loại nhạc cụ độc đáo. Người Sán Chay sử dụng gỗ mít để chế tác chiếc kèn Pó lè. Miệng kèn có phần lưỡi gà bằng thanh đồng mỏng để tạo âm thanh khi thổi… Điều đặc biệt là chiếc loa kèn Pó lè cũng được làm bằng gỗ được đục, cán cẩn thận. Nhìn từ xa, chiếc kèn như một khối liền được tạo tác tinh xảo.

Nghệ nhân Hầu Văn Đạo nhớ, ngay từ nhỏ ông và các bạn của mình đã bị cuốn hút theo những âm thanh réo rắt, vang rền của tiếng kèn cổ trong những ngày lễ của bản làng. Lễ hội diễn ra từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, mới đây là lễ cúng thổ công, thổ kỳ; rồi đến mở cửa rừng; kế đến là lễ mừng cơm mới. Có lễ hội là có hát Sấng Cọ, múa Tắc Xình và có tiếng kèn Pó lè ngân vang qua các bản làng.

Vì kèn Pó lè chỉ được sử dụng trong những nghi lễ đặc biệt nên việc sử dụng kèn cũng được đồng bào Sán Chay quy định nghiêm ngặt. Nghệ nhân Hầu Văn Đạo nhớ lại: “Trước đây, theo quan niệm của đồng bào Sán Chay, không ai được chế tác và tập luyện kèn Pó lè công khai cả. Đó là điều cấm kỵ vì sợ mang đến điềm không tốt cho bản làng. Vì thế, trừ dịp cúng lễ và ngày có đám tang, còn lại, tôi phải theo các nghệ nhân vào sâu trong rừng để luyện tập”. Thổi kèn Pó lè quan trọng nhất là kỹ thuật lấy hơi, điều khí. Nghệ nhân sử dụng thành thạo chiếc kèn có thể thổi hàng giờ mà sắc mặt không biến đổi. Có kỹ thuật lấy hơi rồi, các nghệ nhân lại truyền cho ông Hầu Văn Đạo kỹ thuật khó hơn như rung hơi, vuốt hơi, phối hợp các ngón bấm, vuốt, vỗ để tạo ra những thanh âm có lúc thì réo rắt, dồn dập, có lúc thì bay bổng, da diết phù hợp với khung cảnh của nghi lễ. Cũng từ đó, ông được mời tham gia thổi kèn Pó lè tại các dịp quan trọng của đồng bào Sán Chay trong vùng.

2/ Năm 1968, kèn Pó lè là một phần không thể thiếu trong chiếc balo của nghệ nhân Hầu Văn Đạo khi ông tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc. Cùng đồng đội vào nam chiến đấu, tham gia lực lượng đặc công, ông theo sát từng chiến dịch từ An Giang đến Cà Mau. Để bảo đảm công tác bí mật trong chiến đấu, nghệ nhân phải gửi lại chiếc kèn tại nhà một người dân. Nhiều lúc hành quân, nhìn lên trời sao, ông lại nhớ da diết kèn Pó lè với thanh âm réo rắt của cội nguồn dân tộc Sán Chay.

Hòa bình lập lại, năm 1976, nghệ nhân Hầu Văn Đạo xuất ngũ về quê. Người con của xóm Đồng Tâm tiếp tục thổi những giai điệu da diết của kèn Pó lè phục vụ nghi lễ truyền thống. Năm 1998, nhận được sự giúp đỡ của ông Bùi Quang Sơn, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Phú Lương, người dân xóm Đồng Tâm đã khôi phục bản sắc văn hóa dân tộc trong đó có hát Sấng Cọ và múa Tắc Xình. Nghệ nhân Hầu Văn Đạo cùng nhiều nghệ nhận khác đã thành lập đội văn nghệ xóm Đồng Tâm để phục dựng điệu múa cổ của dân tộc Sán Chay. Qua thời gian miệt mài khôi phục vốn cổ, năm 2014, điệu múa Tắc Xình đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tiếng kèn Pó lè của nghệ nhân Hầu Văn Đạo đã cùng điệu múa vang lên khắp các hội diễn cấp tỉnh và quốc gia.

Tiếng kèn Pó lè đã vượt qua những triền núi Cắm Mốc, núi Cao, núi Đình đến khắp mọi nơi trên đất nước giúp nhiều người hiểu hơn về các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Sán Chay. Dù vậy, theo nghệ nhân Hầu Văn Đạo, ngày nay những đứa trẻ ở xóm Đồng Tâm không biết thổi kèn Pó lè, cũng không còn thích nghe nhạc điệu của đồng bào mình như trước. Nghệ nhân Hầu Văn Đạo đã gần tuổi 80, học trò là ông Bế Văn Tiến năm nay cũng gần 60 tuổi. Rồi ai sẽ tiếp nối con đường lưu giữ âm thanh tiếng kèn Pó lè cổ xưa của bà con Sán Chay ở Đồng Tâm?

Theo ĐỨC HÀ, ĐÀO HIỆP/ nhandan.com.vn

Tệp đính kèm