Cập nhật: 03/12/2018 09:37:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những năm gần đây, cùng với sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác của địa phương, nông dân huyện Tam Đảo đã đưa cây dược liệu ba kích vào trồng đại trà, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

Đến nay, trên địa bàn huyện Tam Đảo có trên 40ha diện tích đất đồi rừng được bà con nông dân đầu tư trồng cây dược liệu trong đó có gần 20ha là diện tích trồng cây ba kích chủ yếu ở các xã Đạo Trù, Bồ Lý và xã Đại Đình. Một trong số những hộ tham gia trồng ba kích theo mô hình tổ nông dân liên kết, tích cực nhất là hộ gia đình bà Khổng Thị Thịnh, thôn Khương Đình, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo. Năm 2013, gia đình bà bắt đầu trồng cây dược ba kích và hiện nay đã cho thu hoạch và hiệu quả kinh tế là rất cao so với trồng các cây lương thực khác.

Nhờ có mô hình tổ liên kết nông dân trồng cây ba kích, đến nay, nhiều hộ nông dân có diện tích trồng dược liệu Ba kích trên địa bàn huyện Tam Đảo đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng với thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tham gia trồng dược liệu ba kích các hộ nông dân được trực tiếp tham quan học hỏi, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc giống cây ba kích với nhau. Đặc biệt các hộ dân trồng dược liệu ba kích còn được trung tâm kiểm nghiệm chứng nhận chất lượng đất và vật tư nông nghiệp tỉnh vĩnh phúc hỗ trợ cách trọn cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng dược liệu ba kích để sản lượng đạt hiệu quả cao nhất.  

Mô hình trồng Ba Kích dược liệu tại nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Tam Đảo, sẽ tiếp tục được mở rộng, tiến tới quy hoạch vùng trồng cây dược liệu và tạo ra thương hiệu ba kích Tam Đảo để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng và du khách thập phương mỗi khi đến với Vĩnh Phúc./.

Xuân Hưng

Tệp đính kèm