Cập nhật: 11/01/2019 12:43:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Truyền bia để giải độc rượu được xem như một phương pháp chữa trị. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được áp dụng tại các cơ sở y tế, do chính các bác sĩ có chuyên môn thực hiện. Vì vậy, người dân tuyệt đối không tự ý dùng bia để giải độc sau khi uống rượu.

Ngày 25/12, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc (bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị) đã dùng 15 lon bia (tương đương 5 lít bia) để truyền vào cơ thể bệnh nhân ngộ độc rượu và đã cứu sống bệnh nhân này.

Bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng Khoa Hồi Sức tích cực giải thích, rượu có 2 loại cơ bản là etylic (ethanol) và metylic (methanol). Khi đi vào cơ thể, gan sẽ chuyển hóa etylic trước, sau đó đến metylic. Trong đó, etylic được chuyển hóa sẽ không gây ngộ độc nhưng metylic được chuyển hóa thành andehit formic, ở hàm lượng cao sẽ gây ngộ độc, nguy cơ tử vong rất cao.

Trong bia có etylic, vì vậy để ngăn chặn quá trình chuyển hóa metylic, đội ngũ y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị đã truyền bia cho bệnh nhân. Khi truyền bia cho bệnh nhân, gan sẽ ưu tiên chuyển hóa etylic, ngưng chuyển hóa metylic, điều đó giúp có đủ thời gian để lọc máu. Hơn nữa, methylic ở lâu trong cơ thể không được chuyển hóa sẽ bị đào thải dần qua đường nước tiểu, làm giảm độc tố trong cơ thể, đó là cơ sở để cứu sống bệnh nhân.

BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, việc truyền bia để giải độc rượu được xem như một phương pháp chữa trị. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được áp dụng tại các cơ sở y tế, do chính các bác sĩ có chuyên môn thực hiện. Việc lựa chọn phương pháp giải độc còn phải căn cứ vào nồng độ methanol gây ngộ độc trong cơ thể bệnh nhân. Vì vậy, người dân tuyệt đối không tự ý dùng bia để giải độc sau khi uống rượu.

Theo Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc năm 2015 của Bộ Y tế, methanol được hấp thu nhanh chóng và hoàn toàn qua đường tiêu hoá, thể tích phân bố 0,7L/kg, không gắn với protein huyết tương. Phần lớn được chuyển hoá qua gan nhưng chậm. Bản thân chất mẹ methanol tác dụng giống ethanol (các biểu hiện kiểu say rượu), nhưng sau đó methanol chuyển hóa thành axit formic, sau đó thành formate, gây nhiễm toan chuyển hóa, độc với các tạng, đặc biệt là thần kinh và thị giác.

Khi trong rượu uống có cả ethanol và methanol thì chuyển hóa gây độc của methanol xuất hiện chậm hơn và biểu hiện nhiễm độc muộn, bệnh nhân và thầy thuốc có thể chỉ chú ý đến ngộ độc kiểu ethanol lúc đầu và dễ bỏ sót giai đoạn ngộ độc thực sự về sau của methanol.

Ngộ độc methanol thường nặng, dễ tử vong nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị tích cực.

Còn ngộ độc ethanol, do nhiễm toan chuyển hóa do ngộ độc ethanol đơn thuần thường nhẹ và do toan lactic, toan xê tôn nhẹ, sau đó giảm dần trở về bình thường, không có nhiễm toan phối hợp và bệnh nhân hồi phục nếu không có chấn thương, biến chứng khác.

Để điều trị ngộ độc methanol, Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc năm 2015 của Bộ Y tế đã chỉ ra một trong những phác đồ điều trị, đó là ethanol và fomepizole (4-methylpyrazole) giúp ngăn cản việc methanol chuyển hóa thành các chất độc (axit formic và format), methanol tự do sẽ được đào thải khỏi cơ thể qua thận hoặc lọc máu. Khi ngừng các thuốc này hoặc dùng không đủ và bệnh nhân không được lọc máu, methanol tiếp tục được chuyển hóa và gây độc.

Ethanol hoặc fomedizole nên được dùng ở các bệnh nhân sẽ và đang được lọc máu liên tục hoặc trong thời gian chờ đợi lọc máu thẩm tách để ngăn chặn quá trình chuyển hóa gây độc tiếp diễn của methanol trong khi chưa được loại bỏ khỏi cơ thể.

Mặc dù sử dụng ethanol hiệu quả, rẻ tiền nhưng có một số tác dụng phụ tác dụng trên thần kinh trung ương, hạ đường huyết, rối loạn nước điện giải. Chế phẩm ethanol tĩnh mạch dễ dùng cho bệnh nhân hơn, dễ theo dõi và điều chỉnh liều hơn ethanol đường uống.

Cách dùng ethanol đường uống cụ thể từ loại rượu uống, sản phẩm này đảm bảo an toàn và có ghi rõ độ cồn (%). Cách pha và liều dùng cho mỗi bệnh phải do các bác sĩ có chuyên môn thực hiện.

Theo Thúy Hà/chinhphu.vn

Tệp đính kèm