Do hội tụ gần đủ các yếu tố để chấm dứt bệnh lao, tại hội nghị cấp cao về chấm dứt bệnh lao toàn cầu của Ðại hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam đã đưa ra cam kết sẽ chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Với những giải pháp đã và đang triển khai, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu, mở đường cho các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương cũng như trên thế giới trong phòng, chống lao ở cộng đồng. Theo PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư, Chủ nhiệm chương trình chống lao quốc gia, Việt Nam đã hội tụ gần đủ các yếu tố để cơ bản chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Về cam kết chính trị, Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6, khóa XII đã đặt chỉ tiêu cơ bản chấm dứt bệnh lao vào năm 2030; Chính phủ ban hành chiến lược quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Chính phủ và Bộ Y tế có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ công tác chống lao được triển khai thuận lợi… Mặt khác, Việt Nam có hướng dẫn kỹ thuật và phác đồ chuẩn thống nhất trên toàn quốc; có mạng lưới chuyên khoa từ Trung ương đến địa phương triển khai hiệu quả nhiều can thiệp. Các tổ chức quốc tế hỗ trợ mạnh mẽ cả về tài chính và kỹ thuật cho công tác phòng, chống lao. Mạng lưới nghiên cứu lao và bệnh phổi quốc gia đã được thành lập với vai trò điều phối, kết nối của Trung tâm Hợp tác nghiên cứu Lao và Bệnh phổi Việt Nam cùng sự tham gia của nhiều đối tác trong nước và quốc tế.
Ðáng chú ý, hiện nay, chúng ta đã áp dụng hầu hết các tiến bộ khoa học công nghệ của thế giới trong xét nghiệm mới, thuốc mới, cho nên đã phát hiện sớm và điều trị được với tỷ lệ thành công cao các thể lao, kể cả lao đa kháng và siêu kháng thuốc. Ðồng thời, Việt Nam đã có năng lực nghiên cứu rất tốt để sẵn sàng áp dụng các sáng kiến và kỹ thuật mới ra đời trên thế giới; có khả năng đóng góp kinh nghiệm cho các nước trong khu vực.
Thách thức lớn nhất của Chương trình chống lao là duy trì bền vững tất cả những điều kiện thuận lợi hiện có, những thành quả đã đạt được cho đến năm 2030. Ðồng thời cần có sự tiếp cận chủ động của cộng đồng với các dịch vụ phòng, chống lao để phát hiện sớm và điều trị khỏi tất cả các trường hợp bị lao để cắt đứt nguồn lây. Chúng ta cần sự tham gia tích cực của cộng đồng nhằm giảm sự kỳ thị, mặc cảm về bệnh lao và có chính sách hỗ trợ, nhất là hỗ trợ kinh tế cho mọi người bệnh, không còn rào cản nào khiến họ phải giấu bệnh hoặc bỏ điều trị.
Ðể đạt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, bên cạnh duy trì những giải pháp đã, đang triển khai, gỡ bỏ những thách thức, cần sự vào cuộc của tất cả các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương, có sự đánh giá tiến độ thực hiện hằng năm. Mặt khác, "luật hóa" cam kết chấm dứt bệnh lao; tổ chức hợp lý mô hình chương trình chống lao của những tỉnh chưa có bệnh viện chuyên khoa; tăng cường đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn chuyên ngành lao cho cán bộ y tế cơ sở...
Theo Ngọc Minh/nhandan.com.vn