Bộ Thông tin và Truyền thông vừa phát hành bộ tem “Bảo vật quốc gia Việt Nam (bộ 1): Đồ đồng”, bao gồm bốn mẫu do họa sĩ Trần Thế Vinh thiết kế. Bộ tem có kích thước hình vuông 37 mm x 37 mm với bốn mẫu giá mặt: 3.000 đồng, 4.000 đồng, 6.000 đồng và 8.000 đồng.
Bộ tem Bảo vật quốc gia: Thạp đồng Hợp Minh do họa sĩ Trần Thế Vinh thiết kế.
Mẫu tem thứ nhất là Bảo vật quốc gia “Bộ khóa đai lưng bằng đồng” hiện trưng bày ở Khu di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ. Đây là hiện vật được khai quật tại di chỉ khảo cổ học Làng Cả, phường Thọ Sơn, TP Việt Trì (Phú Thọ) năm 1976, có niên đại thời kỳ văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2.300 đến 2.500 năm. Bộ khóa đai lưng bằng chất liệu đồng thau, mầu xanh xám, bao gồm bốn cặp rùa (tám con) được móc lại với nhau, có hai bộ phận cấu tạo gần giống nhau về hình dáng, song ở phần đầu của mỗi bộ phận lại khác nhau, một bên có hai vòng tròn kín, một bên có móc hở để móc vào vòng tròn kia. Mỗi bộ phận dài 12,5 cm, rộng 5,8 cm. Hai bộ phận móc vào nhau tạo thành bộ khóa đai lưng đẹp và độc đáo.
Mẫu tem thứ hai là Bảo vật quốc gia “Thạp đồng Hợp Minh” trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Yên Bái, có niên đại từ 2.000 năm đến 2.500 năm, được tìm thấy tại địa bàn xã Hợp Minh thuộc TP Yên Bái. Thạp đồng có dáng hình trụ thân hơi phình ra, đáy hơi thon vào, thân có dáng hơi thẳng, cân đối, có hai quai hình chữ “U” ngược. Thạp đồng Hợp Minh được trang trí vào loại đẹp nhất so với gần 40 chiếc thạp hiện đang được lưu giữ bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái. Những đề tài trang trí trên nắp thạp được tạo khum thành gò nổi cao, chính giữa là mặt trời 19 tia, tia ngắn xen giữa các tia là hoa văn lông chim dạng lông công, ngoài là các đường vạch ngắn song song hướng về tâm, tiếp theo là năm vòng hoa văn, mép nắp thạp có bốn tượng chim quay theo bốn hướng khác nhau. Thân thạp có hình khắc, phía trên cùng là hình chim bồ nông đứng nối đuôi nhau, phía dưới cùng là đàn hươu nối đuôi nhau, ở giữa là hai băng thể hiện hoạt động của con người.
Mẫu tem thứ ba là Bảo vật quốc gia “Kiếm ngắn Núi Nưa” đang bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa. Kiếm có niên đại văn hóa Đông Sơn muộn, cách ngày nay khoảng 2.000 năm, sưu tầm được dưới chân Núi Nưa, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) năm 1961. Kiếm có kiểu chuôi và lưỡi hình lá tre mang đặc trưng phong cách sông Mã, bao gồm phần lưỡi hình lá tre, mỏng, có hai rìa sắc, nhọn, chắn tay hình sừng trâu và phần cán là khối tượng tròn thể hiện người phụ nữ được đúc liền với lưỡi kiếm. Hình người phụ nữ trang trí cán kiếm có dáng đứng nhìn thẳng, đầu vấn khăn hình chóp giống hình búp hoa sen, mang vẻ đẹp quyền quý với hai tay khuỳnh chống nạnh đầy uy quyền và bản lĩnh.
Mẫu tem thứ tư là Bảo vật quốc gia “Cây đèn đồng hình người quỳ” trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Hà Nội, có niên đại thời kỳ hậu văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay 1.700 năm đến 2.000 năm. Cây đèn có hình tượng một người đàn ông mình trần, đóng khố, tư thế đang quỳ, hai tay nâng đĩa đèn. Tượng có khuôn mặt bầu, mắt mở to, miệng hơi mỉm cười. Đầu tượng được gắn vương miện, tóc để chỏm. Hai vai và sau tượng gắn ba chữ S, mỗi chữ S đỡ một đĩa đèn và gắn một hình người đang quỳ. Trên hai đùi và đằng sau người đàn ông có bốn nhạc công cũng ở tư thế quỳ, hai nhạc công đang thổi sáo. Cánh tay, cổ tay có đeo trang sức, tai đeo hoa tai hình khuyên to tròn. Trên vai và quanh bụng được trang trí những mô típ chuỗi hoa sen. Cây đèn thể hiện kỹ thuật đúc khéo léo và phản ánh thẩm mỹ cao của cư dân cổ.
Bộ tem “Bảo vật quốc gia Việt Nam (bộ 1): Đồ đồng” đặc tả mẫu vật trên nền mầu đậm để thấy rõ chất liệu, hoa văn của những mẫu vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia đợt một năm 2012 và đợt hai năm 2013. Bộ tem được phát hành và cung ứng theo mạng lưới bưu chính từ ngày 1-10-2018 đến ngày 30-6-2020.
Theo NGUYÊN VŨ/nhandan.com.vn