Gốm Chu Đậu (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) là một dòng gốm đẹp của Việt Nam, phát triển rực rỡ từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17. Sau hơn ba thế kỷ bị thất truyền, gốm Chu Đậu đang hồi sinh mạnh mẽ, trở thành mặt hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị ở thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.
Nghệ nhân Hạ Bá Định vẽ trên bình gốm Chu Đậu. Ảnh: ĐĂNG ANH
Đi tìm lai lịch dòng gốm cổ
Cách đây hơn 30 năm, ít ai biết rằng, thôn Chu Đậu (xã Thái Tân, huyện Nam Sách) - một làng quê yên bình bên tả ngạn sông Thái Bình, nơi người dân sinh sống bằng nghề dệt chiếu cói và làm nông, lại là địa danh gắn liền với dòng gốm từng có giai đoạn phát triển rực rỡ. Lai lịch làng gốm cổ Chu Đậu được phát hiện một cách tình cờ. Năm 1980, ông Ma-ka-tô A-na-bu-ki, nguyên Bí thư Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, trong một chuyến đi công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ đã trông thấy một chiếc bình gốm hoa lam cao 54 cm được trưng bày tại Viện Bảo tàng To-ka-pi-sa-ray (I-xtan-bun). Trên bình có dòng chữ Hán: “Thái Hòa bát niên Nam Sách châu, tương nhân Bùi thị Hý bút”, tạm dịch là “Năm Thái Hòa thứ tám (năm 1450) thợ gốm họ Bùi, người châu Nam Sách vẽ” (Hiện chiếc bình là bảo vật quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ và được bảo hiểm hàng triệu USD). Ông Ma-ka-tô A-na-bu-ki đã viết thư nhờ đồng chí Ngô Duy Đông, Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng (cũ) xác minh giúp xem chiếc bình gốm đó có xuất xứ từ làng gốm nào. Thông tin này giúp các cơ quan chức năng thúc đẩy việc điền dã, sưu tầm những dấu vết về làng gốm cổ.
Tháng 4-1986, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hải Hưng tiến hành khai quật di tích tại đây. Qua tám lần khai quật trên diện tích 70 nghìn m2 tại làng Chu Đậu, xã Thái Tân và xã Minh Tân, các nhà khảo cổ đã phát hiện rất nhiều hiện vật gốm cổ, cùng hơn 100 đáy lò gốm dưới lòng đất. Qua đó, đã xác định Chu Đậu từng là nơi sản xuất gốm cao cấp từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17. Theo các nhà khoa học, khi chiến tranh Trịnh - Mạc xảy ra, vùng Nam Sách, trong đó có làng gốm Chu Đậu đã bị tàn phá. Các nghệ nhân làng gốm đã phiêu bạt đến các vùng khác, lập nên các làng nghề gốm mới. Sau đó, vào năm 1993 và năm 1997, sản phẩm gốm Chu Đậu được tìm thấy ở những con tàu bị đắm ở vùng biển Phi-li-pin và Cù Lao Chàm. Hơn 240 nghìn hiện vật được trục vớt, trong đó chủ yếu là gốm Chu Đậu, cho thấy gốm Chu Đậu không chỉ phát triển mạnh trong nước, mà đã được xuất khẩu đi nhiều nước thời bấy giờ.
Giới chuyên môn đánh giá cao gốm Chu Đậu, đó là một loại gốm “mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông”... Từ dáng vẻ, chất men, họa tiết, hoa văn trang trí... tất cả đều toát lên bản sắc, tinh hoa văn hóa Việt, rất đỗi gần gũi, nhưng cũng mang đậm giá trị truyền thống, tín ngưỡng, triết lý và tâm hồn người Việt từ nghìn xưa. Những họa tiết, hoa văn trên gốm Chu Đậu mang tính nghệ thuật cao, miêu tả khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng như cảnh mục đồng chăn trâu, chim đậu trên cành hoa, đàn cá bơi dưới nước, mái nhà tranh ven sông… Phương pháp chế tạo đạt trình độ cao, đó là chuốt, tạo dáng trên bàn xoay, ngắt sản phẩm thành nhiều công đoạn rồi lắp ghép lại và gia công. Các sản phẩm được thể hiện trên chất liệu men trắng hoa lam, men ngọc, hay men mầu tam thái. Hiện nay, 46 bảo tàng trên thế giới đang trưng bày các hiện vật gốm Chu Đậu.
Hồi sinh và phát triển mạnh mẽ
Nhận thấy ý nghĩa và giá trị của gốm Chu Đậu, Công ty sản xuất dịch vụ và xuất, nhập khẩu Nam Hà Nội (nay là Tổng công ty Thương mại Hà Nội, Công ty cổ phần (Hapro) - thành viên của Tập đoàn BRG) đã quyết định thành lập một cơ sở làm gốm, nhằm phục hồi dòng gốm cổ đã bị thất truyền cách đây hàng trăm năm, xây dựng thành một thương hiệu gốm cao cấp tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu, đồng thời phát triển vùng quê này thành điểm du lịch làng nghề. Được sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân địa phương, tháng 10-2001, Xí nghiệp Gốm Chu Đậu (nay là Công ty CP Gốm Chu Đậu) ra đời và đi vào hoạt động. Cơ sở sản xuất, kinh doanh rộng 33.250 m2 được xây dựng trên làng gốm cổ thời xưa.
Giám đốc Công ty CP Gốm Chu Đậu Nguyễn Hữu Thức cho biết, đơn vị mời các nghệ nhân từ Hà Nội, Bình Dương, Biên Hòa (Đồng Nai), Hải Dương... nghiên cứu những nét đặc sắc của gốm Chu Đậu, rồi truyền dạy cho công nhân. Hàng trăm công nhân, chủ yếu là người địa phương được đơn vị tuyển chọn để đào tạo. Hầu hết lớp thợ trẻ năm xưa, nay đã trở thành những công nhân lành nghề, không ít người được vinh danh là nghệ nhân. Người lao động được doanh nghiệp tạo môi trường làm việc tốt, đi kèm việc bảo đảm các chính sách, quyền lợi, cho nên luôn yêu nghề, gắn bó với đơn vị. Để tạo sản phẩm có giá trị cao về nghệ thuật, công ty tập trung phỏng lại những mẫu gốm cổ đặc sắc, tiêu biểu, những sản phẩm có giá trị đang được lưu trữ tại 46 bảo tàng thuộc 32 quốc gia trên thế giới, đồng thời phát triển thêm các dòng sản phẩm mới với kiểu dáng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Hiện nay, đơn vị tập trung sản xuất, kinh doanh các dòng sản phẩm chính gồm đồ thờ cúng, sản phẩm quà tặng cao cấp, sản phẩm gốm mỹ nghệ trưng bày nội thất và xuất khẩu, sản phẩm gốm sứ gia dụng... Trong đó, dòng sản phẩm vẽ vàng kim cao cấp có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 25%/năm.
Bên cạnh đó, công ty tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Từ lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha vào tháng 5-2003, đến nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm của công ty xuất khẩu đến hơn 20 nước trên thế giới và mở rộng tại các tỉnh, thành phố trong nước. Sản phẩm gốm Chu Đậu được chọn làm quà tặng cho các nguyên thủ các quốc gia trong một số sự kiện ngoại giao lớn tổ chức tại nước ta, khi các lãnh đạo, nguyên thủ nước ta công du nước ngoài, góp phần quảng bá bản sắc văn hóa của Việt Nam ra thế giới. Không chỉ chú trọng đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm và các xưởng sản xuất của công ty còn trở thành một điểm tham quan, trải nghiệm quy trình làm gốm hấp dẫn đối với khách du lịch và các em học sinh. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm cơ sở đón hơn 20 nghìn lượt người để tham quan, mua sắm. Nhờ đó, công ty đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập khá cao trong khu vực, nộp ngân sách đầy đủ cho Nhà nước. Bộ mặt vùng quê thuần nông được thay đổi toàn diện.
Trong những năm tới, Công ty CP Gốm Chu Đậu tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của thị trường, công ty sẽ khôi phục những mẫu mã và men cổ có các họa tiết tinh xảo, có tính nghệ thuật cao nhằm tạo ra những bộ sưu tập phóng tác nguyên mẫu. Đồng thời không ngừng thúc đẩy quảng bá xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu công ty. Tạo lập và gắn kết các ngành du lịch, văn hóa với làng nghề truyền thống, đưa gốm Chu Đậu trở thành một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hapro, ngày càng có chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước, góp phần quảng bá tinh hoa văn hóa Việt Nam.
Với những nỗ lực làm sống lại và phát triển dòng gốm Chu Đậu cao cấp mang đậm bản sắc văn hóa Việt, đầu năm 2018, Công ty cổ phần gốm Chu Đậu đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng 10 chữ vàng: “Gốm Chu Đậu - Bản sắc Việt, tỏa sáng năm châu”.
Chủ tịch Tập đoàn BRG kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Hapro Nguyễn Thị Nga cho biết: Sau khi trở thành một đơn vị thành viên trong Tập đoàn BRG, Hapro sẽ tiếp tục phát huy vai trò là một doanh nghiệp kinh tế, thương mại lớn, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội. Phấn đấu đến năm 2020, thị trường xuất khẩu sẽ mở rộng tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, phát triển thương hiệu Hapro Export gắn liền với thương hiệu BRG Export.
Trong định hướng phát triển sau cổ phần hóa, Hapro tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm và thủ công mỹ nghệ có thế mạnh của Hapro, trong đó trọng tâm là sản phẩm gốm Chu Đậu - một trong những mặt hàng đặc sắc của doanh nghiệp. Thời gian qua, sản phẩm gốm Chu Đậu đã có chỗ đứng tại thị trường trong nước, trong thời gian tới, Hapro tập trung phát triển sản phẩm này thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ chủ lực trên thị trường quốc tế, góp phần quảng bá tinh hoa văn hóa Việt Nam tới thị trường thế giới.
MAI HOA
Theo nhandan.com.vn