Từ nhiều năm nay, chị đã nghiên cứu và là người đầu tiên đưa hình vẽ có hoa văn màu sắc tươi tắn lên các sản phẩm gốm Chăm. Với đôi bàn tay tài hoa chị đã vẽ hàng trăm nghìn bức họa lên các sản phẩm gốm Chăm và các sản phẩm đó như được “khoác áo mới” với những mảng màu văn hóa Chăm độc đáo, sinh động, cuốn hút người dân, du khách. Chị là họa sĩ Chế Kim Trung (TP Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận).
Họa sĩ Chế Kim Trung say mê vẽ lên gốm Chăm
Lâu nay, việc vẽ trên các bình gốm sứ rất phổ biến thế nhưng vẽ trên bình gốm Chăm thì họa sĩ Kim Trung là người đầu tiên. Từ năm 2000 đến nay, họa sĩ Kim Trung đã vẽ hàng nghìn bức họa lên các sản phẩm gốm Bàu Trúc với sắc màu và họa tiết bắt mắt khiến nhiều người thích thú.
Gốm Chăm thêm đặc biệt
Họa sĩ Kim Trung cho cho biết: “Vẽ trên gốm Bàu Trúc khó nhất là khâu tạo màu bởi gốm hút màu sắc mạnh nên người họa sĩ phải vẽ nhiều lần, nhiều lớp mới có được một sản phẩm như mong đợi”. Nói về cảm xúc và ý tưởng mỗi lần vẽ tranh lên gốm Chăm, họa sĩ Kim Trung thổ lộ: “Để vẽ được một sản phẩm ưng ý tôi phải lắng nghe âm thanh từ trong những chiếc bình vọng ra. Đặt những chiếc bình vào tai nghe được những âm thanh, tiếng gọi nó thôi thúc mình giống như thần PôKlong phù hộ cho trí tuệ của tôi phải nhập tâm để sáng tác. Những âm thanh từ trong chiếc bình nó văng vẳng làm chất xúc tác đến tâm thức để mình truyền tải hình ảnh, hoa văn, lễ hội qua những bút pháp bằng màu, bằng hình”.
Vẽ trên gốm Bàu Trúc là cách mà họa sĩ Kim Trung thể hiện tình yêu đối với văn hóa dân tộc. Nếu mỗi bình gốm Bàu Trúc là một mảng duy nhất thì những hoa văn, nét vẽ trên bình gốm cũng không lặp lại trên bình thứ hai. Nhìn vào mỗi sản phẩm gốm Bàu Trúc của họa sĩ Kim Trung, người xem sẽ thấy được sự khéo léo, tỷ mỉ và óc sáng tạo của những người phụ nữ Chăm dù là công đoạn tạo hình hay là vẽ trên gốm.
Các tác phẩm gốm Chăm đẹp mê hồn sau khi “khoác áo mới”
Đưa văn hóa Chăm vào hội họa
Chúng tôi may mắn được tham quan phòng tranh của họa sĩ Chế Kim Trung, mục sở thị những tác phẩm đất nung thô mộc được họa sĩ Kim Trung “thổi hồn” bằng các họa tiết mỹ thuật tạo nên những sản phẩm độc đáo nâng tầm thương hiệu gốm Bàu Trúc. Với niềm say mê văn hóa dân tộc của mình, nữ họa sĩ Kim Trung đã tạo nên con đường nghệ thuật rất riêng mà ở đó mỗi tác phẩm đều mang màu sắc văn hóa Chăm đặc sắc.
Họa sĩ Kim Trung tâm sự: “Trong quá trình sáng tác, tôi thể hiện nhiều chủ đề khác nhau. Trong đó chủ đề về phong tục tập quán, tín ngưỡng, sinh hoạt đời thường… của người Chăm thì tôi sáng tác nhiều hơn, sâu hơn. Đặc biệt là phần lễ nghi, lễ hội của cộng đồng Chăm rất đa dạng và phong phú, để có một sản phẩm hoàn thiện và chân thật tôi cũng phải nghiên cứu, trải nghiệm nhiều năm. Có như vậy mới thể hiện được cái hồn của các lễ nghi, lễ hội của người Chăm”.
Đến nay, sau hơn 18 năm hoạt động nghệ thuật, họa sĩ Chế Kim Trung đang sở hữu một “gia tài” mỹ thuật đồ sộ với hàng nghìn tác phẩm. Mỗi tác phẩm thể hiện một đề tài riêng, một cảm xúc riêng về lễ hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng, sinh hoạt thường nhật, đề tài kháng chiến, lực lượng vũ trang, tình yêu quê hương đất nước.
“Tôi trăn trở làm sao có thể mở rộng được không gian sáng tác và nơi trưng bày rộng hơn nữa để quảng bá cho du khách trong và ngoài nước biết được những hình tượng về văn hóa Chăm, hình tượng về nét đẹp của gốm Chăm. Tôi cũng mong muốn được truyền dạy lại kỹ thuật vẽ hoa văn trên gốm Bàu Trúc cho bà con để họ phát triển hơn làng nghề gốm cổ nhất Đông Nam Á này”, họa sĩ Kim Trung mong muốn.
Hiện nay, bên cạnh công việc sáng tác, giảng dạy mỹ thuật, họa sĩ Chế Kim Trung còn tận dụng không gian ngôi nhà của mình mở phòng trưng bày tranh với hàng nghìn tác phẩm; qua đó, mong muốn giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tạo mỹ thuật cũng như quảng bá, giới thiệu văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm đến du khách trong và ngoài nước.
Theo XUÂN HƯỚNG/baovanhoa.com.vn