Nấm không chỉ có mặt trong các truyền thuyết ở khắp các nước châu Á từ hàng nghìn năm qua, những kết quả phân tích và thử nghiệm trên cơ sở khoa học hiện đại của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều phát hiện thấy nấm là loại thực phẩm và dược liệu chứa nhiều hoạt chất “lợi hại”, có thể giúp hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa ung thư từ xa.
Liệu pháp 4T: Hỗ trợ và phòng ngừa ung thư
Bị xem là bệnh mãn tính, ung thư từ lâu đã thu hút rất nhiều tâm sức nghiên cứu của giới khoa học trên toàn cầu. Cùng với công trình vừa giành giải Nobel Y học 2018 của 2 nhà khoa học từ Hoa Kỳ và Nhật Bản (phát hiện ra loại protein “tự phanh” hệ miễn dịch của cơ thể, đồng thời tìm ra cách thức kích hoạt “bộ máy” miễn dịch “chạy hết công suất” trở lại), các thầy thuốc ở nhiều nước Á Đông nói chung cũng như Việt Nam nói riêng cũng đã tích cực phối hợp thêm nhiều kiến thức y học cổ truyền nhằm hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa căn bệnh này.
Được biết đến từ hàng chục năm qua như một trong những chùm giải pháp giúp hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh tật, mới đây, liệu pháp 4T của Viện Y dược học TPHCM một lần nữa đã được tổng kết như một lối ra khả dĩ có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư, cũng như giúp phòng bệnh từ xa.
Theo Ths. Bác sĩ Quan Vân Hùng, nguyên Trưởng Khoa Ung thư Viện Y dược học Dân tộc TPHCM, đây là sự kết hợp giữa 3 liệu pháp cổ truyền với tây y. Trong đó, T1 là “tinh thần, tâm lý” - tức luôn giữ thái độ sống tích cực, vị tha, lạc quan, tránh xa stress; T2 là “thực phẩm” - tức bảo đảm nguồn dinh dưỡng an toàn, đa dạng và cân bằng cho cơ thể; T3 là “tập dưỡng sinh” - tức thể dục thể thao và vận động đều đặn (phơi nắng, yoga, đi bộ…) và T4 là “thuốc” - tức các phương pháp điều trị tây y (phẫu thuật, hóa-xạ trị…).
Theo nhận định của bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Văn Năm (nguyên Phó Viện trưởng Viện Y dược học Dân tộc TPHCM), “nếu kết hợp được đông y trong quá trình trị liệu của tây y thì hiệu quả với hỗ trợ điều trị ung thư sẽ cao hơn”.
Các trường hợp thoát khỏi bệnh ung thư ở những giai đoạn cuối một cách kỳ diệu mà nhà nghiên cứu này theo dõi nhiều năm qua cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa sự cải thiện sức khỏe người bệnh với những giải pháp y học cổ truyền được áp dụng. Trong đó, mẫu số chung trong cuộc sống của những bệnh nhân này là sử dụng thực phẩm lành mạnh, tức không ăn thịt bò - thịt heo, bơ, sữa, thức uống có cồn, thức ăn chế biến sẵn; tăng cường ăn cá đồng, rau củ, trái cây. Đồng thời, đây cũng là các trường hợp rất kiên trì và đều đặn sử dụng phối hợp các dược liệu đông y cùng lúc như nấm lim xanh, nấm linh chi đỏ…
Từ kinh nghiệm hàng nghìn năm
Theo các nghiên cứu được thông tin tại Hội thảo về sử dụng thảo dược mới diễn ra tại TPHCM cuối tuần qua, phòng-chữa bệnh nói chung, cũng như phòng-chữa bệnh ung thư nói riêng theo y học cổ truyền sẽ khó thành công nếu chỉ đơn giản dựa vào một vị thuốc duy nhất. Theo đó, nên chọn dùng thêm các loại dược liệu tăng cường điều hòa miễn dịch như nấm linh chi đỏ, vàng, nấm thượng hoàng, nấm lim xanh, đông trùng hạ thảo, nhân sâm, đinh lăng, nghệ, bạch hoa xà thiệt thảo, bán chi liên, kim ngân hoa, cỏ mực, rễ tranh...
Đáng chú ý, nấm không chỉ có mặt trong các truyền thuyết ở khắp các nước châu Á từ hàng nghìn năm qua, những kết quả phân tích và thử nghiệm trên cơ sở khoa học hiện đại của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều phát hiện thấy nấm là loại thực phẩm và dược liệu chứa nhiều hoạt chất “lợi hại”, có thể giúp hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa ung thư từ xa.
Đó có thể là các loại nấm thường thấy trong bữa ăn hằng ngày như nấm rơm, nấm đông cô, nấm bào ngư, nấm mèo, nấm cẩm thạch - linh chi trắng, linh chi nâu, nấm sữa, ngân nhĩ, nấm kim châm, nấm trà tân, nấm maitake… Hoặc các loại nấm được xem là dược liệu như linh chi, đông trùng hạ thảo, phục linh, vân chi. Bộ Y tế Nhật Bản cũng thừa nhận linh chi như một loại dược liệu hỗ trợ điều trị ung thư. Dược điển Trung Quốc còn ghi rõ “linh chi có tác dụng chống ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, ung thư gan”.
Hiện không quá khó để tìm kiếm một số loại nấm dược liệu ở Việt Nam vì có khá nhiều loại mọc hoang cũng như được nuôi trồng tự phát trong môi trường hoang dã. Tuy nhiên, người sử dụng nên thận trọng bởi khó loại trừ khả năng nấm bị tấn công bởi các loại sâu mọt hay vi sinh vật nguy hiểm. Trong trường hợp này, khuyến cáo của các thầy thuốc y học dân tộc là hãy tìm tới những loại nấm được nuôi cấy tại các quy trình sản xuất nghiêm ngặt với công nghệ hiện đại để có kiểm soát hết mọi rủi ro. Với nấm thực phẩm, người sử dụng cũng không nên ăn hằng ngày hoặc ăn quá nhiều cùng lúc, đặc biệt là với người đang đau ốm.
Theo dự báo của Bộ Y tế, đến năm 2020, số ca mắc ung thư tại Việt Nam hằng năm có thể lên tới 200.000 người. Trong đó, 80% nguyên nhân đến từ môi trường ô nhiễm, thuốc lá, thực phẩm - nguồn nước thiếu an toàn, bệnh nghề nghiệp và 20% còn lại do các yếu tố tự thân (lớn tuổi, bất thường về gen, giới tính…).
Theo Phương Hiền/Chinhphu.vn