Để tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 thì phải xây dựng cơ sở pháp lý để toàn xã hội quan tâm, thực hiện từ đầu tư kinh phí đến xây dựng đội ngũ giáo viên...
Ngày 29/11/2018, tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018 với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam” diễn ra ở Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã xin Thủ tướng sớm công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2.
GS. TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ đề xuất trên của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và mong muốn Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng sớm ủng hộ đề xuất này.
Giờ học tiếng Anh liên kết ở trưởng Tiểu học Quang Trung (Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Ngày 19/5/2015, GS. TSKH Trần Văn Nhung đã gửi thư kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc này, rằng cần có quốc sách đối với tiếng Anh ở Việt Nam. Trả lời báo chí trước Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp 2018, GS.TSKH Trần Văn Nhung cũng đã nhắc lại một lần nữa cần xem tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, sau tiếng Việt.
Cần có sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ
GS. TSKH Trần Văn Nhung cho rằng, thực ra ở nước ta hiện nay, tiếng Anh đã là ngoại ngữ thứ nhất. Nhưng nếu có cơ sở pháp lý và có sự chỉ đạo thống nhất thì việc dạy, học và sử dụng tiếng Anh sẽ góp phần tích cực hơn để chúng ta bớt khó khăn khi bước vào cuộc CMCN 4.0. Tuy nhiên, cũng cần phải lắng nghe các chuyên gia tư vấn, tránh cực đoan, chỉ xem tiếng Anh là quyết định mà xem nhẹ các năng lực nghề nghiệp và các kỹ năng sống khác.
Ở cấp Tiểu học và THCS, sau tiếng Việt, chúng ta chỉ nên cho học sinh học thêm tiếng Anh. Còn các thứ tiếng khác và khi lên THPT, tùy theo nhu cầu và sự lựa chọn thiết thực trong cuộc sống của học sinh và phụ huynh để đưa vào nhà trường. Bộ GD-ĐT cũng nên tôn trọng nguyện vọng học sinh ở các vùng miền khác nhau.
GS. TSKH Trần Văn Nhung
Việc giảng dạy và học tập tiếng Anh cần phải tiếp tục và nâng cao khi lên THPT, ĐH và sau ĐH. Các địa phương có điều kiện thuận lợi thì có thể giảng dạy nhanh hơn, cao hơn.
Chúng ta cũng cần sớm giảng dạy các môn khoa học trực tiếp bằng tiếng Anh theo hướng từ đơn giản đến phức tạp, để việc học tiếng Anh không chỉ như ngoại ngữ thứ nhất mà còn như ngôn ngữ thứ hai sau tiếng Việt.
GS.TSKH Trần Văn Nhung "tạm" đề xuất một “công thức” để cho một công dân toàn cầu ngày nay có thể tham gia cách mạng công nghiệp 4.0: Sức khỏe tốt + Trái tim nhân hậu + Bộ óc tốt + Kỹ năng sống tốt + Công nghệ thông tin + Tiếng Anh tốt = Công dân toàn cầu thời cách mạng công nghiệp 4.0. Tất nhiên không một công thức nào có thể mô tả được con người. Đây chỉ là một cách viết tắt cho dễ nhớ cái cơ bản. Điều quan trọng nằm sâu sau công thức này là sự tinh thông nghề nghiệp, đạo đức và kỹ năng chung sống.
“Các thầy cô giáo tiếng Anh hiểu rõ hơn ai hết việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa và đội ngũ giáo viên tiếng Anh, đặc biệt là tiếng Anh chuyên ngành là vấn đề khó nhất. Bằng nỗ lực của bản thân, tham khảo và tranh thủ hỗ trợ quốc tế, chúng ta sẽ từng bước xây dựng chương trình, sách giáo khoa và đội ngũ giáo viên tiếng Anh.
Thầy cô vừa dạy vừa học thêm. Bên cạnh đó là tăng cường sử dụng có chọn lọc chương trình, sách giáo khoa tiếng Anh quốc tế như Singapore, Malaysia... đã làm tối ưu”, GS.TSKH Trần Văn Nhung nói.
Nên đánh giá lại việc học tập, giảng dạy tiếng Anh
Là người ủng hộ đề xuất công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 nhưng GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông cho rằng, để tiếng Anh có thể trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam cần phải nhận thức rõ những khó khăn trong hoàn cảnh nước ta.
Đó là ở Việt Nam, tiếng Anh chưa phải ngôn ngữ phổ biến, dù lớp trẻ rất nhiều bạn nói được nhưng chưa phải số đông. Điều này khiến việc phổ cập tiếng Anh tới toàn dân khó khăn hơn.
GS Nguyễn Minh Thuyết
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, đề xuất công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 phải được đưa vào trong luật, được Quốc hội thông qua. Cần phải xem nó có phù hợp Hiến pháp không, bởi Hiến pháp quy định tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, đồng thời cần phải xem thẩm quyền của Quốc hội đến đâu để công nhận ngôn ngữ thứ 2. Vấn đề này phải được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Là giáo viên giảng dạy tiếng Anh tại trường THCS Lê Quý Đôn, Hà Nội, cô giáo Trần Thị Hồng Hạnh nêu quan điểm, Việt Nam đang hội nhập nên việc đề xuất công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 là quan điểm đúng đắn và trước sau gì cũng phải thực hiện.
Tuy nhiên, ngay tại thời điểm này khó khả thi vì việc học tập, giảng dạy tiếng Anh tại các thành phố lớn còn đang là vấn đề nan giải. Đa phần những học sinh giỏi tiếng Anh là đều có ý thức tốt trong học tập và là con em gia đình có điều kiện kinh tế. Còn phần lớn việc học tập, thực hành tiếng Anh với người nước ngoài của con em những gia đình chưa có điều kiện kinh tế hay ở những vùng miền khó khăn vẫn là trở ngại lớn.
Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, điểm số tiếng Anh của học sinh bị xếp thấp nhất. Hơn nữa, trong điều kiện cơ sở vật chất nhiều trường lớp học quá đông thì giáo viên khó có thể đảm bảo để có được những tiết học chất lượng.
Từ những bất cập trên, cô Hồng Hạnh cho rằng, để công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 thì không chỉ ngành Giáo dục mà các cơ quan chức năng cần có sự đánh giá tổng quan thực trạng giảng dạy, học tập tiếng Anh hiện ở Việt Nam như thế nào.
Mặt khác, không chỉ cơ quan quản lý phải đánh giá tổng quan mà bản thân từng gia đình, học sinh, giáo viên phải nỗ lực để nâng cao việc giảng dạy, học tập môn tiếng Anh hơn nữa. Chúng ta phải giáo dục, rèn luyện cho các em ý thức tự giác trong học tập, tự tìm hiểu về tiếng Anh./.
Theo Bích Lan/VOV.VN