Cập nhật: 19/01/2019 11:15:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thời gian qua, các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam đã có những chính sách và hành động được thế giới đánh giá cao trong việc thực thi cam kết về bảo vệ các loài động vật hoang dã (ÐVHD). Nhiều vụ việc vi phạm đã được xử lý, tuy nhiên, nước ta vẫn là điểm nóng về buôn bán và sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã, cho nên cần thực hiện các biện pháp kiên quyết, triệt để hơn nữa trong thời gian tới.

Các lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai thu giữ động vật hoang dã vận chuyển trái phép tại phường Yên Ðỗ, TP Plây Cu. Ảnh: DÃ QUỲ

Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, Việt Nam đang trở thành địa bàn trung chuyển và cũng là một trong những điểm nóng về buôn bán và sử dụng sản phẩm từ ÐVHD ở khu vực Ðông - Nam Á. Nhiều vụ án xuyên quốc gia với khối lượng vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ lớn các sản phẩm từ động vật, thực vật hoang dã đã bị phát hiện. Tình trạng sử dụng các sản phẩm từ ÐVHD như ngà voi, sừng tê giác cũng xảy ra tại nhiều địa phương.

Thống kê của ngành tòa án, từ năm 2015 đến 2017, tòa án các cấp đã thụ lý 231 vụ với 339 bị cáo vi phạm quy định về bảo vệ ÐVHD, động vật nguy cấp, quý, hiếm. Trong đó, tám bị cáo bị phạt tù từ ba đến bảy năm, 96 trường hợp bị phạt tù từ ba năm trở xuống. Còn theo Cơ quan quản lý CITES Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ năm 2014 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ 28.728 kg ngà voi, 478,84 kg sừng tê giác và hơn 15 tấn vảy tê tê, nhiều mẫu vật san hô đen, rùa sống, rắn ráo, xương hổ, vỏ trai tai tượng, gỗ các loại… Chỉ tính riêng trong năm 2018, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã ghi nhận gần 800 vụ vi phạm pháp luật về ÐVHD trên mạng xã hội với khoảng hơn 1.200 đường dẫn có dấu hiệu vi phạm. Các sai phạm thường gặp chủ yếu là hành vi rao bán và quảng bá việc lưu giữ trái phép các loài hoặc bộ phận, chế xuất loài ÐVHD, trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế như hổ, gấu, cu-li, rái cá… Thời gian gần đây, nhiều hình ảnh giết hại các loài ÐVHD nguy cấp, quý, hiếm rồi phát tán trên mạng xã hội để khoe "chiến tích" đã gây phẫn nộ cộng đồng mạng. Sau khi đăng tải, những hành vi sát hại dã man các cá thể ÐVHD đã bị lên án mạnh mẽ. Qua đó cho thấy, dư luận xã hội đang ngày càng có nhận thức đúng đắn, thể hiện thái độ quyết liệt trước những hành động gây tổn hại đến các loài ÐVHD. Và, chính cộng đồng xã hội đã góp phần quan trọng trong nỗ lực đấu tranh với loại tội phạm này.

 

Thực tế đã có nhiều vụ án được khám phá, xử lý thông qua tố giác của quần chúng nhân dân. Cuối tháng 12-2018, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị đã ra quyết định khởi tố một đối tượng buôn bán ÐVHD trái phép trên mạng xã hội. Trước đó, Cảnh sát thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương cũng đã bắt giữ đối tượng, tịch thu 18 móng và răng hổ, móng gấu và báo gấm. Nhờ thông báo của người dân qua đường dây nóng của ENV, Công an tỉnh Bình Dương đã bắt giữ đối tượng quảng cáo các sản phẩm từ ÐVHD trên Facebook và tịch thu một miếng da hổ, năm đồng hồ làm từ da hổ, 19 móng hổ, 210 móng gấu và hơn một ki-lô-gam sản phẩm từ ngà voi. Công an thành phố Hà Nội cũng đã xử lý và tịch thu từ một đối tượng rao bán trên Facebook 1,1 kg sừng tê giác. Gần đây nhất, ngày 16-1, Bộ Công an phối hợp Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện, bắt quả tang chín đối tượng tại xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn đang có hành vi nuôi, nhốt, buôn bán trái phép 215 cá thể tê tê với trọng lượng gần 700 kg thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ (thuộc nhóm IIB). Hiện, vụ việc đang được điều tra làm rõ…

Cùng với cộng đồng quốc tế, những năm qua các cơ quan chức năng Việt Nam đã và đang tăng cường đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm liên quan ÐVHD, với những chính sách và hành động cụ thể, phù hợp tình hình thực tế. Ðiều 38 Luật Lâm nghiệp quy định về bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng đã nêu rõ loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm phải được lập danh mục để quản lý, bảo vệ. Chính phủ quy định danh mục và chế độ quản lý, bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; trình tự, thủ tục khai thác các loài nêu trên thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Ngày 10-5-2017, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 628/QÐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Theo đó, tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật; ngăn chặn hoạt động săn bắn, bẫy bắt và buôn bán trái pháp luật để đến năm 2025 giảm 70% nạn săn bắn các loài linh trưởng. Ngày 5-11-2018, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đã ra Nghị quyết số 05/2018/NQ-HÐTP (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2018) hướng dẫn áp dụng Ðiều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ ÐVHD và Ðiều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật Hình sự. Trong đó, người thực hiện hành vi chiếm đoạt cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của ÐVHD, động vật nguy cấp, quý, hiếm của người khác nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy từng trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm chiếm đoạt tương ứng quy định các tội xâm phạm sở hữu trong Bộ luật Hình sự. Người thực hiện hành vi chiếm đoạt cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của ÐVHD, động vật nguy cấp, quý, hiếm sau đó lại thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định tại Ðiều 234 hoặc Ðiều 244 của Bộ luật Hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy từng trường hợp cụ thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã hoặc tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Nhằm thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về tội phạm ÐVHD, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh giao các bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công thương chỉ đạo các lực lượng trực thuộc tiếp tục tăng cường kiểm soát, điều tra, bắt giữ, xử lý triệt để đối với các hành vi buôn bán, vận chuyển trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 28/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài ÐVHD trái pháp luật.

Với quyết tâm của Chính phủ, sự nhận thức không ngừng được nâng cao của cộng đồng xã hội, hy vọng trong thời gian tới Việt Nam sẽ sớm đạt được những kết quả quan trọng trong đấu tranh chống tội phạm buôn bán, vận chuyển trái phép ÐVHD và việc nuôi nhốt trái phép ÐVHD.

 

 

Theo DŨNG MINH /nhandan.com.vn

Tệp đính kèm