Ðến sàn tập Trường cao đẳng nghệ thuật múa Việt Nam vào những ngày vừa qua, chúng tôi gặp hai người cơ thể ướt đẫm mồ hôi miệt mài trên sàn tập. Ðó là Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Cao Chí Thành, giáo viên khoa Múa nước ngoài, đang dựng lại cho cậu học trò Nguyễn Ðức Hiếu khúc biến tấu trong vở kịch múa nổi tiếng “Ðông-ki-sốt” để tham dự Cuộc thi ba-lê châu Á tổ chức tại Hồng Công (Trung Quốc).
Vở Múa Kiều do Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh cùng các công ty phối hợp thực hiện. Ảnh: SƠN TRẦN
Thời nay, trai nào theo múa?
Ðoạn solo (múa đơn) trong “Ðông-ki-sốt” chỉ dài một phút nhưng hội tụ tất cả các kỹ thuật khó nhất của múa cổ điển châu Âu, không phải học sinh nào cũng làm được mà phải là những người thật sự có tố chất. Ðôi lúc, cả thầy và trò cảm thấy bất lực, rồi lại động viên nhau cố gắng. Tập trong gần 5 tháng (theo NSƯT Cao Chí Thành, khoảng thời gian này là ngắn), có thay đổi một số kỹ thuật để phù hợp khả năng của học sinh; kết quả Nguyễn Ðức Hiếu (18 tuổi) đoạt giải khuyến khích tại cuộc thi, mang đến niềm tự hào cho nghệ thuật múa ba-lê Việt Nam vốn đã yếu, lại đang có nguy cơ yếu hơn. Theo thầy Thành, Hiếu là người giỏi trong số (rất ít) nam sinh theo học múa ba-lê hiện nay.
Cách đây hơn 10 năm, Cao Chí Thành được mệnh danh là “Hoàng tử ba-lê Việt Nam” sau khi đoạt giải tư Cuộc thi ba-lê quốc tế Helsinky, tổ chức tại Phần Lan. Năm đó, anh 25 tuổi, độ tuổi cuối cùng để có thể tham dự một cuộc thi tài năng múa. Cao Chí Thành trở thành solist của Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam, được giao đảm đương nhiều vai chính trong các vở kịch múa như “La Sylphide”, “Gisselle”, “Spartacus”, “Heart of silk”, “Kẹp hạt dẻ”, “Mùa xuân thiêng liêng”, “Hội hoa”… Thời gian này, Cao Ðức Toàn, em trai Thành cũng bắt đầu nổi ở Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam như một diễn viên kiêm biên đạo có tài. Hai anh em gây chú ý vì “nhà có hai con trai thì cả hai đều theo múa”. Sau khi tỏa sáng ở Nhà hát, Thành tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật bằng cách chuyển sang làm giảng viên Trường cao đẳng nghệ thuật múa Việt Nam, còn Toàn lại rẽ sang kinh doanh. Ðiều này khiến anh trai thấy buồn. Một điều dễ hiểu là diễn viên múa khi đã ngoài 30, sức khỏe xuống thì coi như hết tuổi biểu diễn. Ở Việt Nam, chẳng còn ai múa ba-lê ở tuổi 34. Vì thế ở ngưỡng này, diễn viên thường chuyển sang giảng dạy, biên đạo dàn dựng, huấn luyện hoặc đi học thêm để làm công việc khác. Một diễn viên múa lành nghề phải mất tám năm học tập, rèn luyện không ngừng. Nếu gặp môi trường thuận lợi thì có thể tỏa sáng nhiều nhất là 15 năm. Tuy nhiên, đây là con số mà rất ít diễn viên Việt Nam đạt tới, dẫn đến một thực trạng là nghệ thuật múa đang khủng hoảng thiếu cả học sinh, giáo viên lẫn các tiết mục đỉnh cao.
Năm học mới này, Trường cao đẳng nghệ thuật múa Việt Nam vừa tuyển được hơn 100 học sinh trong tổng số gần 600 em đăng ký từ vòng sơ tuyển. Tuy nhiên, TS, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, số học sinh nam chỉ hơn 10 em, chiếm khoảng 17% tổng số. Học sinh múa nam thiếu trầm trọng suốt từ năm 2000 đến nay, vì thế nhà trường phải hạ điểm chuẩn xuống một chút so với các em nữ. Trường trung cấp múa TP Hồ Chí Minh cũng thiếu học sinh nam cho hệ sáu năm, trong khi hệ hai năm lại khá đông. Nhiều học sinh nam đam mê múa nhưng ở độ tuổi đi thi tuyển là 12, mọi việc đều phụ thuộc vào sự quyết định của bố mẹ. Trong khi đó, các bậc phụ huynh trước hết phải tính chuyện “đầu ra” cho việc học tập của con trai, với quan niệm đàn ông là trụ cột gia đình, nếu theo nghề múa thì tương lai ra sao?
Cảnh trong vở Giselle của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam.
Cần giữ bản sắc
Nhiều năm trước, Linh Nga - Thùy Chi thường được nhắc đến như cặp đôi đẹp trong làng múa nước nhà khi cả hai đều được gia đình cho sang Trung Quốc học từ bé. Hoàn thành hệ trung cấp, Linh Nga tiếp tục học bậc đại học biểu diễn tại Học viện múa Bắc Kinh với quyết tâm đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật múa. Thời điểm đó, “chim công” Linh Nga đã biết, sau bốn năm đại học cũng chỉ biểu diễn thêm vài năm là “hết đỉnh”, nhưng cô vẫn muốn học. Còn Thùy Chi, sau khi làm diễn viên cho một đoàn múa Trung Quốc đã về nước giảng dạy tại Trường trung cấp nghệ thuật múa Việt Nam, rồi lại sang Trung Quốc học biên đạo. Sau này, cô là Phó trưởng ban quản lý Nhà hát thực nghiệm, giảng viên môn thực hành biểu diễn Trường trung cấp múa TP Hồ Chí Minh. Cả hai đều có ít nhất 10 năm học múa trong gian nan, và cũng có những ngã rẽ do tuổi nghề diễn viên múa trôi quá nhanh…
Múa rất phổ biến trong các hoạt động nghệ thuật. Hầu như chương trình, lễ hội nào cũng có. Thiếu múa, một số chương trình biểu diễn sẽ kém hay. Những tiết mục múa đó, đôi khi học sinh chỉ cần học kỹ năng ba tháng là có thể thực hiện. Các học sinh Trường cao đẳng nghệ thuật múa Việt Nam khi tốt nghiệp là thời kỳ đỉnh cao, nhưng về các nhà hát lại “tụt” dần, trong khi lẽ ra phải ngược lại. Thực tế, một số đoàn nghệ thuật đang rất dễ dãi trong dàn dựng tiết mục, thả lỏng việc rèn luyện hằng ngày cho diễn viên. “Nhìn vào thực trạng hoạt động múa hiện nay, tôi cảm thấy sự đào tạo trong trường rất phí bởi học thì nhiều mà chẳng sử dụng mấy”, TS, NSND Nguyễn Văn Quang chia sẻ. TS Quang đã khảo sát và thấy sự dễ dãi hiện nay đang làm khổ tâm diễn viên. Họ yêu múa, lao vào nghề với tất cả đam mê mà cuối cùng chẳng được gì. Nhiều người bỏ nghề vì thế.
Theo nghệ sĩ Thùy Chi, nhờ in-tơ-nét, hiện múa phát triển rất nhanh. Các bạn trẻ xem cờ-líp đồng nghiệp quốc tế biểu diễn rồi học theo khiến thầy, cô giáo cũng phải “ngả mũ thán phục”. Mới đây, chị dàn dựng lại tiết mục “Nam Phương mẫu tế” mà mình từng đoạt giải A Cuộc thi biểu diễn tài năng múa toàn quốc năm 2008 cho học trò Nguyễn Ðinh Bảo Bảo dự thi tài năng tại Trường trung cấp nghệ thuật múa TP Hồ Chí Minh cũng đoạt giải nhất. Thùy Chi thừa nhận, có những động tác khó trước đây mình không làm được thì nay học trò đã làm được. Tuy nhiên, điều mà nữ biên đạo còn băn khoăn là “mọi thứ dường như đang lướt qua quá nhanh”. Nếu thế hệ 8x học tập và làm việc khá cẩn thận, chậm rãi thì sang đến 9x lại chóng vánh quá đến nỗi chưa kịp nghe rõ cảm xúc của mình. Có lẽ cũng bởi ở thời điểm này, diễn viên múa không chỉ cần giỏi chuyên môn mà cần nhanh nhạy để nắm bắt thời cơ. Song cũng chính vì phải nhanh mà đôi khi nét dân tộc trong kỹ thuật bị phai nhòa. “Sau nhiều năm học tập và làm việc ở nước ngoài, tôi nhận ra, bản sắc dân tộc là điều quan trọng nhất trong nghệ thuật”, Thùy Chi bộc bạch. Chính Chi cũng từng hoang mang khi luôn bị mọi người nhận xét “giống Trung Quốc”, điều khó tránh khỏi bởi cô học múa ở đây từ tấm bé. Chi nhận xét, các học sinh trong trường khi biểu diễn tại Nhà hát thực nghiệm thì giữ nguyên phong độ từ kỹ thuật đến bản sắc, song khi hòa nhập với môi trường đa dạng bên ngoài lại bị ảnh hưởng nặng nề do thiếu định hướng từ thầy, cô giáo. Chính vì thế, các diễn viên, biên đạo múa cần đi sâu tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc để giữ được bản lĩnh trước những tác động của môi trường thực tế.
Ðể sống được bằng nghề
NSƯT Cao Chí Thành tâm sự, hồi trước, bố mẹ cho hai anh em đi học múa để thoát nghèo do không có điều kiện đóng tiền học phí, vì học múa không phải mất học phí. Mới học, Thành chỉ thấy hay hay nên tò mò theo, giờ thì anh gọi đó là “niềm đam mê bất tận”. Ngày đó, cả nam và nữ đều thích múa và theo học đông đủ, tiền lương tuy ít ỏi nhưng thu nhập của diễn viên múa so với xã hội không quá chênh lệch, chi tiêu cũng không đắt đỏ. Còn nay, sở dĩ, việc tuyển sinh kém chất lượng vì đầu ra chưa được chú trọng. Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam là nơi hội tụ nhiều bộ môn nghệ thuật hàn lâm, song chưa được đầu tư thích đáng. Các ca sĩ hát opera, diễn viên múa cổ điển nếu chỉ làm ở nhà hát thì không bảo đảm cuộc sống, buộc phải làm thêm bên ngoài. Do đó, họ thiếu tập trung nghề nghiệp. Nhiều phụ huynh nhìn vào sẽ nghĩ, nếu để con đi theo nghệ thuật bác học thì lấy đâu tương lai? Vì vậy giờ đây rất hiếm học sinh đam mê múa đến nỗi say nghề, quên đi tất cả trừ múa. Muốn có học sinh, nhà trường phải đi khắp các tỉnh, thành phố tổ chức sơ tuyển, không có chuyện ngồi đợi học sinh đến nộp hồ sơ.
Vấn đề giáo viên giảng dạy cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện khoa Múa dân tộc, Trường cao đẳng nghệ thuật múa Việt Nam chỉ có hai nam giảng viên, trong khi nhu cầu cần bốn đến năm người; khoa Múa nước ngoài cũng thiếu. Vì là ngành nghề đặc thù cho nên giảng viên múa không thể lên lớp cho cả trăm sinh viên như các trường khác. Một lớp thường chỉ 12 đến 13 học sinh, lớp nào đông thì 17. Hiệu trưởng Nguyễn Văn Quang cho biết, hiện trường có khoảng 400 học sinh với gần 40 lớp học, nhưng chỉ có hơn 40 giảng viên, gồm các môn văn hóa lẫn chuyên môn. Bên cạnh đó, tình trạng biên chế giáo viên quá ít, hợp đồng cũng không có khiến các thầy, cô giáo chủ yếu phải dạy thỉnh giảng, không được hưởng chế độ, chính sách xứng đáng. Vì vậy Ban giám hiệu luôn thường trực, nỗi lo “ngày mai sẽ có một số lớp nghỉ, thậm chí đóng cửa cả trường”. Theo TS Nguyễn Văn Quang, với nghề múa, đi tìm giảng viên đã khó, giữ được họ còn khó hơn. Một giảng viên múa phải hội tụ nhiều tố chất: diễn giỏi, truyền đạt tốt, thị phạm chuẩn… Ngoài ra, phải có sức khỏe tốt và thực hiện chế độ giữ gìn cơ thể nghiêm ngặt. Trường muốn có thêm nhiều giảng viên trẻ, nhưng đối tượng này thường đi dạy tại các trung tâm văn hóa, vũ đoàn, nhóm múa… để có thu nhập cao hơn. Và nếu chưa giải quyết được đồng lương cho diễn viên múa thì chưa giải quyết được khâu tuyển sinh. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương nâng cấp trường từ hệ Cao đẳng lên thành Học viện. Ðiều này tốt cho diễn viên, khi các em mất ít nhất tám năm để có tấm bằng đại học, nhưng ra trường sẽ được hưởng bậc lương cao hơn. Những người trong nghề hy vọng quy mô đào tạo thay đổi, chất lượng cũng sẽ được cải thiện.
Theo HUYỀN THU/nhandan.com.vn