Mỗi năm, cứ khoảng hai tháng trước Tết Nguyên đán, sắc chín rực rỡ của quýt vàng Bắc Sơn (Lạng Sơn) lại làm nao lòng du khách khắp mọi miền đất nước. Thời gian gần đây, cùng với chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch Bắc Sơn, loại nông sản "vàng" của mảnh đất này còn được gia tăng giá trị nhờ hoạt động mở cửa, thu hút khách du lịch.
Vườn quýt Hang Hú (huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn). Ảnh: VI PHONG
Tham gia chuyến khảo sát những sản phẩm du lịch mới ở Bắc Sơn do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn tổ chức những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp được tới thăm vườn quýt Hang Hú ở thôn Hồng Phong I, xã Chiến Thắng, nơi vừa được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch Lạng Sơn. Leo qua hẻm núi đá, một khung cảnh khoáng đạt, thơ mộng với hàng trăm cây quýt sai trĩu quả hiện ra khiến ai nấy đều cảm giác như lạc vào một khu vườn trong chuyện cổ tích. Bước vào lòng hang, chào đón chúng tôi là luồng không khí mát lạnh sảng khoái mang theo cả hơi thở của núi rừng. Dù đã được giới thiệu trước về khu vườn độc đáo nằm trong hang động, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi choáng ngợp trước cảnh sắc vừa rực rỡ vừa thơ mộng nơi đây. Trái với hình dung thường thấy, những cây quýt trong vườn cây nào cây nấy đều cao vút, lúc lỉu những chùm quả như những chiếc đèn lồng sáng rực. Ðược trồng ở thung lũng đá hay còn gọi là lân đá, cho nên quýt Bắc Sơn - giống cây ăn quả bản địa nổi tiếng cả nước, có được sự kết tinh mầu vàng của nắng, vị ngọt của núi và hương thơm của gió. So với các giống quýt khác, quýt Bắc Sơn có vị ngọt đậm, mọng và ít xơ, vỏ quýt mỏng, mang vị thơm đặc trưng mà sau khi bóc, hương thơm ấy vẫn vương vấn quyện lại ở bàn tay...
Vườn quýt Hang Hú được gia đình ông Hoàng Cao Vinh, một cựu chiến binh có tình yêu đặc biệt với Bắc Sơn chăm sóc. Trên diện tích rộng hơn hai héc-ta là hàng trăm gốc quýt lâu năm đã được ông chăm bón khoảng 30 năm. Từ cuối năm 2017, được sự vận động của huyện Bắc Sơn, ông Vinh kết hợp mô hình sinh thái nông nghiệp và du lịch, mở cửa vườn quýt Hang Hú để đón khách. Không chỉ được tham quan, chiêm ngưỡng, du khách còn được giới thiệu về quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng cây quýt Bắc Sơn, cùng cách phân biệt quýt nơi đây với những loại quýt khác và lựa quýt ngon mang về làm quà sau chuyến đi... Ðể vừa phục vụ mục đích tham quan mà vẫn không làm ảnh hưởng tới cảnh quan và sự phát triển tự nhiên của vườn quýt, ở mỗi góc vườn, chủ vườn đều đặt những biển lưu ý du khách không tự ý ngắt, bẻ cành, quả; đồng thời bố trí sẵn quýt vườn đã thu hoạch ở những nơi dừng nghỉ để du khách thoải mái thưởng thức. Những năm trước, thu hoạch từ vườn quýt mang lại thu nhập trung bình mỗi năm đạt khoảng 200 triệu đồng, từ khi đưa vào khai thác dịch vụ du lịch nông nghiệp đã tăng lên 300 triệu đồng. Theo ông Vinh, đây không chỉ là cách gia tăng giá trị cho trái quýt vàng Bắc Sơn, tăng thu nhập cho gia đình mà còn là hình thức quảng bá du lịch Bắc Sơn nói riêng, Lạng Sơn nói chung. Ðến nay, vườn quýt Hang Hú đã đón hàng chục nghìn lượt khách. Ðây cũng là hướng đi đang được một số hộ dân ở địa phương nghiên cứu, áp dụng.
Đến vườn quýt Hang Hú, nếu định nghỉ lại qua trưa hay tối, du khách có thể quây quần trên những chiếc chòi cao trong hang động, chạm tay vào những trái quýt vàng trĩu trịt chung quanh, thưởng thức những món ăn mang phong vị đặc biệt của Bắc Sơn như bánh chưng đen, xôi nếp cẩm, thịt quay..., nhâm nhi vị rượu cần trong tiết trời se lạnh để lưu lại những cảm nhận khó quên... Cùng với Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn và suối Mỏ Mắm, vườn quýt Hang Hú đang trở thành một trong những điểm du lịch sinh thái mới và nổi trội nhất của Bắc Sơn nói riêng và Lạng Sơn nói chung thời gian gần đây. Ðây cũng là điểm đến mới đang được nhiều hãng lữ hành quan tâm trong hành trình khai thác tua, tuyến không chỉ với du khách trong nước mà còn với du khách quốc tế khi tới thăm Bắc Sơn, nơi được xác định sẽ trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh Lạng Sơn trong vài năm tới.
QUỲNH HƯƠNG
Theo nhandan.com.vn