Từ xưa, làng Ðào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Ðông Anh (Hà Nội) vẫn được biết đến là cái nôi của rối nước cổ truyền. Bao năm qua, sân khấu rối nước nơi thủy đình đều đặn "sáng đèn". Những tích trò hấp dẫn, với những con rối uyển chuyển độc đáo đã đưa môn nghệ thuật truyền thống làng Ðào Thục vượt khỏi lũy tre làng.
Biểu diễn rối nước tại thủy đình làng Ðào Thục. Ảnh: LAN ANH
Làng Ðào Thục nằm yên bình sát triền đê sông Cà Lồ. Ðến đây, người ta như quên hết những ồn ã, xô bồ của cuộc sống đô thị. Làng vẫn lưu giữ nhiều nét xưa của làng quê Bắc Bộ, với những cánh đồng lúa xanh ngút mắt; có đình làng với gốc đa cổ thụ rợp bóng và đáng chú ý hơn cả là thủy đình với những nét kiến trúc cổ, nơi thường xuyên biểu diễn các tiết mục múa rối nước truyền thống.
Ðịa chỉ đầu tiên mà người dân Ðào Thục chỉ cho chúng tôi là nhà ông Nguyễn Văn Phi, người duy nhất hiện còn chế tác con rối cho phường rối của làng. Nhà ông Phi nằm giữa làng, từ xa đã nghe tiếng lách cách đục đẽo. Xưởng mộc nhỏ nằm bên sân nhà là "khoảng trời riêng", bày la liệt những con rối đang trong giai đoạn hoàn thiện. Ông bảo, tuy không phải là một nghệ nhân biểu diễn, nhưng những con rối cũng gắn liền với ông như duyên, như phận vậy. Thuở thanh niên, ông theo học nghề mộc, trở thành người thợ khéo tay có tiếng trong vùng. Sau này, ông thấy trong làng những người thợ làm rối vãn đi, phần vì tuổi đã cao, phần vì lý do kinh tế mà tìm đến những nghề khác. Dần dần, phường rối của làng không có rối để biểu diễn, ông Phi mới mày mò học nghề chế tác con rối, để đến bây giờ, những con rối độc đáo, tinh xảo của phường múa rối làng Ðào Thục đều do một tay ông Phi chế tác.
Gỗ làm con rối là những gốc sung mọc ở bờ ao, là loại gỗ rất nhẹ, để khi đưa xuống nước bảo đảm nổi được, lại ít thấm nước và không bị nứt. Sau đó người thợ sẽ phác thảo và đẽo gọt thanh gỗ thành hình các nhân vật. Sau nhiều lần phơi, rồi sơn, rồi kẻ mắt, kẻ mũi… mới tạo thành con rối hoàn chỉnh. Ðể làm ra những con rối đa dạng, sống động, bơi lội tung tăng ở thủy đình hay các sân khấu rối nước lớn khác, ông Phi đã cất công tìm hiểu những đường nét nhân vật qua việc sưu tầm các con rối cổ mà những người thợ già còn lưu giữ. "Bây giờ, thanh niên trong làng tìm đến những công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao hơn. Rất may, cũng có một vài cháu có năng khiếu, có đam mê, hy vọng sẽ là những lớp thợ làm rối kế cận khi tôi mắt đã mờ, tay đã mỏi", ông Nguyễn Văn Phi chia sẻ.
Nhờ những người thợ, người nghệ nhân biểu diễn mà làng Ðào Thục vẫn đang bảo tồn, giữ gìn và phát huy nghệ thuật rối nước truyền thống có tuổi đời hơn 300 năm này. Lần giở những trang sử liệu, ông Nguyễn Thế Nghị, Trưởng phường múa rối nước dân gian Ðào Thục cho biết, trang Ðào Xá xưa (nay là làng Ðào Thục) được cụ tổ Nguyễn Ðăng Vinh truyền dạy nghề múa rối nước vào thời Vua Lê Dụ Tông (1706-1729). Yêu nghệ thuật múa rối nước, ông dồn hết tâm huyết truyền bá nghệ thuật này cho đời sau. Vì có công lớn cho nên cụ tổ Nguyễn Ðăng Vinh đã được triều đình Hậu Lê phong thần, lập bia đá năm 1735 (thời Lê Ý Tông). Hằng năm, vào ngày giỗ của ông (24-2 âm lịch), dân làng tổ chức dâng hương để tưởng nhớ công đức của vị tổ nghề.
Theo thời gian, qua bao thế hệ, nghệ thuật múa rối nước Ðào Thục trở thành nét văn hóa truyền thống độc đáo của huyện Ðông Anh nói riêng và Hà Nội nói chung. Nghệ thuật múa rối nước làng Ðào Thục là sự kết tinh từ quá trình lao động sáng tạo của người nông dân gắn liền với nghề trồng lúa nước ở đồng bằng Bắc Bộ. Ðến nay, qua quá trình gìn giữ và bảo tồn, phường múa rối nước dân gian Ðào Thục vẫn lưu giữ nhiều tích trò cổ, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc như: "Nhà nông cày cấy", "Trâu chui qua ống", "Phùng Hưng đánh hổ", "Lên võng xuống ngựa"…, gửi gắm khát vọng về cuộc sống bình an, hạnh phúc, ca ngợi những đức tính của người nông dân cần cù, chịu khó, giản dị…
Ông Nguyễn Văn Phi và những con rối do ông chế tác.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Trách, 61 tuổi, đã hơn 30 năm gắn liền với nghề biểu diễn rối nước ở Ðào Thục, chia sẻ, rối nước là một mảnh ký ức đẹp đẽ trong những ngày thơ ấu khốn khó của ông. Từ xưa, chẳng đủ ăn, đủ mặc, những tiết mục múa rối rất hay, rất thú vị của những cụ cao tuổi đã trở thành nguồn động viên lớn lao, là đời sống tinh thần của dân làng. Ngày ấy, sàn diễn là những cái ao nông nước. Người làng quây cót, dựng cọc tre thành sân khấu, buồng trò (nơi nghệ nhân biểu diễn). Bộ phận sang trọng nhất của sân khấu thời bấy giờ chỉ là chiếc mành cũ buông lên buông xuống. Các tích cổ được diễn không có nhạc, chỉ là những tiếng hô của những người biểu diễn trong buồng trò. Thế nhưng, mỗi buổi biểu diễn đều thu hút rất đông khán giả từ trong làng, ngoài xã. Ðám trẻ con kéo đến chật ních, mắt không rời những con rối sống động, uyển chuyển như người thật.
Theo nhiều nghệ nhân ở làng Ðào Thục, bước ngoặt của múa rối dân gian ở đây là vào năm 1984. Năm đó, một trung tâm múa rối lớn đến làng biểu diễn đã bị cuốn hút bởi những con rối và phong cách biểu diễn của những nghệ nhân Ðào Thục. Rối nước Ðào Thục khác mọi nơi là chỉ sử dụng loại rối máy sào dây, con rối lắc đều và vung vẩy được cả hai tay, dễ dàng sang phải, sang trái, đặc biệt con rối đi vào buồng trò bằng cách quay ngược trở lại. Những nghệ nhân làng Ðào Thục có thể biểu diễn các động tác như lên võng, xuống ngựa, đánh hổ… một cách hết sức linh hoạt, độc đáo. Vì thế, trung tâm múa rối đã kết hợp các nghệ nhân làng Ðào Thục tạo tiền đề thành lập phường múa rối nước dân gian Ðào Thục sau này. Hơn chục thanh niên trong làng được tập hợp lại để học nghề từ người cao tuổi trong làng. Các vở diễn được dàn dựng chuyên nghiệp, không chỉ có những tiếng hô đơn điệu, mà có thêm âm nhạc để hấp dẫn hơn. Nhiều vở mới được sáng tạo để tránh sự đơn điệu, nhất là vở "Hà Nội 12 ngày đêm Ðiện Biên Phủ trên không", được nghệ nhân già Ðinh Thế Văn sáng tác vào năm 1984, thể hiện sống động tính chất ác liệt của chiến tranh, ngợi ca tinh thần mưu trí, dũng cảm của quân và dân Thủ đô trong trận chiến thắng B52 lịch sử mùa đông năm 1972. Cũng từ năm 1984, rối nước Ðào Thục đã vượt lũy tre làng, đến với những sân khấu lớn, các festival và biểu diễn ở nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Vào Ngày hội văn hóa các dân tộc năm 1989, phường rối nước dân gian Ðào Thục đã đoạt Huy chương vàng. Tại Liên hoan múa rối nước toàn quốc lần thứ nhất vào năm 1994, phường đoạt Huy chương bạc.
Hiện nay, phường múa rối nước dân gian Ðào Thục đã quy tụ được gần 50 nghệ nhân biểu diễn. Ðó đều là những nông dân, thợ thủ công, có cả học sinh trung học, có tâm huyết, muốn gắn bó lâu dài với nghề múa rối nước dân gian truyền thống của quê hương. Những người trẻ muốn theo đuổi nghệ thuật múa rối đều phải trải qua nhiều quá trình gian nan. Ban đầu, phải học, luyện từng động tác ở trên cạn lẫn dưới nước. Sau một thời gian dài luyện tập, người biểu diễn sẽ biết cách sử dụng loại máy sào kết hợp điều khiển dây để quân rối quay đầu và vung vẩy đều hai tay, chuyển sang phải hay sang trái rất dễ dàng trên mặt nước. Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Trách, học nghề khó, nhưng theo được nghề còn gian nan hơn rất nhiều. Mặc dù diễn đều đặn 15 đến 20 tua/tháng, cả trong làng và ngoài làng, nhưng các thành viên trong phường rối Ðào Thục đều không có lương cố định; thu nhập từ biểu diễn chỉ đạt trung bình khoảng hai triệu đồng/người/tháng. Các thành viên phải kiếm thêm nghề khác để tăng thu nhập.
Theo ông Nguyễn Thế Nghị, Trưởng phường múa rối nước dân gian Ðào Thục, hiện nay, rối nước Ðào Thục đang đi đúng hướng, khi phường đã có thỏa thuận hợp tác với nhiều công ty du lịch, lữ hành để trở thành điểm đến của du khách. Chính quyền các cấp cũng đã chọn nơi đây là một điểm nhấn trong bản đồ du lịch huyện Ðông Anh. Rối nước Ðào Thục cũng được quảng bá trên các kênh truyền hình, website du lịch… Nhờ đó, đến nay các suất diễn tại sân khấu của làng khá đều đặn; phường được mời đi biểu diễn ở cả trong nước và nước ngoài.
Tuy nhiên, cái khó của việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống ngay tại mảnh đất quê hương vẫn nằm ở thế hệ kế cận. "Nhiều thanh niên có tài, có đam mê rối nước nhưng với mức thù lao quá thấp, công việc vất vả cho nên họ đành rút lui. Chúng tôi đã nhiều lần vận động, tuyên truyền lớp trẻ quan tâm đến nghệ thuật truyền thống của quê hương, thậm chí UBND huyện sẵn sàng hỗ trợ để đào tạo đội ngũ kế cận, nhưng các phương pháp này cũng chưa thật sự mang lại kết quả như mong đợi. Ðiều cần nhất bây giờ là sự quan tâm, sâu sát của chính quyền địa phương cũng như Nhà nước để chúng tôi có thêm kinh phí để nâng cao chất lượng vở diễn, nâng cao chất lượng dịch vụ và quan trọng nhất là để những nghệ nhân biểu diễn, nhất là những người trẻ có thể bảo đảm cuộc sống, gắn bó với nghề. Nếu không có lớp kế cận thì rối nước Ðào Thục sẽ không phát triển được, thậm chí dần bị mai một và chìm vào quên lãng như nhiều nghề truyền thống khác", ông Nguyễn Thế Nghị chia sẻ.
Theo Hoàng Khả Anh/nhandan.com.vn