Cập nhật: 11/10/2018 14:06:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mặc dù các thị trường mới nổi ở châu Á có phần ảm đạm nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn được coi là một điểm sáng, theo đánh giá của VOA News.

Hồi đầu năm nay, Warburg Pincus - một trong những quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới - vừa rót vốn thêm vào lĩnh vực ngân hàng và kho vận (logistics) tại Việt Nam, nâng tổng số vốn đầu tư tại đây lên tới hơn 1 tỷ USD.

Các hãng ô tô như JAC Motors của Trung Quốc, Kamaz của Nga gần đây cũng trở lại Việt Nam, song hành cùng các nhà đầu tư quốc tế khác, trong đó phải kể đến hãng vận tải Gojek của nước láng giếng Indonesia và hãng viễn thông Ooredoo của quốc gia Trung Đông Qatar.

Mặc dù các thị trường mới nổi ở châu Á có phần ảm đạm do tác động từ cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, nền kinh tế Việt Nam vẫn được coi là một điểm sáng, theo đánh giá của trang VOA News.

Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. (Ảnh minh họa: VOA)

Sự ổn định chính là chìa khóa

VOA News nhận định, sự ổn định về chính trị dẫn đến sự ổn định về kinh tế tại Việt Nam. Tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo có thể đạt mức 7% trong năm nay. Tiền tệ và lạm phát đang ở mức ổn định. Tăng trưởng trong xuất khẩu, chế tạo, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đang tăng trưởng tốt cùng với nhiều chỉ số khác. Rõ ràng, Việt Nam nổi lên là điểm đầu tư kinh doanh hấp dẫn trong khu vực Đông Nam Á.

"Việt Nam rất có thể sẽ duy trì được mức tăng trưởng cao nhất khối ASEAN trong năm 2018 và 2019, như đã từng đạt được hồi năm ngoái", chuyên gia kinh tế châu Á Chidu Narayanan của Ngân hàng Standard Chartered nhận định.

Chuyên gia Chidu Narayanan cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tích cực trong trung hạn nhờ sản xuất tăng trưởng tốt bởi dòng vốn FDI vẫn đang chảy mạnh vào lĩnh vực này.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế của Standard Chartered, sự ổn định về chính trị ở Việt Nam chính là một trong những yếu tố hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam được tham gia vào một thị trường tự do dưới sự quản lý của Nhà nước.

Lực đẩy từ các FTA

Chiến lược kinh tế của Việt Nam được thấy rõ qua các hiệp định thương mại ký kết với các nước. Thông qua ASEAN, Vietnam ký kết hợp tác với nhiều đối tác như Australia, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Việt Nam cũng tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, và nhiều hiệp định quan trọng khác, trong đó có FTA với Nga và Liên minh Châu Âu (EU).

Ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp châu Âu rất tin tưởng vào môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Hiệp định thương mại EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai bên. Đây là tín hiệu vui cho các thành viên của EuroCham cũng như là nhân tố thúc đẩy Chính phủ Việt Nam tiếp tục mở cửa thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Dòng vốn đầu tư tiếp tục chảy vào Việt Nam. (Ảnh minh họa: VOA)

Một yếu tố nữa củng cố niềm tin của các doanh nghiệp ngoại đó là thị trường tiêu dùng Việt Nam. Chỉ số về niềm tin người tiêu dùng tại Việt Nam cao hơn các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Singapore, theo nghiên cứu thị trường cảu hãng Nielsen công bố hồi tháng 3 vừa qua.

Người tiêu dùng Việt Nam có thu nhập ngày càng cải thiện và nhu cầu mua sắm gia tăng, điều này sẽ hút các nhãn hàng trên nhiều lĩnh vực, nghiên cứu của Nielsen cho hay.

Minh chứng là sự hiện diện của các hãng bán lẻ thời trang quốc tế như Zara, hay kế hoạch mở đại lý quỷ quyền chính thức của Apple tại Việt Nam./.

Theo Trần Ngọc/VOV.VN

 

Tệp đính kèm