Quảng Bình được biết đến là một trong những địa phương hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Để khai thác có hiệu quả các tiềm năng sẵn có, địa phương luôn chú trọng triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phát triển du lịch; từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Hình ảnh tuyệt đẹp của hồ trên núi tuyến du lịch khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Vân Kiều tại Quảng Bình. (Ảnh: Võ Dung/TTXVN)
Một trong những giải pháp được Quảng Bình quan tâm thực hiện là đẩy mạnh, phát triển, đa dạng hóa nhiều sản phẩm, loại hình du lịch và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Quảng Bình.
Đầu tháng 11/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã đồng ý cho phép Công ty trách nhiệm hữu hạn NETIN khai thác thử nghiệm sản phẩm du lịch "Khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Vân Kiều ở huyện Quảng Ninh, huyện Lệ Thủy" từ ngày 1/12/2018 đến 31/5/2019.
Sản phẩm du lịch này có hai chương trình tham quan (1 ngày và 2 ngày) tùy theo nhu cầu của du khách. Trong đó, tour 1 ngày có lộ trình: thành phố Đồng Hới-xã Ngân Thủy-Tổng trạm thông tin A72-hang Nước-bản Cây Sung-Hang Chà Lòi-bản Hang Còi-vực Hang Còi-thành phố Đồng Hới.
Tour 2 ngày 1 đêm có hai lộ trình: Lộ trình 1, ngày thứ nhất là Đồng Hới-bản Cây Sung-hang Nước-Tổng trạm Thông tin A72-hang Chà Lòi-bản Hang Còi, ngày thứ hai là bản Hang Còi-hồ Tiên-Đồng Hới. Còn lộ trình 2: ngày thứ nhất là Đồng Hới-bản Cây Sung-hang Nước-Tổng trạm Thông tin A72-hang Chà Lòi-hồ Tiên, ngày 2 là hồ Tiên-vực Hang Còi-bản Hang Còi-Đồng Hới.
Ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn NETIN cho biết tuyến du lịch mới “Khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Vân Kiều ở huyện Quảng Ninh, huyện Lệ Thủy” mang những nét độc đáo, khác lạ, hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm lý thú và đầy ấn tượng.
Đây là tuyến du lịch vừa kết hợp khám phá thiên nhiên, hang động vừa tìm hiểu lịch sử, văn hóa mảnh đất, con người của đồng bào dân tộc Vân Kiều. Du khách sẽ được hòa mình vào vẻ đẹp nguyên sơ của núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, khám phá hệ thống hang động kỳ vĩ với những khối thạch nhũ lung linh, vàng óng và mang những dấu ấn đặc biệt của lịch sử.
Đến đây, du khách sẽ cảm nhận sự huyền bí, thơ mộng của hồ trên núi với dòng nước xanh trong tuyệt đẹp cùng thảm thực vật đa dạng, quý hiếm. Đặc biệt, du khách có cơ hội tìm hiểu truyền thống của hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy gắn với các địa danh lịch sử, trong đó có hang Ông Giáp (xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy) - nơi ghi dấu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng ở, làm việc và bộ đội Trường Sơn nghỉ chân trước khi hành quân vào chiến trường miền Nam những năm 1971-1972.
Ngoài ra, du khách còn được khám phá, tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng của bản làng, tộc người Vân Kiều và có những trải nghiệm thực tế về cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào dân tộc nơi đây…
Hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn NETIN đang triển khai các hoạt động như mời chuyên gia trong và ngoài nước đến nghiên cứu, khảo sát và đóng góp ý tưởng. Đơn vị tiến hành liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp du lịch, lữ hành đưa du khách đến tham quan, khám phá; tổ chức chương trình về nguồn, thăm lại chiến trường xưa cho cựu chiến binh và tìm hiểu, giáo dục truyền thống lịch sử, nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc cho học sinh, sinh viên. Đồng thời, công ty nghiên cứu đầu tư cơ sở hạ tầng, lán trại và không gian nghỉ dưỡng...
“Với những nét khác lạ, mới mẻ mà sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Vân Kiều, chúng tôi kỳ vọng trong thời gian 6 tháng khai thác thử nghiệm sẽ thu hút, đón tiếp từ 1.000-1.500 lượt du khách và năm đầu tiên đón tiếp từ 3.000-5.000 lượt du khách đến tham quan, tìm hiểu,” ông Trần Xuân Cương bày tỏ.
Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lệ Thủy cho biết việc triển khai thực hiện tuyến du lịch mới khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Vân Kiều sẽ góp phần quan trọng trong việc lưu giữ, bảo tồn, quảng bá và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc. Đồng thời, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương, thúc đẩy du lịch phát triển, từng bước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 23 đã đề ra.
Ông Đặng Đại Tình cho biết thêm, thời gian tới, huyện sẽ tăng cường phối hợp, tạo điều kiện, hỗ trợ đơn vị khai thác hiệu quả, an toàn tuyến du lịch mới này. Cùng với đó, kết nối các điểm văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện như Chùa Hoằng Phúc, Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Suối nước nóng Bang, không gian văn hóa bên bờ sông Kiến Giang và Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang dịp Quốc khánh 2/9 nhằm tạo điểm đến du lịch ấn tượng, đặc trưng và hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với Lệ Thủy, Quảng Bình.
Trước đó, với mong muốn đa dạng hóa thêm các sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn, khám phá và trải nghiệm của du khách khi đến với Quảng Bình - "Vương quốc hang động," tháng 7/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã đồng ý cho phép Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn Jungle Boss thử nghiệm lộ trình 2 ngày 1 đêm đối với sản phẩm du lịch khám phá hang Đại Ả, Over, Pygmy với mức phí tham quan 600.000 đồng/khách/lượt.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng cho phép Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chua Me Đất (Công ty Oxalic) khai thác thử nghiệm tour du lịch khám phá "Hang Va, hang Nước Nứt - những trải nghiệm khác biệt," với lộ trình 2 ngày 1 đêm với mức phí tham quan 8 triệu đồng/khách/lượt; tour du lịch hang Nước Nứt lộ trình một ngày, mức phí 1,65 triệu đồng/khách/lượt ...
Thực tế cho thấy, tiềm năng phát triển du lịch du lịch sinh thái, khám phá hang động, di sản văn hóa và lễ hội, du lịch tôn giáo và tâm linh, du lịch biển, du lịch ẩm thực, làng nghề ở Quảng Bình là rất lớn. Tuy nhiên, tiềm năng này nhưng chưa khai thác triệt để và hiệu quả.
Để du lịch Quảng Bình là điểm đến hấp dẫn du khách, tỉnh tiếp tục đa dạng và khác biệt hóa sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu khám phá, tìm hiểu, trải nghiệm và tận hưởng của khách du lịch, phù hợp với từng phân khúc thị trường. Mặt khác, việc xây dựng sản phẩm du lịch phải có tuần tự, bảo đảm tính nguyên sơ, thân thiện và đặc thù, tạo đà cho du lịch phát triển một cách hiệu quả, bền vững.
Theo VÕ DUNG (TTXVN/VIETNAM+)
https://www.vietnamplus.vn/quang-binh-dua-nhieu-san-pham-du-lich-doc-dao-vao-phuc-vu-du-khach/535541.vnp