Ô nhiễm rác thải nhựa ở biển đã trở thành vấn đề toàn cầu. Thách thức này đòi hỏi nhân loại phải sớm chung tay hành động... Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội thảo quốc tế nhằm tham vấn, xây dựng “Kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam về quản lý rác thải nhựa đại dương”, vừa diễn ra tại Hà Nội.
Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế, các nhà hoạt động môi trường, các tổ chức cộng đồng cùng thảo luận về tình hình rác thải nhựa tại Việt Nam. Các chuyên gia đến từ Canada, Hàn Quốc và Ngân hàng Thế giới (WB) đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế liên quan phương pháp tiếp cận như loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa, xây dựng một kế hoạch hành động quốc gia phù hợp Nghị quyết Hội nghị T.Ư 8 khóa XII của Đảng về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”.
Ô nhiễm rác thải biển không chỉ gây ảnh hưởng chất lượng môi trường và hệ sinh thái biển, mà còn tác động trực tiếp tới các hoạt động kinh tế và cộng đồng dân cư ven biển, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh lương thực, an ninh năng lượng. Thống kê cho thấy, mỗi năm có khoảng tám triệu tấn rác nhựa đổ ra các đại dương trên toàn thế giới, tương đương với một xe tải chứa đầy rác đổ ra biển mỗi phút. Trên toàn thế giới, mỗi năm, con người thải ra khoảng 100 - 150 tỷ USD trị giá bao bì đóng gói bằng nhựa/nylon. Mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương từ 0,28 - 0,73 triệu tấn rác thải nhựa (chiếm 6% toàn thế giới). Theo ông Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Nghiên cứu biển và hải đảo, Việt Nam có 112 cửa biển, đây chính là nguồn để rác trôi ra đại dương và rất nhiều sinh vật nhầm tưởng rác thải là thức ăn hoặc mắc kẹt giữa các ngư cụ nên bị chết, dẫn đến sinh cảnh bị phá hủy. Bên cạnh đó, chất thải nhựa và rác nhựa đại dương, gồm cả vi nhựa, là một mối đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe của các đại dương, sông ngòi và sức khỏe con người.
Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thông qua những cam kết cũng như các hoạt động thiết thực trong quản lý nhằm giảm rác thải nhựa. Mới đây, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng đã làm việc với WB để phối hợp xây dựng dự án “Thiết lập quan hệ đối tác khu vực các biển Đông Á về quản lý rác thải nhựa đại dương”, phối hợp đối tác Nhật Bản xúc tiến việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam... Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được tác hại của việc sử dụng rác thải nhựa, cũng như đang sửa đổi Luật Biển đảo để tạo khung pháp lý tốt hơn trong vấn đề này.
Từ tháng 4-2018, Đại sứ quán Canada tại Hà Nội đã khởi xướng sáng kiến vận động nhằm chống ô nhiễm nhựa. 58 tổ chức quốc tế, đại sứ quán và tổng lãnh sự quán tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã ký Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa thông qua chiến lược truyền thông trực tuyến mang tên “#CountdownPlastic” trên mạng xã hội. Tại Hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo G7 tại Canada tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh cam kết của Việt Nam sẽ hợp tác cùng Canada và các đối tác khác vì các đại dương không có rác thải nhựa.
BÀI & ẢNH: HỒNG LÝ
Theo nhandan.com.vn