Cập nhật: 19/12/2018 09:09:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Làng nghề thủ công mỹ nghệ có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Khách tham quan quy trình làm ra sản phẩm lụa tơ tằm Vạn Phúc.

Tuy nhiên, lâu nay, phần lớn các làng nghề vẫn “tự bơi”. Chưa hình thành mối quan hệ hai bên cùng có lợi giữa nghệ nhân - doanh nhân. Nhiều khi, nghệ nhân các làng nghề còn bị chèn ép. Muốn làng nghề phát huy hết tiềm năng, bản thân các hộ kinh doanh cần sự liên kết chặt chẽ hơn giữa nhà quản lý - nghệ nhân - doanh nhân.

Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có 12 lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, du lịch văn hóa… trong đó thủ công mỹ nghệ là thành tố quan trọng của du lịch văn hóa. Về phía thành phố Hà Nội, đề án phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô đã coi phát triển ngành thủ công mỹ nghệ làng nghề truyền thống trở thành ngành “công nghiệp sáng tạo” mũi nhọn. Đây được coi là hướng đi hết sức đúng đắn. Bởi từ lâu, làng nghề đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, nhất là khu vực nông thôn. Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, doanh thu từ 297 làng nghề của thành phố năm vừa qua lên đến hơn 20 nghìn tỷ đồng. Trong số này, có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ độc đáo, cho ra đời những sản phẩm giàu chất văn hóa mà lại có hiệu quả kinh tế cao. Nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ đã gia nhập “câu lạc bộ nghìn tỷ” như: Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ, sơn son thếp vàng Sơn Đồng; làng nghề mộc Hữu Bằng, làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc... Tuy nhiên, những làng nghề thủ công mỹ nghệ nghìn tỷ vẫn còn là số ít. Nhiều làng nghề còn chưa phát triển tương ứng với tiềm năng.

Các làng nghề thủ công hiện nay có thu nhập từ việc sản xuất sản phẩm xuất ra thị trường trong nước và quốc tế, thu hút khách du lịch để “xuất khẩu tại chỗ” và phát triển các dịch vụ đi kèm. Để phát triển một cách đồng bộ, thì cần có sự liên kết giữa nghệ nhân với doanh nghiệp để bán sản phẩm; liên kết giữa nghệ nhân - doanh nghiệp lữ hành để phát triển du lịch. Ngoài ra, còn có sự liên kết giữa các làng nghề để hỗ trợ lẫn nhau trong làm ra sản phẩm. Tuy nhiên, lâu nay, phần lớn các doanh nghiệp, hộ gia đình vẫn tự mày mò tìm đối tác. Tại hội thảo “Kết nối doanh nghiệp với làng nghề truyền thống trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô” do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội vừa mới tổ chức, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho biết, sự thiếu liên kết đang cản trở sự phát triển của các nghề thủ công. Theo ông, việc thực hiện được liên kết này không thể để mặc cho các cơ sở sản xuất mà cần có sự xuất hiện của yếu tố thứ ba là nhà quản lý. Các nhà quản lý có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn kết nối các bên trong phát triển sản phẩm.

Đối với việc phát triển du lịch làng nghề, bên cạnh những khó khăn về hạ tầng, thì còn rất nhiều vấn đề đang đặt ra. Đó là các tua chỉ mới tham quan, mua bán sản phẩm nói chung, chứ chưa hình thành được các tua chất lượng đến với những nghệ nhân nổi tiếng, khai thác giá trị nghề nghiệp của những nghệ nhân này; người dân làng nghề chưa có kiến thức làm du lịch; chú trọng bán hàng hơn là giới thiệu các nét văn hóa đặc sắc, cho nên tua chưa hấp dẫn... Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải đề xuất, chính quyền địa phương cần tham gia sâu hơn vào công tác phát triển du lịch, đưa ra những cơ chế, chính sách khuyến khích các hộ, doanh nghiệp làm du lịch chất lượng cao. Về phía doanh nghiệp, cần phối hợp chính quyền hoặc các tổ chức để đào tạo cho cộng đồng dân cư tại các làng nghề, nghiên cứu phục hồi các lễ hội, tục thờ Tổ nghề… để tạo thêm các hoạt động văn hóa thu hút khách. Ông Trần Đức Hải cũng nhấn mạnh vai trò của liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành với các nghệ nhân, hộ kinh doanh để tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng, hấp dẫn khách.

Đối với các mặt hàng thủ công làm đồ lưu niệm, đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Ao Vua nhận định, hiện nay các doanh nghiệp, hộ gia đình chưa chú trọng tạo ra sản phẩm chất lượng, giá thành cạnh tranh, chưa có điểm đến có thể phục vụ khách theo tua để kích cầu tiêu dùng và quảng bá các sản phẩm. Một số chuyên gia cho rằng, môi trường kinh doanh hiện đang thay đổi rất nhanh. Việc phần lớn làng nghề còn giữ quy mô hộ gia đình cũng là một yếu tố cản trở phát triển. Các hộ gia đình nên nghiên cứu chuyển đổi hoạt động sang mô hình doanh nghiệp để bảo đảm tư cách pháp nhân, sự thuận lợi trong hợp tác kinh doanh. Về phía làng nghề, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc Phạm Khắc Hà chia sẻ kinh nghiệm, đó là: Xây dựng kế hoạch tập trung vào các giải pháp như tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa của phát triển làng nghề gắn với du lịch; tham mưu đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; phát huy cao nhất nguồn di sản của làng nghề, nghệ nhân, thợ giỏi. Vạn Phúc cũng tích cực tăng cường công tác tiếp thị, quảng bá, tham gia hội chợ triển lãm nhằm khai thác thị trường tiêu thụ, nắm bắt thị hiếu khách hàng để cải tiến kỹ thuật, mẫu mã đa dạng chủng loại để tạo sự hấp dẫn đối với khách hàng.

Công nghiệp văn hóa trải rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó, thủ công mỹ nghệ, du lịch làng nghề đóng vai trò quan trọng. Bởi vậy, để làng nghề phát triển đồng bộ, cùng với việc hạ tầng, nhiều đại biểu cho rằng thành phố cần quan tâm hơn nữa đến làng nghề thủ công mỹ nghệ, đổi mới công tác hỗ trợ, tăng cường giúp đỡ nghệ nhân làng nghề trong thiết kế, quảng bá sản phẩm cũng như kiến thức làm du lịch.

Giang Nam

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm