Thời tiết hanh khô, trẻ rất dễ bị nẻ, chàm, mẩn ngứa. Chăm sóc da cho trẻ sai cách dẫn đến trẻ bị nhiễm vi khuẩn, virus, nhiễm nấm ở trên da.
Ths.BS Nguyễn Thùy Linh – Phó Trưởng Khoa điều trị Bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương, vào mùa đông, Bệnh viện thường tiếp nhận một số trường hợp trẻ bị viêm da cơ địa do tình trạng hanh khô quá của thời tiết dẫn đến tình trạng bệnh lý nặng lên của viêm da cơ địa. Bên cạnh đó, tình trạng nhiễm khuẩn trong mùa đông cũng thường hay gặp do việc vệ sinh sai cách của người lớn dẫn đến trẻ có thể bị nhiễm vi khuẩn, virus, nhiễm nấm ở trên da.
(Ảnh minh họa: KT)
Với viêm da cơ địa, thường các em bé sẽ bị khởi phát bệnh từ rất sớm. Viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ tuổi có biểu hiện đặc trưng ở vùng mặt, hai bên má và dưới cằm, những nơi mà da có thể bị khô, đỏ, bong tróc vảy hoặc có những mụn nước nhỏ trên nền da đỏ chảy dịch, dập vỡ. Ngoài ra còn một số vùng khác như hai cẳng chân, hai cẳng tay. Với trẻ lớn hơn, vị trí tổn thương hay gặp ở các nếp gấp, khoeo chân, khoeo tay, vùng nách, vùng bẹn.
Các cha mẹ khi thấy trẻ bị chàm, không nên tự ý mua thuốc để điều trị cho trẻ. Với các bé có bệnh lý về da liễu, khi có những biểu hiện bất thường ở trên da, cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện để các bác sĩ có chuyên môn đánh giá trực tiếp.
Một số lưu ý trong việc chăm sóc da cho trẻ em
Theo bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, mặc dù thời tiết lạnh nhưng chúng ta vẫn thường xuyên tắm cho trẻ hàng ngày, hoặc lau người sạch sẽ cho trẻ. Với những trẻ bị viêm da cơ địa, việc vệ sinh cần phải chú ý hơn.
Nếu khô da, đỏ da thì cha mẹ cần nên hạn chế dùng các loại lá, đặc biệt những lá có nhiều tinh dầu và tuyệt đối không nên cho các loại dầu vào trong nước tắm của trẻ.
Nhiệt độ nước tắm từ 35-37 độ. Không nên tắm cho trẻ quá lâu vì sẽ rửa trôi hết lớp lipid ở trên da và làm da yếu hơn, không có khả năng tự bảo vệ. Cha mẹ cần duy trì cung cấp đủ lượng nước hàng ngày cho trẻ, với 1-1,5 lít nước/ngày và có chế độ ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ./.
Theo VOV.VN