Những ngày này, làng Nam Ô đang hối hả chuẩn bị hàng bán dịp trước Tết. Nước mắm nơi đây được nhiều người ưa chuộng gửi về phương xa cho gia đình.
Con đường vào làng nước mắm Nam Ô tấp nập hơn hẳn ngày thường. Người dân các nơi về đây mua nước mắm về ăn Tết, làm quà.
Những chai nước mắm Nam Ô loại 1.
Thông thường, nước mắm Nam Ô được sản xuất quanh năm. Tuy nhiên, vào những tháng gần Tết, sản lượng nước mắm tiêu thụ tăng gấp đôi, gấp 3 ngày thường.
Bà Phạm Thị Hải Nguyệt có nghề làm nước mắm lâu năm ở làng nước mắm Nam Ô chia sẻ: mỗi năm gia đình bà bán ra thị trường gần 3.000 lít nước mắm.
Tết về, người dân làng Nam Ô lại tất bật với việc làm mắm.
Dịp Tết khách hàng đặt mua nhiều, trong đó, nhiều người ở trong Nam ngoài Bắc cũng tìm đến đặt mua: “Như thường lệ, cứ sắp Tết là mình nhận đơn đặt hàng về gia đình cùng làm. Chủ yếu mùa Tết thì được nhiều hơn. Hợp đồng từ các cơ quan, doanh nghiệp. Mỗi cơ quan thì họ biếu mỗi người một lít, ví dụ doanh nghiệp có 200 công nhân thì bán được 200 lít nước mắm. Hay mình bán ở ngoài gửi đi thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội chủ yếu là khách du lịch”.
Để cho ra giọt nước mắm đạt chất lượng phải mất hơn 1 năm. Loại cá duy nhất được lựa chọn là cá cơm than.
Vào tháng 3 âm lịch, ngư dân vừa đánh bắt cá lên, cho vào vại ướp muối, đợi đến hơn 12 tháng mới được chiết mắm.
Gia đình bà Lê Nguyễn Hoàng Tâm có 5 đời nối nghiệp sản xuất nước nắm truyền thống, bà Tâm cho biết, mắm ở đây làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên, không sử dụng bất kỳ hóa chất nào.
Mắm Nam Ô được ướp từ cá hơn 1 năm.
Ngay cả ủ cá cũng dùng chum vại sành hoặc thùng phuy đạt tiêu chuẩn an toàn. Người dân muối cá bằng muối hạt lớn để lâu năm.
Các chum nước mắm làm bằng gỗ mít, dưới đáy chèn sạn và chổi đót, một chum có thể đựng được 2 đến 3 tại cá ướp muối.
Để đến 12 tháng sau, mới lấy được khoảng 100 -150 lít nước mắm loại 1, màu đỏ sậm, đặc sánh, rất thơm ngon.
Bà Lê Nguyễn Hoàng Tâm cho biết: “Khách hàng họ ăn từ bao nhiêu đời nay rồi bây giờ cứ thế rồi truyền tai nhau. Người ta bây giờ quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, nên họ thấy tín nhiệm sản phẩm của mình”.
Nước mắm Nam Ô có truyền thống từ lâu đời nên cứ đến dịp Tết gia đình nào cũng muốn có vài lít nước mắm Nam Ô để ăn và làm quà biếu Tết cho người thân, bạn bè.
Lọc mắm cho ra những giọt nước mắm ngon, nguyên chất.
Nước mắm Nam Ô không chỉ được tiêu thụ ở Đà Nẵng mà còn xuất đi các tỉnh, thành khác trong cả nước như Hà Nội, Đăk Lăk, thành phố Hồ Chí Minh,…
Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Làng nghề nước mắm Nam Ô chia sẻ, Trong khi nhiều nơi sử dụng công nghệ hiện đại để làm mắm thì làng Nam Ô vẫn giữ cách làm truyền thống.
Mọi quy trình từ ủ mắm đến chiết mắm đều phải đảm bảo kỹ thuật, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Do vậy, nước mắm Nam Ô được thị trường rất ưa chuộng. Ông Trần Ngọc Vinh cho biết thêm, những ngày này bà con tất bật sản xuất để kịp cung ứng cho thị trường Tết.
Năm nay, sản lượng tiêu thụ nước mắm Nam Ô gần 200 nghìn lít, tăng hơn nhiều với dịp Tết năm ngoái: “Bà con chúng tôi lúc nào cũng chuẩn bị mắm dịp Tết phải cách 8 đến 10 tháng. Chuẩn bị cho Tết 2019, thì bắt đầu ăn tết xong tháng Giêng mua cá để đúng y dịp cá tháng 3, đến tháng 11 là chúng tôi cho ra nước. Sau đó, đợi khách hàng gọi điện là mình cho mắm vào chai chuyển cho khách vào dịp Tết. Mắm không dùng hóa chất, phải đúng ngày, đúng tháng, đúng giờ mới được ra sản phẩm. Tôi mong muốn Nhà nước hỗ trợ mặt bằng tập trung các hội viên làng nghề giao người kiểm soát chất lượng mắm càng ngày càng cao hơn nữa”./.
Theo Phương Cúc/VOV.VN