Với sự nỗ lực của ngành y tế, sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các địa phương, công tác phòng, chống bệnh sốt rét (SR) ở nước ta đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, hiện công tác phòng, chống bệnh SR đang gặp không ít khó khăn do sự di biến động dân cư, tập quán sinh sống của người dân, nhất là nguồn kinh phí đầu tư cho công tác này không ổn định, bị cắt giảm và thường cấp chậm thời gian gần đây.
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân ngâm, tẩm hóa chất vào màn để phòng, chống bệnh sốt rét. Ảnh: DƯƠNG NGỌC
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong mười năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong công tác phòng, chống SR như: Số ca SR đã giảm từ hơn 11 nghìn người (năm 2008) xuống còn 4.500 người (năm 2017). Số người chết do SR cũng giảm từ 25 người xuống còn sáu người (giảm 76%), có 40 tỉnh, thành phố không có SR lưu hành. Năm 2016, Việt Nam nằm trong số 44 quốc gia có ít hơn 10 nghìn người bị SR mỗi năm. Việt Nam đã thay đổi cách tiếp cận, từ kiểm soát sang loại trừ SR vào năm 2030.
Viện trưởng Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư (Bộ Y tế) PGS, TS Trần Thanh Dương cho biết: Thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và loại trừ bệnh SR ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030, công tác phòng, chống và loại trừ SR ở nước ta đã đạt được các kết quả đáng khích lệ, với tỷ lệ người mắc và chết do SR liên tục giảm hằng năm. Ngoài ra, mỗi năm, hàng triệu người dân sống trong vùng SR lưu hành được bảo vệ bằng biện pháp phòng, chống như: phun tồn lưu và tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi; hàng chục nghìn người bệnh được cấp thuốc điều trị SR miễn phí... Vì vậy, Việt Nam đã không để dịch SR xảy ra trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống bệnh SR ở nước ta còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Tình hình bệnh SR tại một số tỉnh thuộc khu vực miền trung, Tây Nguyên và Ðông Nam Bộ diễn biến phức tạp. Nhất là tại một số tỉnh như Bình Phước, Ðác Nông, Gia Lai, Lâm Ðồng, Quảng Bình, Khánh Hòa… có tỷ lệ ký sinh trùng SR/1.000 dân còn cao so trung bình của cả nước. Tình trạng di biến động dân cư giữa các địa phương theo mùa từ vùng không còn SR vào vùng SR lưu hành; giao lưu dân cư qua biên giới với các nước có SR lưu hành. Tập quán của người dân đi làm rừng, rẫy ngủ lại qua đêm thường có tỷ lệ sử dụng màn và các biện pháp bảo vệ cá nhân khá thấp.
Trong khi đó, nguồn kinh phí Nhà nước cấp cho công tác phòng, chống SR còn hạn chế, không ổn định, bị cắt giảm và thường chậm trong những năm gần đây. Nguồn kinh phí viện trợ của các tổ chức quốc tế và nước ngoài cũng có xu hướng giảm do Việt Nam đạt mức thu nhập trung bình. Chất lượng chẩn đoán và điều trị SR tại tuyến cơ sở chưa cao; chính quyền ở một số địa phương có SR lưu hành chưa thật sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư đúng mức và kịp thời…
Ðáng lo ngại, theo cảnh báo của WHO, ở Việt Nam, SR đang chuyển sang tập trung tại một số vùng rừng núi, nhất là khu vực miền trung, Tây Nguyên do người dân phải di chuyển xa mới tiếp cận được các dịch vụ y tế. Hiện, tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng ký sinh trùng SR kháng thuốc Artemisinin và có nguy cơ lan rộng tại cộng đồng sẽ đe dọa nỗ lực loại trừ SR của Việt Nam trong những năm qua.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá: Ðể thực hiện được các mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống và loại trừ bệnh SR ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030, cần tiếp tục triển khai tích cực những biện pháp truyền thông để các cấp chính quyền, đoàn thể, địa phương và cộng đồng chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động phòng, chống và loại trừ bệnh SR. Các đơn vị y tế cần thường xuyên giám sát, phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời; quản lý ca bệnh, quản lý đối tượng người dân di biến động. Thực hiện điều trị người bệnh SR đúng thuốc, đủ liều theo quy định của Bộ Y tế.
Ðối với các địa phương, bộ, ngành cần nỗ lực vận động và chủ động đầu tư kinh phí cho công tác phòng, chống và loại trừ bệnh SR; tiếp tục đề nghị các tổ chức quốc tế tài trợ kinh phí, hỗ trợ kỹ thuật cho hoạt động phòng, chống và loại trừ SR ở Việt Nam như đã cam kết...
Ngoài ra, để phòng, chống bệnh SR có hiệu quả, người dân thường xuyên ngủ màn, ngay cả ban ngày và màn cần được tẩm hóa chất diệt muỗi. Những người đi làm ở vùng rừng núi cần mang theo màn để ngủ, trước khi đi nên đến cơ sở y tế để được cấp thuốc uống phòng và khi trở về từ vùng rừng núi nên đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm. Khi thấy các triệu chứng của bệnh SR như rét run, sốt nóng sau đó vã mồ hôi, hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời...
Theo KHÁNH HUY/nhadan.com.vn