Thời gian qua, tại một số địa phương liên tục xảy ra tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần, thể chất của học sinh cũng như làm giảm sút uy tín, hình ảnh của người thầy, gây bức xúc trong ngành và xã hội. Vì vậy, ngành giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) cần vào cuộc quyết liệt và đề ra các giải pháp ngăn ngừa, khắc phục thực trạng đáng buồn này.
Nhiều người cho rằng, “tai nạn nghề nghiệp” là điều khó tránh khỏi, nhưng vi phạm đạo đức nghề nghiệp nói chung, nhà giáo nói riêng là điều khó chấp nhận. Ấy vậy mà, chỉ tính riêng trong năm 2018, cả nước đã xảy ra hàng chục vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo, bị xã hội lên án.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hoàng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), “tai nạn nghề nghiệp” đôi khi cũng không tránh khỏi đối với giáo viên, có thể là do tâm lý, áp lực công việc căng thẳng. Nhất là với giáo viên mầm non, tiểu học và THCS thường xuyên chịu áp lực công việc. Tuy nhiên, không thể lấy lý do cảm thấy áp lực, căng thẳng là đánh, xúc phạm học sinh. Giáo viên cần phải nhìn nhận lại bản thân để rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức cũng như kỹ năng sư phạm.
Theo cô giáo Thuận, với những học sinh nói tục, vi phạm nội quy, giáo viên cần biết cách giáo dục, lồng ghép việc giáo dục trong các giờ học môn Tiếng Việt, Ngữ văn, Giáo dục công dân để các em hiểu được sự trong sáng của tiếng Việt, lễ phép khi ứng xử. Thời gian qua, tại mỗi buổi họp hội đồng, giao ban, họp giáo viên chủ nhiệm, Ban Giám hiệu Trường THCS Tô Hoàng thường xuyên nhắc nhở giáo viên cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn cần nâng cao đạo đức nhà giáo, kỹ năng ứng xử giữa giáo viên với giáo viên, giáo viên với học sinh. Đối với những giáo viên trẻ mới về, nhà trường không giao ngay việc chủ nhiệm lớp.
Cùng quan điểm nêu trên, các chuyên gia giáo dục cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến những hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo là do chất lượng đội ngũ, giáo viên thiếu kỹ năng sư phạm. Thực tế cho thấy, nhiều cơ sở đào tạo giáo viên (không phải trường sư phạm) tham gia tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, dẫn tới người tốt nghiệp thiếu kỹ năng sư phạm. Một số quy định về tuyển dụng, sử dụng viên chức hiện nay chưa được cải thiện, ngành giáo dục chưa có được những quy định mang tính đặc thù trong tuyển dụng giáo viên như: Sơ tuyển, ưu tiên đối với người tốt nghiệp những trường đào tạo uy tín, trường trọng điểm…, cho nên còn có nhiều hạn chế, bất cập. Ngoài ra, còn một số giáo viên chưa nêu cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng, rèn luyện để nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ. Một số cơ sở giáo dục chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh; nhiều học sinh được gia đình quá nuông chiều, thiếu ý thức tuân thủ quy tắc, quy định, nền nếp dẫn đến có những hành vi, phản ứng gây bức xúc cho nhà giáo. Vì thiếu kiên nhẫn, thiếu kỹ năng xử lý tình huống đã dẫn tới việc giáo viên gây ra những sự việc đáng tiếc. Vì vậy, xác định việc nâng cao đạo đức nhà giáo là nhiệm vụ quan trọng, cùng với việc triển khai thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ năm học, thời gian qua, các địa phương còn đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, từ đó tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn ngành.
Để xảy ra các vụ vi phạm đạo đức nhà giáo trước hết là trách nhiệm của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, khi các vi phạm xảy ra, các trường đều tìm cách né tránh, đối phó thay vì nhìn thẳng vào sự thật để khắc phục. TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội nêu quan điểm: Gốc của vấn đề là trường học mất dân chủ, việc giáo dục học sinh còn mang tính áp đặt. Mặc dù Bộ GD và ĐT đã ban hành các chỉ thị, văn bản về tăng cường quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo; các quy tắc ứng xử, quy chế làm việc nhưng việc kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện chưa thường xuyên, một số nơi hiệu trưởng còn bị động trong việc phòng ngừa, chấn chỉnh những biểu hiện, vi phạm của giáo viên. Trong khi đó, một số cơ sở đào tạo giáo viên còn nặng về dạy kiến thức, chưa chú trọng việc đào tạo sinh viên các phương pháp học, tâm lý học, dẫn tới khi ra trường và đi làm, các giáo viên bị thiếu hụt kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống. Vì vậy, bên cạnh việc ban hành các văn bản chỉ đạo, ngành GD và ĐT cần có những giải pháp căn cơ, có cơ chế kiểm soát, đánh giá giáo viên thường xuyên để ngăn chặn, đẩy lùi và chấm dứt tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo.
Theo Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Hữu Độ, Bộ GD và ĐT đã yêu cầu các sở GD và ĐT thành lập các đoàn công tác, kiểm tra các cơ sở giáo dục về việc triển khai thực hiện một số quy định liên quan đến đạo đức nhà giáo. Ngành giáo dục tăng cường nắm bắt thông tin tại các cơ sở giáo dục để chủ động xử lý, giải quyết vụ việc; tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên; tăng cường kỹ năng ứng xử và giải quyết các tình huống sư phạm trong bối cảnh hiện nay; hỗ trợ tư vấn tâm lý cho nhà giáo và người học.
Theo Quý Tùng/ nhandan.com.vn