Cập nhật: 17/01/2019 15:11:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Giáo viên phải được xếp ngang với lương của lực lượng vũ trang chứ không chỉ cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp...

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đang tiếp tục được lấy ý kiến nhân dân trước khi trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 7 diễn ra vào tháng 5/2019.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đến nay đã có 800.000 ý kiến từ cán bộ quản lý giáo dục các cấp, nhà giáo, phụ huynh học sinh và người học đóng góp cho dự thảo luật.

Đề xuất lương giáo viên xếp ngang với lương của lực lượng vũ trang (ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Đức Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD-ĐT) cho biết: Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) gồm 10 chương, 121 điều; trong đó sửa đổi, bổ sung 75 điều (tăng 1 chương, 1 mục so với Luật hiện hành; tăng 1 chương, sửa đổi bổ sung 39 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5).

Cấu trúc dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) về cơ bản kế thừa cấu trúc còn phù hợp của Luật Giáo dục hiện hành; có sự sắp xếp các chương, mục, điều phù hợp hơn với tính chất, nội dung dự thảo Luật.

GS.TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam đề xuất lương giáo viên phải được xếp ngang với lương của lực lượng vũ trang chứ không chỉ cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

GS.TS Trần Hồng Quân cho rằng, giáo dục có một sứ mệnh đặc biệt quan trọng, là quốc sách hàng đầu nên không có lý do gì không đặt ra điều này.

GS.TS Hồng Quân nêu ví dụ thực trạng hiện nay, Việt Nam có rất nhiều người giỏi ra nước ngoài rồi không về và một trong những lý do họ đưa ra là lương và điều kiện làm việc không đáp ứng được và không giúp họ phát triển.

Cũng tương tự như vậy, khi có mức đãi ngộ đúng mức sẽ tạo được động lực, sức hấp dẫn cho nghề giáo và lúc đó sẽ tự sàng lọc, lựa chọn được người thực sự giỏi vào ngành.

Theo GS.TS Trần Hồng Quân, đi kèm chế độ đãi ngộ như vậy tất nhiên tiêu chí đặt ra đối với nhà giáo sẽ cao hơn, buộc giáo viên luôn phải nâng cao trình độ, rèn luyện phẩm chất.

“Nếu chúng ta có triết lý giáo dục, định hướng, mục tiêu đào tạo tốt…mà chế độ đãi ngộ không tốt thì làm sao tạo được động lực cho các thầy cô. Chúng ta đừng viển vông rằng cứ tuyên dương nghề giáo là nghề cao quý là đủ mà cần phải có thái độ của xã hội, cụ thể là đãi ngộ đúng mức”, GS.TS Quân cho biết.

Tuy nhiên, GS.TS Quân cũng nhìn nhận khi đặt ra yêu cầu mức lương giáo viên ngang với lực lượng vũ trang thì xã hội sẽ đặt ra vấn đề ngân sách như thế nào. Để giải quyết vấn đề này có thể bằng việc tiếp tục xã hội hóa, mở rộng thêm các trường ngoài công lập để giảm gánh nặng bao cấp của nhà nước.

GS.TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam (ảnh: giaoduc.net.vn)

Không nên quy định cứng nhắc về phân luồng

Góp ý vào Luật Giáo dục sửa đổi, PGS.TS Đặng Bá Lâm – Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ cho rằng, hướng nghiệp là trách nhiệm của hệ thống giáo dục, còn chọn luồng giáo dục là quyền của người học, dựa trên cơ sở kết hợp nguyện vọng, sở trường của cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Vì vậy, không nên quy định cứng nhắc về phân luồng.

Cho ý kiến về chính sách cử tuyển, PGS Đặng Bá Lâm đồng tình quy định như dự thảo, giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh căn cứ vào nhu cầu của địa phương có trách nhiệm đề xuất chỉ tiêu cử tuyển, phân bổ chỉ tiêu cử tuyển theo ngành nghề phù hợp trên cơ sở quy hoạch đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực của địa phương… để đảm bảo hiệu quả trong chính sách cử tuyển.

Bàn về Hội đồng tư vấn trong nhà trường, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam cho rằng nên bỏ bởi lẽ đã có Hội đồng trường. Việc thêm tổ chức này sẽ gây chồng chéo, khó cho hoạt động của nhà trường. Đối với các vấn đề phát sinh, hiệu trưởng có thể tổ chức trưng cầu ý kiến của Hội đồng trường, ý kiến của thành phần lãnh đạo (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, các trưởng phòng…), ý kiến của các tổ trưởng bộ môn trong trường, có thể lấy ý kiến của các đại diện trong trường, kể cả trưng cầu ý kiến phụ huynh. 

Theo Bích Lan/VOV.VN

Tệp đính kèm