Cập nhật: 29/12/2018 14:26:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trời vừa chiều, hai vợ chồng nghệ nhân dân ca bài chòi Trịnh Công Sơn và Trần Thị Mỹ Lệ đã tất bật chuẩn bị cho buổi biểu diễn từ thiện tại một bệnh viện của tỉnh Quảng Ngãi. Chương trình gồm tiết mục bài chòi hội (hô bài chòi) và các làn điệu bài chòi ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước; có cả sự góp mặt của hai cậu con trai của họ là Quang Sơn, Quang Phước và các cán bộ, bác sĩ của bệnh viện.

Diễn viên Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố Quảng Ngãi biểu diễn tại Festival Di sản Quảng Nam.

Lính áo xanh mê hát bài chòi

Vừa tập ca khúc của mình, vợ chồng ông Sơn vừa gọi điện cho các cộng tác viên của Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố Quảng Ngãi (do ông làm Giám đốc), động viên họ cùng tham gia. Trước đó, những cán bộ, bác sĩ ở bệnh viện cũng đã được nghệ nhân Trịnh Công Sơn hướng dẫn tỉ mỉ cách hát bài chòi. Mọi người cùng rộn ràng, tất bật chuẩn bị cho đêm diễn trong sự chờ đợi, háo hức của bệnh nhân. Đặc biệt, buổi biểu diễn này có sự góp mặt của thành viên tích cực nhất là Thiếu tá, quân nhân chuyên nghiệp Lê Anh Quốc ở Ban Chỉ huy Quân sự huyện Minh Long. Anh Quốc kể, từ nhỏ, anh đã ngấm các làn điệu bài chòi mỗi khi nghe mẹ hát ru em. Sau này, tuy không theo con đường nghệ thuật, song cứ nghe vang vọng đâu đó câu ca bài chòi là anh thấy gần gũi, thân thương vô cùng. Năm 2001, khi còn trong quân ngũ, biết tin nghệ nhân Trịnh Công Sơn mở lớp hát bài chòi, anh lập tức đăng ký tham gia. Việc học hát vốn không hề dễ dàng, trong khi công việc ở Ban Chỉ huy Quân sự bận rộn, nhưng may mắn là anh Quốc được đơn vị tạo điều kiện, thời gian để có thể hoàn thành tốt cả hai. Anh trở thành học viên tích cực của lớp, được chọn đi biểu diễn và giao đóng các vai trong nhiều tiểu phẩm tham gia các cuộc thi không chuyên của tỉnh, phong trào của lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 5. Trở thành diễn viên nghiệp dư khiến người chiến sĩ thêm hăng say với nghệ thuật. Càng hát nhiều, diễn nhiều, chất bài chòi càng ngấm dần và anh lại phát hiện mình có khả năng viết kịch bản. Bên cạnh việc biểu diễn trên sân khấu, anh Quốc còn viết kịch bản, chuyển thể sang bài chòi và tự tay dàn dựng cho các đồng nghiệp tham gia phong trào văn nghệ. Mới đây, vở diễn Ký ức Sơn Mỹ do anh viết và dàn dựng đã được giải A trong Hội diễn nghệ thuật quần chúng LLVT Quân khu 5; tiểu phẩm Chuyện kể 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc được giải tại Hội thi hát dân ca LLVT Quân khu 5; ca khúc bài chòi Nghĩa tình quê hương đoạt giải nhất Hội thi chi hội trưởng phụ nữ giỏi tỉnh Quảng Ngãi…

Khả năng văn nghệ của Thiếu tá Lê Anh Quốc ngày càng được phát huy khi năm 2016, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi thành lập Câu lạc bộ hát ru và dân ca trong LLVT. Tại đây, anh vừa hát, vừa diễn, vừa viết kịch bản và dàn dựng cho đồng đội tham gia tất cả các phong trào văn nghệ lớn, nhỏ của tỉnh và Quân khu 5. Phong trào hát ru và dân ca trong LLVT phát triển mạnh mẽ, không bỏ sót bất cứ cuộc thi nào được phát động. Có đến hơn 10 thành viên câu lạc bộ là cộng tác viên tích cực của Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố Quảng Ngãi, chiếm 50% quân số ở đây. Vì thế, buổi biểu diễn nào của trung tâm cũng có các màn diễn độc đáo của những người lính áo xanh. “Công việc của người lính rất bận rộn, song hễ nhận được yêu cầu đi hát ở bất cứ đâu là chúng tôi lại cố gắng thu xếp thời gian để có thể đứng trên sân khấu ca diễn bài chòi phục vụ nhân dân. Mẹ tôi cũng là một người hâm mộ đặc biệt của bài chòi, bất cứ ở đâu có biểu diễn là bà lại đến xem”, Thiếu tá Lê Anh Quốc tâm sự.

Để bài chòi được chắp cánh bay xa

Nghệ nhân Trịnh Công Sơn sinh năm 1954, vốn là diễn viên Đoàn văn công tỉnh Quảng Ngãi. Do điều kiện cuộc sống và hoạt động nghề nghiệp nhiều khó khăn, ông chuyển sang làm hướng dẫn viên du lịch, song vì yêu thích nghệ thuật cho nên vẫn tham gia các phong trào quần chúng suốt từ năm 1975 đến nay. Công việc chính của ông là biểu diễn và dạy hát bài chòi cho thế hệ sau. Qua thời gian, nghệ thuật bài chòi gặp nhiều khó khăn trong việc bảo tồn và phát triển nhưng ông Sơn vẫn gắn bó với bộ môn nghệ thuật độc đáo của miền trung này. Ông cộng tác với nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh hướng dẫn họ cách hát cũng như dàn dựng tiết mục để tham gia các cuộc thi, phong trào không chuyên do tỉnh, huyện và các ngành tổ chức. Năm 2013, nghệ nhân Trịnh Công Sơn đứng ra xin phép UBND tỉnh Quảng Ngãi cho thành lập Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố Quảng Ngãi theo hình thức xã hội hóa và được chấp nhận. Ông trở thành Giám đốc trung tâm. Trung tâm tuy có tư cách pháp nhân, hoạt động dưới sự quản lý của tỉnh, song chưa có trụ sở hoạt động, cho nên ngôi nhà của vợ chồng nghệ nhân Sơn trở thành nơi tập luyện của các diễn viên; hiện có hơn 20 cộng tác viên đến từ nhiều ngành nghề khác nhau như giáo viên, bộ đội, tiểu thương… Mọi người làm việc ở đây, kể cả giám đốc đều không có lương, chủ yếu sống bằng nguồn thu nhập từ những công việc không liên quan đến nghệ thuật, nhưng mỗi khi có dịp được biểu diễn họ luôn hết mình và tràn đầy say mê.

Được biết, trung tâm nghệ thuật của nghệ nhân Trịnh Công Sơn lâu nay trong tình trạng hết sức khó khăn do thiếu kinh phí khi hoạt động 100% bằng nguồn xã hội hóa. Từ khi nghệ thuật bài chòi Trung Bộ được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tình cảnh không khá hơn là mấy do bộ môn này vẫn chưa thu hút được nhiều khán giả. Vì thế, hoạt động chính của trung tâm chủ yếu là dàn dựng những chương trình dài 15 đến 30 phút; thực hiện tuyên truyền các phong trào xã hội như xây dựng nông thôn mới, văn hóa đô thị, an toàn giao thông, học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; biểu diễn trong những dịp lễ, Tết, kỷ niệm ngày truyền thống của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh. Mới đây, ông Sơn cộng tác với Trường mầm non Sơn ca viết kịch bản về bạo lực học đường và hướng dẫn giáo viên, học sinh hát bài chòi để tham gia hội thi của tỉnh. Ông cũng thường xuyên hợp tác với các trường học, cho nên xây dựng được đội ngũ đông đảo giáo viên làm cộng tác viên cho trung tâm. Ông Sơn cho biết, những chương trình, tiết mục ngắn phục vụ biểu diễn phong trào diễn ra khá thường xuyên, song các vở diễn quy mô, chuyên nghiệp hầu như ít có cơ hội được dàn dựng. Cuối tháng 10 vừa qua, để tham gia Liên hoan nghệ thuật tuồng, bài chòi và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc, trung tâm đã nỗ lực dựng vở Núi rừng năm ấy của tác giả Nguyễn Thế Kỷ như một cuộc thử sức. Đây là tác phẩm viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta, trong đó việc ca ngợi nhân vật anh hùng được thể hiện tương phản với sự phê phán, lên án nhân vật phản diện, cơ hội, luôn tìm cách hại dân hại nước. Toàn bộ các cộng tác viên được huy động để tập luyện liên tục trong vòng gần hai tháng. Vở diễn đã gây hiệu ứng tốt với khán giả, được Ban giám khảo trao Giải đặc biệt một cách xứng đáng. Vì rất hiếm khi có cơ hội được dựng một tác phẩm hoành tráng, công phu như thế nên nghệ nhân Trịnh Công Sơn và các diễn viên rất muốn đưa Núi rừng năm ấy đến với các địa phương trong tỉnh rồi vào TP Hồ Chí Minh biểu diễn. “Hiện chúng tôi chưa có kinh phí để thực hiện, cho nên đó mới chỉ là mong ước. Rất mong nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị cũng như các “Mạnh thường quân” để vở diễn đến được với đông đảo quần chúng”, ông Sơn chia sẻ.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Minh Trí cho biết, Sở thường xuyên hợp tác với Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố Quảng Ngãi trong những sự kiện trọng đại, như chương trình vinh danh nghệ thuật bài chòi trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Chỉ quản lý trung tâm về mặt chuyên môn, tuy nhiên, Sở đang xây dựng đề án bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản bài chòi trình UBND tỉnh phê duyệt. Nếu đề án được duyệt, tỉnh sẽ hỗ trợ, phối hợp trung tâm trong một số hoạt động để góp phần lan tỏa sức mạnh của bộ môn nghệ thuật này. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng khẳng định, tỉnh Quảng Ngãi luôn khuyến khích hoạt động của các đơn vị tư nhân, câu lạc bộ nghệ thuật bài chòi tại địa phương. Tỉnh đang xem xét để đưa việc học hát bài chòi trở thành hoạt động tại trường học, trong đó sẽ có sự giúp sức của các nghệ nhân lành nghề thuộc các đơn vị xã hội hóa. Bên cạnh đó, các đơn vị biểu diễn bài chòi sẽ được hỗ trợ tổ chức thành các điểm, nhóm gắn với du lịch để thuận lợi cho việc nhân rộng, bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật độc đáo này.

Tất cả dẫu vẫn còn ở phía trước, nhưng với sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng sự nhiệt huyết của các nghệ nhân, nghệ sĩ không chuyên, bài chòi sẽ được tiếp tục bảo tồn, phát triển. Nghệ thuật bài chòi sẽ được chắp cánh đến với các vùng, miền của Tổ quốc, được đông đảo khán giả đón nhận, xứng đáng là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Bài và ảnh: Thu Huyền

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm