Thiếu thương hiệu, sản phẩm chưa phù hợp với thị hiếu người dùng, công nghệ lạc hậu… đang là những rào cản lớn khiến làng nghề khó mở rộng thị trường và thu nhập chưa tương xứng với giá trị làm ra. Vậy đâu là giải pháp để sản phẩm làng nghề vượt qua những điểm yếu này?
Khách nước ngoài tham quan, tìm hiểu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại Hội chợ Hanoi Giftshow 2018.
Hiện nay, 80% số hộ gia đình ở xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên) tham gia sản xuất và kinh doanh da giày, thu nhập trung bình khoảng từ sáu đến bảy triệu đồng/người/tháng. Nghề da giày đóng góp 85% tổng thu của toàn xã. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Da giày Phú Yên Nguyễn Lương Đức cho biết, làng nghề chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng, yêu cầu của thương lái, mẫu mã truyền thống và phải thông qua các đại lý phân phối. Số lượng xuất khẩu sang nước ngoài rất ít và mới chỉ xuất khẩu sang thị trường Lào và Cam-pu-chia.
Làng nghề da giày Phú Yên được đánh giá là một làng nghề "làm ăn được" trong số 1.350 làng nghề và làng có nghề tại Thủ đô. Nhưng để sản phẩm làng nghề có giá trị gia tăng cao và tiếp cận với thị trường quốc tế còn là cả chặng đường dài. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều làng nghề tại thành phố Hà Nội. Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng nêu một thực tế, hoạt động sản xuất chính của làng nghề hiện nay vẫn là gia công theo những mẫu thiết kế đặt hàng có sẵn. Sau đó, sản phẩm được gắn tên thương hiệu của hãng đặt hàng, chứ không có thương hiệu riêng cho sản phẩm làng nghề. Chính vì vậy, nhiều năm qua, sản phẩm làng nghề Hà Nội đã có mặt tại nhiều thị trường lớn như Nhật Bản, các nước châu Âu... nhưng người tiêu dùng quốc tế lại không biết xuất xứ từ Hà Nội, Việt Nam. Bởi nó được mang tên một thương hiệu khác. Đây là điều rất đáng tiếc cho sản phẩm làng nghề.
Qua 12 năm triển khai Dự án Phát triển kênh bán hàng thông qua liên kết giữa địa phương với sản phẩm và du lịch, do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức, ông Fu-mi-ô Ka-tô, Giám đốc Dự án chia sẻ, qua thực tế và nghiên cứu các làng nghề ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, chúng tôi nhận thấy một vấn đề lớn khiến sản phẩm làng nghề của các bạn khó đến với thị trường rộng lớn. Đó là do các nghệ nhân, thợ nghề rất bị động trong việc tiếp cận khách hàng. Tuy là người trực tiếp làm ra sản phẩm, nhưng họ không biết sản phẩm cuối cùng bán cho khách hàng nào, được bao nhiêu tiền và cũng không nhận lại được những góp ý, đánh giá của người tiêu dùng. Họ phải thông qua các thương lái trung gian, hoàn toàn bị động làm theo đặt hàng của thương lái. Không chỉ thông tin phản hồi lại ít mà phần thu nhập phân bổ lại cho nghệ nhân cũng rất thấp. Chính điều này đã khiến sản phẩm làng nghề chưa bắt kịp xu hướng và nhu cầu khách hàng. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ phần lớn vẫn to, nặng, mẫu mã đơn điệu khiến khách du lịch không muốn mua dù kỹ thuật làm ra sản phẩm rất cao. Đồng thời, cũng khiến thế hệ sau không nối nghiệp thế hệ trước để giữ gìn và phát triển làng nghề mà theo đuổi công việc khác có thu nhập tốt hơn. Các chuyên gia nước ngoài còn chỉ ra một nhược điểm lớn của các làng nghề là không giữ được chữ tín trong thời hạn giao hàng, chưa kể tiêu chuẩn với sai số chất lượng cực lớn.
Để khắc phục dần những điểm yếu nêu trên của sản phẩm làng nghề không thể “một sớm một chiều”. Nhưng nhanh chóng đổi mới, thích nghi và tận dụng những điều kiện phát triển là yêu cầu bắt buộc đối với làng nghề nếu muốn tồn tại và phát triển trong điều kiện mới. Chủ tịch Công ty Nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm M&D Ha-ru-ko Ha-ma-da cho rằng: Sản phẩm làng nghề không thể “hữu xạ tự nhiên hương”, mà người sản xuất cần tìm cách khuếch tán “hương thơm” đi càng xa càng tốt. Đó không chỉ là giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong khuôn khổ những chương trình hội chợ, triển lãm như trước đây mà phải xây dựng thương mại điện tử để sản phẩm làng nghề vượt qua được ranh giới về địa lý. Đưa sản phẩm, thương hiệu lên in-tơ-nét để khách hàng dễ dàng tìm kiếm và ngược lại, làng nghề cũng tìm được khách, cũng như biết được yêu cầu, mong muốn của khách hàng. Trực tiếp sản xuất và kinh doanh sẽ đem lại nguồn thu tốt hơn, giúp các nghệ nhân, thợ nghề, cơ sở sản xuất phát triển. Sản phẩm làng nghề không cần quá cầu kỳ, đắt mà cần thiết kế nhỏ gọn, hiện đại hơn, hữu dụng hơn, có thể sử dụng hằng ngày.
PGS, TS Nguyễn Thừa Lộc (Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) cho rằng, Nhà nước cần tạo điều kiện cho các làng nghề tiếp cận với công nghệ sản xuất mới, thiết bị hiện đại hơn để nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như có thể sản xuất, đáp ứng những yêu cầu đặt hàng số lượng lớn, trong thời gian ngắn. Các làng nghề cần đa dạng hóa các loại thị trường. Không để sản phẩm chỉ phụ thuộc vào một khu vực nào đó. Đồng thời, thường xuyên nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm của làng nghề. Khi xu hướng tiêu dùng thay đổi nhanh chóng thì làng nghề vẫn giữ được thế chủ động về thị trường.
Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng nhấn mạnh, Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước. 1.350 làng nghề hiện có đang tạo việc làm cho khoảng một triệu người lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD/năm. Nhưng kết quả này vẫn còn thấp so với tiềm năng, thế mạnh của làng nghề. Do đó, cả chính quyền địa phương, các hiệp hội ngành nghề và chính các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề cần phải thay đổi tư duy trong phương thức quản lý, sản xuất, kinh doanh sản phẩm làng nghề. Chỉ có đổi mới, thích nghi với điều kiện sản xuất hiện đại mới có thể giúp làng nghề tồn tại và phát triển bền vững.
Nguyên Trang
Theo nhandan.com.vn