Nhờ áp dụng các biện pháp mới trong chẩn đoán và điều trị, tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú tại Việt Nam hiện nay đã tương đương nhiều nước phát triển. Đây là một trong những kết quả của cụm công trình “Nghiên cứu dịch tễ học, ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh ung thư vú” do các nhà khoa học Bệnh viện K thực hiện vừa nhận Giải nhất lĩnh vực Y dược, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018.
Khám lại cho người bệnh mắc ung thư vú tại Bệnh viện K (Hà Nội).
Giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K khẳng định đây là cụm công trình của tập thể, nhiều thế hệ cán bộ y tế Bệnh viện K từ hơn 25 năm nay. Cụm công trình là kết quả tổng hợp từ ba đề tài cấp nhà nước, ba dự án hợp tác quốc tế, ba đề tài cấp bộ, hai đề tài cấp cơ sở, các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng và 25 đề tài cấp cơ sở.
Bên cạnh các kết quả nghiên cứu dịch tễ học có thể giúp tăng tỷ lệ phát hiện bệnh sớm cho hàng nghìn chị em phụ nữ mỗi năm, các nghiên cứu chuyên sâu về chẩn đoán và điều trị cũng đã thành công trong việc áp dụng các phương pháp chẩn đoán và điều trị hiện đại, các thuốc và phác đồ tiên tiến vào thực tế điều trị phù hợp với điều kiện Việt Nam, mở ra các hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư vú khi tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú của Việt Nam đã đạt hơn 75%, ngang với Xin-ga-po, chất lượng sống của người bệnh được cải thiện, chi phí điều trị cũng phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Công trình nghiên cứu trên cho thấy ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Việt Nam. Xu hướng mắc có chiều hướng gia tăng, từ khoảng 24,4 trường hợp/100 nghìn phụ nữ (năm 2013) lên 26,4 trường hợp (năm 2018). Ước tính bình quân mỗi năm trên cả nước có hơn 15 nghìn phụ nữ mắc ung thư vú, hơn 6.000 trường hợp tử vong, thường xuyên có 42 nghìn phụ nữ đang sống chung với bệnh. Đáng chú ý, tại Việt Nam có xu hướng người mắc ung thư vú trẻ hơn các nước; bắt đầu tăng từ độ tuổi 30 - 34 tuổi và tăng nhanh, đỉnh cao ở 55 - 59 tuổi. Ngoài ra, người càng trẻ mắc bệnh thì tiên lượng càng xấu; khả năng chữa khỏi cũng thấp hơn so với những người tuổi cao. Người trẻ mắc ung thư vú còn phải đối mặt hàng loạt vấn đề tâm lý và xã hội trong và sau điều trị. Điều quan trọng nhất là việc kết hợp nhuần nhuyễn các phác đồ kỹ thuật hiện đại bởi các nhóm chuyên gia khác nhau đã giúp người phụ nữ không chỉ được chữa khỏi mà còn duy trì được hình thức thẩm mỹ, nâng cao chất lượng sống. Ở nhóm tuổi này việc tiên lượng xấu là điều hết sức đáng tiếc, cho nên thôi thúc nhóm tác giả công trình tìm giải pháp để nâng cao tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú. Từ kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã đưa ra khuyến cáo phụ nữ Việt Nam nên bắt đầu khám sàng lọc từ 40 tuổi, thay vì khám sàng lọc, tầm soát từ 45 tuổi như trước đây. Mặt khác, các chị em phụ nữ cần có thói quen chủ động đi khám vì tỷ lệ đến khám khi bệnh đã ở giai đoạn muộn khá cao, có tới 50% số ca bệnh đến cơ sở y tế khám đã ở các giai đoạn 3, 4, khi đó khả năng chữa khỏi không còn cao như giai đoạn sớm.
GS, TS Trần Văn Thuấn cho biết, trước đây khi chưa hiểu sâu về bệnh, chúng ta không biết tại sao một số người bệnh có đặc điểm tương đồng nhau về tuổi và giai đoạn bệnh lại có kết quả điều trị rất khác nhau. Cụm công trình đã làm sáng tỏ thắc mắc này nhờ áp dụng thành công hàng loạt các kỹ thuật chẩn đoán hiện đại, đi sâu vào mức độ phân tử như hóa mô miễn dịch, FISH…Từ đó giúp các bác sĩ có cái nhìn sâu sắc về bệnh và có thể đưa ra phác đồ điều trị nhanh chóng, chính xác và hiệu quả. Nếu như trước đây, khi được chẩn đoán ung thư vú HER 2 dương tính thì tiên lượng bệnh rất xấu vì dễ di căn, nguy cơ tử vong cao. Song nhờ áp dụng kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị, tỷ lệ sống sau 5 năm đã đảo chiều ngoạn mục. Bên cạnh đó, xạ trị kỹ thuật cao như xạ trị điều biến liều IMRT cũng lần đầu được ứng dụng đã giúp tăng tính chính xác và giảm tác dụng phụ đối với các mô lành chung quanh tổ chức u, tăng hiệu quả điều trị ung thư vú, tác dụng phụ hạn chế, cho phép nâng cao liều xạ trị…
Qua nghiên cứu ung thư vú, khảo sát đánh giá các loại ung thư khác, nhóm nghiên cứu nhận thấy ung thư không đáng sợ như suy nghĩ của nhiều người, nếu được phát hiện sớm thì khả năng điều trị khỏi càng cao. Ở các nước phát triển, họ quan niệm bệnh ung thư chỉ là bệnh mãn tính, viêm nhiễm như bệnh tiểu đường, có thể sống chung, không phải là “bản án tử hình”. Hơn 95% trường hợp ung thư vú phát hiện sớm điều trị sẽ khỏi bệnh. Tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú của Bệnh viện K là 75%. Nhóm nghiên cứu kỳ vọng tỷ lệ này còn tăng lên nữa nếu các trường hợp bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm hơn. Trình độ tay nghề phẫu thuật, kiến thức của bác sĩ Việt Nam cũng hoàn toàn sánh được với các bác sĩ trên thế giới.
Hiện nay, hiểu biết của người dân, ý thức của cộng đồng về bệnh ung thư chưa cao khi có tới 70% số người bệnh đến khám, điều trị ở giai đoạn muộn. Vì thế hoạt động truyền thông cần được tăng cường để người dân hiểu hơn về bệnh ung thư, có thêm kiến thức về phòng bệnh, vai trò của phát hiện sớm.
Theo THU HẰNG/nhandan.com.vn