Theo thống kê của ngành y tế, các bệnh truyền nhiễm hiện nay tại Việt Nam có tỷ lệ mắc cao nhất là những bệnh liên quan tới nước sạch, vệ sinh môi trường.
Xử lý nước sạch tại một nhà máy. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)
Tại Việt Nam, các bệnh truyền nhiễm gây dịch có tỷ lệ mắc trên 100.000 dân cao nhất là cúm, tiêu chảy, sốt xuất huyết, tay chân miệng, lỵ, quai bị, thủy đậu.
Đáng lưu ý, các bệnh truyền nhiễm đang là mối quan tâm toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Báo cáo tổng hợp từ 63 tỉnh thành phố năm 2017 cho thấy, trong những năm qua, tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh tại nông thôn đã tăng lên gần 12,8% trong vòng 10 năm, góp phần giảm tỷ lệ mắc các bệnh liên quan tới nước sạch, vệ sinh môi trường, ngăn chặn được các bệnh dịch nguy hiểm. Đây là kết quả rất đáng khích lệ.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy vẫn còn có sự chênh lệch lớn; về tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh giữa các vùng miền.
Nhiều tỉnh còn có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình đạt thấp dưới 50%; tỷ lệ phóng uế bừa bãi vẫn ở mức gần 2% trên toàn quốc. Vẫn còn nhiều trường học, bệnh viện, cơ quan; điểm tham quan du lịch, bến tàu, bến xe; nơi công cộng còn thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đạt chuẩn.
Theo Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), nếu sử dụng nước sạch và vệ sinh tốt, người dân sẽ tránh được 50%-70% bệnh tật từ các bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch.
Theo phó giáo sư Nguyễn Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), hiện nay trên toàn thế giới có hàng tỷ người chưa có nhà vệ sinh, 1,8 tỷ người sử dụng nguồn nước có thể bị nhiễm chất thải người và 62.5% người không được tiếp cận với điều kiện vệ sinh an toàn. Điều này đồng nghĩa với việc một khối lượng lớn chất thải từ con người không được thu gom, xử lý dẫn đến ô nhiễm nguồn đất, nước.
Phong trào vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân trong những năm qua đã được Bộ Y tế phát triển rộng, tới cơ sở và được đẩy mạnh ở nhiều địa phương.
Tỷ lệ nhà vệ sinh đúng chuẩn tại nông thôn tăng lên gần 12,8% trong vòng 10 năm, góp phần giảm tỷ lệ mắc các bệnh liên quan tới nước sạch, vệ sinh môi trường, ngăn chặn được các bệnh dịch nguy hiểm.
Người dân xử lý nguồn nước. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)
Tại nhiều tỉnh đã tổ chức và hoạt động của phong trào vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân từ cấp tỉnh, huyện, thành phố đến các xã, phường, thị trấn, thôn, bản và các tổ chức chính trị-xã hội dần đi vào nề nếp, có chất lượng.
Đến nay, 100% tỉnh/thành phố trên cả nước tổ chức phát động và xây dựng kế hoạch triển khai phong trào vệ sinh yêu nước.
Nhiều tỉnh có tỷ lệ nhà tiêu thấp dưới 50% đã triển khai hiệu quả các mô hình truyền thông vận động cộng đồng xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh như: mô hình vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ, mô hình tiếp thị vệ sinh, mô hình cộng đồng chấm dứt phóng uế bừa bãi.
Đáng chú ý là mô hình truyền thông vận động cộng đồng cùng tham gia đảm bảo vệ sinh tại khu di tích lịch sử; mô hình vận động cộng đồng triển khai phong trào tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm định kỳ, thực hiện thu gom quản lý rác thải.
Bộ Y tế cũng phối hợp với Ngân hàng Thế giới giám sát hỗ trợ nhiều địa phương xây dựng kế hoạch phát triển nhà tiêu nhằm đạt chỉ tiêu nhà tiêu xây mới của cả giai đoạn 5 năm./.
Theo THU HƯƠNG (VIETNAM+)
https://www.vietnamplus.vn/su-dung-nuoc-sach-de-phong-tranh-cac-benh-truyen-nhiem/538764.vnp