Ngày 11.10, tại TP.HCM, Hội Hướng dẫn viên Du lịch Việt Nam đã tổ chức họp báo “Xếp hạng hướng dẫn viên du lịch Việt Nam” nhằm thông tin đến các doanh nghiệp lữ hành, đơn vị truyền thông… các tiêu chí và nội dung liên quan đến việc thí điểm xếp hạng hướng dẫn viên (HDV) du lịch.
Thông tin về nội dung xếp hạng HDV, ông Bùi Văn Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Hướng dẫn viên Du lịch Việt Nam cho biết, việc xếp hạng được thực hiện thông qua đánh giá, cho điểm ba tiêu chí chính, gồm năng lực (chiếm 20% điểm), kiến thức (50% điểm) và kỹ năng (30% điểm). Trong từng tiêu chí có nhiều nội dung liên quan đến việc đánh giá trình độ, nghiệp vụ, kinh nghiệm và kỹ năng… của HDV. Ông Dũng cho biết thêm, đây là dự án được thực hiện với sự tài trợ của Liên minh Châu Âu. Theo đó, các tiêu chí thẩm định xếp hạng HDV được xây dựng có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, các đơn vị đào tạo và doanh nghiệp lữ hành. Đến nay đã xây dựng xong bộ tiêu chí cũng như quy chế thực hiện. Hội viên tham gia thẩm định xếp hạng không phải đóng bất cứ khoản phí nào và hoàn toàn tự nguyện.
Theo đó, từ ngày 22-24.10, việc thẩm định xếp hạng HDV sẽ chính thức triển khai thí điểm đầu tiên tại TP.HCM. Ông Phan Bửu Toàn, Chủ tịch Chi hội HDV Du lịch TP.HCM cho biết, hiện đã có 43 thẩm định viên được tập huấn về công tác thẩm định và xếp hạng. Đó là những nhà giáo chuyên ngành, các cựu HDV và quản lý HDV có uy tín. Chi hội cũng công khai danh sách các thẩm định viên để đảm bảo tính minh bạch. Dự kiến trong kỳ xếp hạng đầu tiên, TP. HCM sẽ thẩm định cho khoảng 60 HDV trong tổng số hơn 200 hội viên của Chi hội.
Giới thiệu tiêu chí xếp hạng HDV du lịch
Sau TP. HCM, chương trình thẩm định và xếp hạng HDV cũng được triển khai tại Hà Nội và các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Lao Cai. Ông Dũng chia sẻ, giai đoạn thí điểm đặt mục tiêu thẩm định và xếp hạng cho khoảng 600 HDV trên cả nước. Thống kê của Hội HDV Du lịch Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có trên 23.000 HDV nội địa, quốc tế và tại điểm. Thế nhưng chỉ có 5% trong số này được các doanh nghiệp ký hợp đồng, trả lương và đóng bảo hiểm xã hội. Còn lại 95% HDV hoạt động tự do, không tham gia bảo hiểm xã hội… Điều này dễ dẫn đến những rủi ro và thiệt thòi cho HDV khi hết tuổi lao động.
Xếp hạng để nâng chất lượng HDV du lịch
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, thực tế việc xếp hạng HDV đã được nhiều nước trong khu vực và thế giới thực hiện. Trong nước, một số đơn vị lữ hành lớn cũng tổ chức xếp hạng HDV, tuy nhiên chỉ trong phạm vi nội bộ. Trong khi đó, trình độ của HDV trong nước được đánh giá không thua kém so với các nước khu vực và quốc tế. Vì vậy, việc xếp hạng HDV trong xu thế hội nhập là cần thiết nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ HDV nước nhà, xác lập lại đẳng cấp cho HDV, tạo thuận lợi cho các đơn vị lữ hành ký kết hợp đồng hướng dẫn… Trong quá trình thí điểm sẽ điều chỉnh, cập nhật và bổ sung nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí thẩm định, xếp hạng HDV. Qua đó, đưa hoạt động quản lý HDV đi vào nề nếp.
Theo H. Hải/baovanhoa.com.vn