Cập nhật: 06/12/2018 17:17:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”.


Phấn đấu là quốc gia có ngành du lịch phát triển hàng đầu Đông Nam Á

Mục tiêu cơ cấu lại ngành du lịch nhằm khai thác tối đa lợi thế về sản phẩm, thị trường, các nguồn lực, hệ thống quản lý ngành, nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; phấn đấu là quốc gia trong nhóm nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Đề án phấn đấu đến năm 2025 tổng thu từ khách du lịch đạt 45 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 27 tỷ USD, ngành du lịch đóng góp trên 10% GDP; tạo ra 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp; nâng dần tỷ lệ lao động trực tiếp phục vụ du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ và kỹ năng đạt 70%; đón và phục vụ 30 - 32 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trên 130 triệu lượt khách du lịch nội địa.

Hệ thống sản phẩm du lịch hình thành rõ nét, đặc sắc, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và có thương hiệu, nhất là tại các khu vực động lực phát triển du lịch; năng lực đón tiếp tại các khu, điểm du lịch được nâng cao, đặc biệt trong các khu du lịch phức hợp quy mô lớn; du lịch thông minh được áp dụng rộng rãi; từng bước cải thiện năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Phát triển các sản phẩm du lịch mới

Để đạt được những mục tiêu trên, trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ tập trung khai thác các thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày; đẩy mạnh thu hút phân khúc thị trường khách du lịch theo một số loại hình du lịch chuyên đề mà Việt Nam có lợi thế như du lịch cộng đồng, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch sự kiện, hội nghị, hội thảo (MICE), du lịch golf, du lịch ẩm thực; ưu tiên phát triển những sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao và tăng cường trải nghiệm của khách du lịch; tiếp tục phát triển mạnh các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo có lợi thế về tự nhiên và văn hóa, gắn với các khu vực động lực phát triển của du lịch Việt Nam; phát triển các sản phẩm du lịch mới, có tiềm năng như các sản phẩm du lịch sáng tạo, du lịch chuyên đề, du lịch mua sắm, du lịch cộng đồng.

Cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp du lịch quy mô lớn, có thương hiệu trong và ngoài nước phát triển thành lực lượng nòng cốt, giữ vai trò định hướng phát triển sản phẩm, thị trường du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch cao cấp, có giá trị cao; tập trung phát triển số lượng lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, tăng cường tính kết nối trong chuỗi giá trị du lịch; thúc đẩy phát triển các mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp du lịch ứng dụng công nghệ thông tin, du lịch thông minh, du lịch sáng tạo, du lịch cộng đồng; xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, hệ thống doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, hiện đại, có năng lực cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế... 

Theo Phương Nhi/Chinhphu.vn

Tệp đính kèm