Cập nhật: 22/10/2018 10:47:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Xây dựng kế hoạch tổng thể đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức với phương châm “bóp chết từ trong trứng”, kiên quyết không để tội phạm hoạt động lộng hành theo kiểu “xã hội đen”; cán bộ, chiến sĩ  phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý chí tấn công tội phạm, kiên quyết chống “bảo kê”, xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, tinh nhuệ,…

Bộ Công an vừa tổ chức Hội nghị tổng kết Kế hoạch số 03/KH-BCA về đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức (TPCTC); triển khai Đề án 2 về phòng, chống các loại TPCTC, tội phạm xuyên quốc gia. Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ nhiệm Đề án dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Ngày 6/01/2014, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 03 về đấu tranh phòng, chống TPCTC; đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết tình hình TPCTC (gọi tắt là Ban Chỉ đạo Kế hoạch 03) do đồng chí Thứ trưởng Lê Quý Vương làm Trưởng ban.

Ngày 14/11/2017, Bộ trưởng Bộ Công an đã phê duyệt Đề án “Phòng, chống các loại TPCTC, tội phạm xuyên quốc gia” (gọi tắt là Đề án 2) thuộc Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ. Ngày 30/01/2018, Bộ Công an ban hành Quyết định số 02 về việc thành lập Ban Chủ nhiệm Đề án 2.

Theo Cổng TTĐT Bộ Công an, trong giai đoạn 5 năm thực hiện Kế hoạch số 03, toàn quốc xảy ra 264.611 vụ phạm pháp hình sự. Lực lượng công an đã điều tra khám phá 205.187 vụ, bắt xử lý 400.218 đối tượng; triệt phá 11.767 băng nhóm, 56.355 đối tượng. Trong đó, số băng nhóm thuộc diện đã được rà soát, lập danh sách quản lý, đấu tranh làm tan rã 2.109 băng nhóm, đạt tỷ lệ khá cao (73,6%).

5 năm qua lực lượng Cảnh sát hình sự đã đấu tranh, triệt phá 11.767 băng nhóm với 55.355 đối tượng, trong đó có những băng nhóm lưu manh, côn đồ, hình sự cộm cán, có dáng dấp hoạt động theo kiểu “xã hội đen” và băng nhóm hoạt động tinh vi, “núp bóng”… qua đó góp phần rất quan trọng kiềm chế, làm giảm sự gia tăng phức tạp của tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Công an một số địa phương đã tích cực, chủ động thực hiện những kế hoạch, chuyên đề đấu tranh tội phạm mang tính đón đầu, phù hợp với đặc thù tính chất tội phạm điển hình trên địa bàn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Tây Ninh với các chuyên đề như TPCTC núp bóng doanh nghiệp, tội phạm “tín dụng đen”, tội phạm lưu động, các đối tượng hình sự dùng thủ đoạn làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần; trộm cắp liên tỉnh tại các công sở… Trên cơ sở kết quả tích cực của những kế hoạch này, Ban Chủ nhiệm Đề án 2 đã nghiên cứu, tiếp thu và đề xuất lãnh đạo Bộ có những kế hoạch triển khai trên phạm vi toàn quốc, góp phần chủ động phòng ngừa tội phạm.

Mục tiêu cụ thể của Đề án 2 là chủ động nắm tình hình, rà soát, phát hiện, lập hồ sơ các băng nhóm đang có biểu hiện hoạt động phạm tội, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, khám phá, vô hiệu hóa, làm tan rã. Kiên quyết không để hình thành, tồn tại các băng nhóm tội phạm mà không bị phát hiện, triệt phá. Tập trung tấn công, trấn áp, vô hiệu hóa các băng nhóm tội phạm, phấn đấu giảm tỷ lệ phạm pháp hình sự xuống từ 3% đến 5% so với giai đoạn trước khi triển khai Đề án. Nâng tỷ lệ điều tra, triệt phá, vô hiệu hóa, làm tan rã các băng nhóm tội phạm từ 10% đến 15%; đảm bảo tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án do các băng nhóm gây ra đạt từ 75% trở lên, trọng án do các băng nhóm gây ra đạt từ 90% trở lên. Chủ động phát hiện và ngăn chặn từ xa sự xâm nhập của các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia vào Việt Nam hoạt động phạm tội, nhất là tội phạm về ma túy, tội pham sử dụng công nghệ cao, khủng bố, rửa tiền và các tổ chức tội phạm quốc tế.

 

Ban Chủ nhiệm Đề án 2 ở cơ quan Bộ ra mắt.

Sau khi nghe các ý kiến tham luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quý Vương yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương và những đơn vị liên quan phải xây dựng phương án, kế hoạch tổng thể đấu tranh phòng, chống TPCTC theo Đề án 2 của Bộ với phương châm “bóp chết từ trong trứng”, kiên quyết không để tội phạm hoạt động lộng hành theo kiểu “xã hội đen”; định kỳ 6 tháng, 1 năm bổ sung, điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp.

Căn cứ nội dung, yêu cầu của Đề án 2, Công an các đơn vị, địa phương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huy động hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia phòng, chống tội phạm; triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, vận động quần chúng, kết hợp thực hiện hiệu quả các Đề án xây dựng xã, phường, thị trấn không có ma túy, chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội, Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm.

Lực lượng Cảnh sát hình sự luôn phải là lực lượng chủ công trong phòng, chống TPCTC; xây dựng cơ chế, quy định về phân công, phối hợp lực lượng và phân cấp cho các đơn vị ở Bộ, ở tỉnh và cấp huyện quản lý, đấu tranh, triệt phá từng băng nhóm đã phân loại hoặc theo tội danh, hệ đối tượng.

Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trong Đề án 2 cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý chí tấn công tội phạm, kiên quyết chống “bảo kê”, xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, tinh nhuệ, đủ sức đấu tranh với tội phạm nói chung và TPCTC nói riêng.

Tăng cường sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng trong Đề án 2 như Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng… cũng như hợp tác quốc tế, để học hỏi, trao đổi nâng cao nghiệp vụ; phối hợp bắt giữ các đối tượng phạm tội, truy nã trốn ra nước ngoài và thực hiện tương trợ tư pháp hình sự; nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài trong phòng, chống TPCTC; ngăn chặn từ xa các loại tội phạm có thể xâm nhập vào Việt Nam hoạt động.

Thứ trưởng tin tưởng với tinh thần trách nhiệm cao và sự đoàn kết, phối hợp giữa các lực lượng chức năng, Công an các đơn vị, địa phương sẽ thực hiện thắng lợi Đề án 2 và lập nhiều chiến công, thành tích trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn, xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật… 

Theo Chinhphu.vn

 

 

Tệp đính kèm